Thạc sĩ Phạm Thị Thúy, tác giả của nhiều đầu sách về giáo dục kỹ năng làm cha mẹ, gợi ý một số trò chơi đơn giản giúp bé phát triển trí não, tư duy, ngôn ngữ.
Việc cha mẹ cùng chơi với con sẽ làm thắm thêm mối giây liên kết tình cảm gia đình. Ảnh: TT. |
1. 1-3 tuổi
Ở lứa tuổi này, trẻ đã biết đi, biết sử dụng đồ vật, biết nói. Chúng luôn tò mò khám phá thế giới xung quanh mình nên hay đặt câu hỏi vì sao, như thế nào, là gì... Đây cũng là giai đoạn diễn ra cuộc “khủng hoảng tuổi lên 3”, đôi khi trẻ tỏ ra bướng bỉnh, cáu gắt. Những đứa trẻ lên 3 rất thích được khen và được người khác thừa nhận cái tôi của mình.
Dựa vào đặc điểm phát triển trên, cha mẹ có thể tổ chức các trò chơi giúp trẻ phát triển thể chất và trí tuệ như:
- Trò chơi mang tính khám phá: Đọc sách, làm quen với chữ cái, các con số và màu sắc…
- Trò chơi mô phỏng: Làm việc nhà, đóng kịch, hát…
- Trò chơi mang tính sáng tạo: Xếp hình, lắp ghép, hóa trang, nặn đất sét, tô màu.
- Trò chơi vận động: Tập đi xe lắc và xe đạp 3 bánh. Có thể khuyến khích trẻ nhảy và lắc mình theo những điệu nhạc sôi động.
Có thể sử dụng một số loại đồ chơi thích hợp với từng dạng hoạt động:
- Trò chơi phát triển thể chất: Có thể bố trí những quả bóng nhựa để trẻ chạy, đuổi bắt; ôtô, tàu hỏa nhựa có thể di động được; các loại xe ba bánh cho trẻ đẩy, đạp, vận động ngoài trời...
- Phát triển trí tuệ: Đất nặn, giấy bút cho trẻ vẽ nguệch ngoạc; các đồ chơi hình hộp để trẻ lắp ghép, đặc biệt đồ chơi hình khối bằng gỗ…
- Phát triển tình cảm: Các con vật xinh xắn bằng nhựa, điện thọai giả, gỗ hay búp bê bằng vải... để trẻ ôm ấp, bắt chước người lớn chăm sóc, yêu thương, hướng đến tình yêu và trách nhiệm...
2. 3-5 tuổi
Đây là giai đoạn khả năng tư duy và ngôn ngữ phát triển mạnh. Ý thức của trẻ tuy chưa hoàn thiện nhưng đang trong giai đoạn hình thành. Chúng có thể biết và thể hiện sắc thái, cảm xúc khá chính xác, có thể tự chăm sóc bản thân. Trẻ 3-5 tuổi khá nhanh nhẹn, thích vận động và chạy nhảy, thích bắt chước người lớn và muốn chứng tỏ mình đã lớn.
Một số trò chơi thích hợp đối với lứa tuổi này:
- Đọc sách.
- Đóng vai.
- Oẳn tù tì.
- Nhảy lò cò.
- Thả diều.
- Đi xe đạp.
- Xếp hình.
- Tập đếm, nhận biết màu sắc, con số, chữ cái.
3. 5-6 tuổi
Ở giai đoạn này, trẻ phát triển nhanh về mọi phương diện. Ý thức cái tôi phát triển mạnh nên chúng luôn muốn mình ở vị trí trung tâm. Trẻ cũng rất nhạy cảm. Đặc biệt đây là giai đoạn bản lề chuẩn bị cho bé vào lớp 1.
Một số dạng trò chơi phù hợp giúp trẻ phát triển toàn diện như:
- Đi dã ngoại, khám phá thế giới tự nhiên.
- Các trò chơi thủ công: Cắt dán, nặn đất sét, gấp máy bay, cắt quần áo cho búp bê…
- Đi xe đạp.
- Chơi đóng vai theo chủ đề.
- Tập đếm và toán học: Que tính, bàn tính…
- Giúp mẹ một số công việc nhà phù hợp.
- Chơi các loại nhạc cụ…
Thi Trân