Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên học Viện Hành chính Quốc gia TP HCM cho biết, sau 3 tuổi, tư duy trực quan hành động của trẻ tiếp tục phát triển. Khi lên 4 tuổi, bé bắt đầu trải qua một bước ngoặt cơ bản về tư duy. Đó là việc chuyển từ tư duy hành động định hướng bên ngoài thành những hành động định hướng bên trong não, chuyển từ kiểu tư duy bằng tay (trực quan - hành động) của thời kỳ ấu nhi sang tư duy trực quan - hình tượng (hình ảnh).
Khi lên 4 tuổi, trẻ biết tư duy trực quan - hình tượng nên những trò chơi lắp ghép theo nhiệm vụ nhất định sẽ giúp các em phát triển khả năng tư duy, tưởng tượng. Ảnh: Thi Trân. |
Đặc điểm của kiểu tư duy trực quan - hình tượng là việc giải quyết nhiệm vụ đặt ra không chỉ được thực hiện bằng phép thử bên ngoài với các vật thật nữa. Thay vào đó, các em biết thực hiện cả phép thử ngầm trong óc dựa vào hình ảnh, biểu tượng về đồ vật hay về hành động với đồ vật mà trẻ đã làm hay nhìn thấy người khác làm. Từ đó, trẻ có thể suy nghĩ về những sự vật mà trẻ không trực tiếp tri giác, không trực tiếp tác động.
Người lớn có thể quan sát và rèn luyện khả năng tư duy ở trẻ qua các trò chơi sau:
Trò chơi 1: Bé được giao nhiệm vụ lấy một trái banh trong gầm tủ. Lúc này, trẻ sẽ động não và thực hiện phép thử trong đầu là dùng một vật dài để khều nó ra. Sở dĩ các em có được suy nghĩ đó là nhờ kết quả của việc lặp đi lặp lại tư duy trực quan hành động với đồ vật (cụ thể là trái banh, cái cây dài) trước đó.
Trò chơi 2: Cho trẻ 5 khối hình tròn, tam giác, vuông, bình hành, ngôi sao và năm lỗ trống tương ứng với năm hình. Nhiệm vụ của bé là xếp các hình vào các lỗ cho phù hợp. Lúc này, trẻ mẫu giáo sẽ tiến hành ướm thử trong đầu các hình ảnh của các khối hình và hành động theo hướng mà mình đã suy nghĩ .
Trò chơi 3: Đặt ra một bài toán: có một thanh gỗ, điểm giữa được gắn vào trục để có thể xoay hoặc đẩy được, một đầu ở xa có gắn đồ chơi. Yêu cầu trẻ ngồi ở phía gần mà làm thế nào lấy được món đồ chơi đó. Trẻ sẽ suy nghĩ một lúc rồi lấy tay ấn đầu thanh gỗ ở gần xuống, và đồ chơi cũng lăn xuống theo. Khi hỏi tại sao lại làm vậy, trẻ sẽ trả lời: “Cháu thấy nó giống cái bập bênh, cứ ấn đầu bên này lên thì đồ chơi ở bên kia sẽ lăn xuống”.
Sở dĩ tư duy trực quan - hình ảnh phát triển là do trẻ hành động lặp lại với đồ vật nhiều lần, dần dần nhập tâm thành biểu tượng trong đầu. Chẳng hạn, trong trò chơi đóng vai, trẻ biết dùng vật này thay thế cho vật khác và hành động với vật thay thế y như vật thật. Đó là hành động mang tính ký hiệu tượng trưng, hành động rút gọn, là cơ sở để phát triển tư duy trực quan hình ảnh.
Ở đầu thời kỳ mẫu giáo, tư duy của các em mang tính trực quan hình tượng nên trẻ khó giải được bài toán dưới hình thức trừu tượng, ví dụ khó giải bài toán 2+3 nếu không được nhìn sự vật cụ thể (hai quả táo, hai bông hoa…).
Giữa thời kỳ mẫu giáo, trẻ phát triển mạnh khả năng ký hiệu hóa, từ đó xuất hiện kiểu tư duy trực quan sơ đồ. Thực chất, nó vẫn thuộc kiểu tư duy trực quan hình tượng nhưng khái quát hơn và là một bước trung gian để chuyển sang tư duy trừu tượng.
Trẻ cuối tuổi mẫu giáo có khả năng hiểu một cách dễ dàng và nhanh chóng cách biểu diễn sơ đồ, đồng thời sử dụng hiệu quả những sơ đồ đó để tìm hiểu sự vật. Chẳng hạn, trẻ có thể nhìn vào sơ đồ tìm ra một địa chỉ nào đó một cách dễ dàng. Điều này cho thấy trẻ có khả năng đọc được sơ đồ và giải mã. Hoặc khi được yêu cầu tìm đường đi đến một nơi nào đó, trẻ chỉ cần vẽ một số vạch chủ yếu, tức là trẻ đã nắm được kỹ năng sơ đồ hoá (ký mã).
Dựa vào những đặc điểm tư duy trên, người lớn có thể cho trẻ tham gia vào các trò chơi dưới dạng bài tập: Thỏ con đi lạc và cần tìm đường đi ngắn nhất để về đến nhà dưới dạng sơ đồ. Hoặc cũng có thể yêu cầu bé xác định vị trí và phương hướng giữa các đồ vật với nhau.
Thi Trân