Lựa chọn của Trần Thị Ái Liên, diễn giả của khóa học “Kỷ luật không nước mắt” khiến cho không chỉ bạn bè mà cả người thân trong gia đình tiếc nuối. Trong suốt chặng đường hơn 20 năm sống ở Mỹ, chị vượt qua rất nhiều thử thách, từ một công nhân cho một hãng lắp ráp linh kiện điện tử, không rành tiếng Anh, chị vừa học vừa làm và trở thành Thạc sỹ Chính sách Công, Đại học UC Berkeley. Ở Mỹ, chị làm việc cho Capital Group, một trong những hãng tài chính lớn nhất nước Mỹ với mức lương khoản 80.000 USD, và nếu tiếp tục làm thì bây giờ có thể là hơn 100.000 USD.
Diễn giả Trần Thị Ái Liên.
Vậy điều gì khiến người phụ nữ thành đạt ấy từ bỏ một sự nghiệp đáng ngưỡng mộ để trở về Việc Nam theo đuổi mục tiêu đem phương pháp nuôi dạy “Kỷ luật không nước mắt” đến với các ông bố, bà mẹ Việt? Cùng Deca trò chuyện với diễn giả Trần Thị Ái Liên để hiểu thêm về lựa chọn và hành trình thực hiện ước mơ của chị.
Chào chị Ái Liên, chị có thể chia sẻ về những thành tựu mà khóa học Kỷ luật không nước mắt của chị đã đạt được?
Kỷ luật không nước mắt không phải là phương pháp dạy con do tôi sáng tác. Nó là phương pháp dựa trên nền tảng nghiên cứu khoa học của nhiều nguồn chính thống mà tôi đọc qua sách vở ở Bắc Mỹ. Trong vòng hơn 2 năm thôi, mà đã có hơn 45,000 phụ huynh Sài Gòn và Hà nội tham gia chương trình. Đây là con số rất ấn tượng, nhưng so với 90 triệu người sống trên lãnh thổ Việt nam, thì đây chỉ là nửa hạt cát trong sa mạc thôi.
Có những phụ huynh cảm thấy bất lực trong quá trình nuôi dạy con cái. Chị có lời khuyên nào với những phụ huynh này không thưa chị?
Tôi không có quyền khuyên bảo ai cả, tôi chỉ có thể giới thiệu thông tin và phương pháp, người quyết định lắng nghe, thử nghiệm là phụ huynh. Họ thành công hay thất bại là do quyết định và sự kiên trì của họ. Tổng thống Obama hay nói rằng “Nếu bạn không thay đổi cách làm mà hy vọng kết quả thay đổi là điên rồ”. Vậy thì nếu phụ huynh cảm thấy bất lực bằng phương pháp đang làm thì nên chăng hãy thử phương pháp khác.
Không khí sôi nổi trong một buổi hội thảo Kỷ luật không nước mắt của Trần Thị Ái Liên.
Theo chị, làm cách nào bố mẹ có thể luôn theo kịp sự phát triển tâm lý của con, thấu hiểu để có phương pháp dạy con tốt nhất khi trẻ đến tuổi đi học và bắt đầu biết suy nghĩ độc lập?
Trong quá khứ, con người còn kém văn minh, chưa có khoa học kỷ thuật và thông tin đại chúng thì người ta truyền thông tin bằng nói cho nhau nghe hoặc trải nghiệm cuộc đời. Do đó, người già đương nhiên tài giỏi hơn người trẻ. Bây giờ, thông tin có sẵn trong sách vở, báo chí và nhất là internet. Thông tin cập nhật và đáng tin cậy nhất thì thường bằng tiếng Anh. Điều đó nghĩa là ai biết Anh và giỏi kỷ thuật người đó sẽ giỏi hơn. Vậy thì, cán cân quyền lực đã đảo ngược. Vì vậy, cha mẹ nào còn ảo tưởng mình có quyền lực với con mình thì chỉ làm con xa lánh và khinh khi. Cha mẹ có thể cấm đứa trẻ khinh mình ngoài mặt, bắt buộc nó chào hỏi, thưa gửi… nhưng không thể cấm nó khinh mình trong đầu. Tôi chỉ có thể đề nghị là cha mẹ hãy chấp nhận sự thật này để cư xử đúng mực với “người giỏi hơn mình”.
Chị có thể chia sẻ đôi chút về ký ức thời thơ ấu của cô bé Ái Liên?
Tôi lớn lên khi chiến tranh kết thúc, ba tôi đi học tập cải tạo, mẹ tôi buôn thúng bán bưng, anh chị tôi mỗi người ở một nơi. Tôi chỉ nhớ cảm giác khi bị người lớn nói sai và bắt mình im lặng dù mình đúng. Tôi chỉ nhớ cảm giác căm phẫn khi bạn tôi bị ông lao công rượt bắt, bị lôi sềnh sệch ra sân và lấy chổi quất liên tục vào người. Tôi thề với lòng rằng lớn lên tôi sẽ bênh vực trẻ em cho tới cùng.
Trong một cuộc nói chuyện chị từng nói rằng mình đã có giai đoạn bị trầm cảm. Chị làm cách nào để vượt qua giai đoạn khó khăn ấy?
Trước đây, khoa học còn tin rằng, trầm cảm là bệnh tâm lý, và xã hội vẫn nghĩ rằng trầm cảm là sự yếu đuối. Bây giờ, khoa học đã chứng minh được rằng trầm cảm là bệnh sinh lý, vì thiếu một số hóoc môn trong não. Vì vậy, tôi không giấu diếm việc mình bị trầm cảm để mọi người hiểu sự thật của vấn đề mà cảm thông cho những người bị trầm cảm.
Vì tôi đi thiền Vipassana và luyện tập quan sát tâm tư tình cảm của mình cho nên mỗi khi như vậy thì tôi không quyết định điều gì, tạm dừng công việc và nói rõ lý do cho người liên quan biết để họ hiểu. Biểu hiện trầm cảm rất khác nhau ở mỗi người, cách tốt nhất để vượt qua là đừng cố gắng vượt qua mà hãy chấp nhận sống với nó. Hãy gặp bác sĩ tâm lý, tìm hiểu, học hỏi thông về trầm cảm, tìm cho mình cách đối phó và lối sống hợp với mình nhất.
Chị Ái Liên có hài lòng với cuộc sống hiện tại không?
Tôi có rất nhiều bạn bè mới tốt hơn cả người thân. Tôi hạnh phúc trong từng giây phút và từng ngôn từ chia sẽ với phụ huynh. Tôi luôn thầm cảm ơn cuộc sống, sự ủng hộ của phụ huynh, nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ và sự cố gắng của cộng sự.
“Tôi hạnh phúc trong từng giây phút và từng ngôn từ chia sẻ với phụ huynh”
Xin được phép hỏi chị Ái Liên một câu hỏi hơi riêng tư. Là một người rất yêu trẻ, tại sao đến bây giờ chị vẫn chọn cho mình cuộc sống độc thân mà không kết hôn và sinh con?
Tôi không hề chọn con đường độc thân. Tôi thèm có chồng con lắm. Nhiều người theo tôi lắm, và tôi cũng theo nhiều người lắm, theo đâu là dính đó, nhưng khi sâu đậm là gãy đổ chứ không đi tới hôn nhân. Có lẽ là vì lúc mới gặp thì người ta thấy dễ thương, duyên dáng, xinh đẹp, nhưng khi biết rõ sự thật thì người ta sợ và chạy mất luôn (Cười).
Xin cảm ơn chị!