Sau nửa năm trở lại căn nhà mái ngói giăng đầy bồ hóng, lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng san sát ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội), nơi mà mẹ con chị Phạm Thị Hiên (37 tuổi) - người phụ nữ ảnh hưởng chất độc da cam bị xâm hại đến có thai sinh sống, tôi bắt gặp cảnh chị đang ngồi trước hiên nhà bón từng thìa cháo cho con ăn buổi sáng.
Chị Phạm Thị Hiên và con gái gần 1 tuổi.
Nhìn gương mặt chị tươi cười, nựng con ăn, tôi hiểu rằng, sau tất cả những nỗi đau, chị đã tìm thấy một món quà vô giá, đó là nàng công chúa bé bỏng nay đã được gần 1 tuổi.
Hễ ai đến thăm có ý định xin con, chị đều lo sợ, khóc rưng rức
Nhắc đến chị Hiên, ai ai trong xã Lê Thanh cũng phải xót xa. Cách đây gần 1 năm, sau khi chị sinh con gái, có người ngỏ ý muốn nhận nuôi con của chị. Cứ mỗi lần như vậy, chị lại bật khóc rưng rức đuổi đi.
“Cháu bị như vậy, gia đình lại nghèo khó, vẫn sống trong ngôi nhà dột nát nên nhiều người cũng ngỏ ý đến xin. Mỗi lần như vậy, cái Hiên lại gào khóc, đuổi mọi người đi”, bà Trương Thị Đức – mẹ chị Hiên cho biết.
Tuy gặp khó khăn khi chăm con nhưng ai ngỏ ý nhận nuôi, chị Hiên đều xua đuổi, giữ con thật chặt.
Kể lại ca sinh của đứa con ngây ngô mà tội nghiệp của mình, bà Đức nhớ lại: "Ngày sinh nở, do nhảy xuống đường nhặt chiếc dép bị rơi khi đến viện nên cháu bị gãy tay phải đóng đinh, bác sĩ cũng phải mổ gấp để mẹ tròn con vuông. Lúc ý, gia đình không có, đến tiền viện phí, tiền phẫu thuật, tiền sinh, tã bỉm, sữa, bác sĩ cũng cho hết”.
Mặc dù có hơi ngô nghê, khờ khạo nhưng ai động đến con gái, chị Hiên đều khóc rưng rức, ôm chặt con vào lòng.
Sau sinh, vì gặp sự cố, bị gãy tay trên đường nên chị Hiên không thể chăm sóc được con. Mọi việc lại nhờ một tay bà Đức giúp chị.
Mỗi lần không làm được gì khi con khóc đòi bú, chị lại lóc cóc lê những bước chân chậm chạp ra ngoài gọi mẹ về. Đôi lúc, bất lực vì không bế được con, chị lại chống tay vào cằm nhìn con với gương mặt đượm buồn. “Mới sinh tay vẫn còn đóng đinh đau không bế được con. Nhưng mà có con vui lắm, khác với hồi chưa có con nhiều. Ai vào xin con cũng không đồng ý, vẫn giữ con bằng được”, như một điệp khúc không trọn vẹn, hễ ai nhắc đến con gái chị Hiên đều nói vậy.
Niềm hạnh phúc làm mẹ dường như khiến người mẹ ngây ngô trở nên minh mẫn hơn
Tuy không được thông minh, nhanh nhẹn, đôi lúc “điên điên khùng khùng” nhưng tình mẫu tử, niềm hạnh phúc khi được làm mẹ dường như khiến chị Hiên minh mẫn hơn. Mỗi khi nhắc đến con, gương mặt chị bỗng trở lên rạng rỡ, bừng sáng lạ thường.
Mỗi lần nhắc đến con, ánh mắt chị Hiên lại "sáng lên" đến lạ.
Chắc khó ai nghĩ, hàng ngày, người mẹ chỉ cao vỏn vẹn 1m ấy vẫn cắp con bên hông đến vẹo cả người rồi nựng con ăn. Hàng sáng mùa thu trời se lạnh, chị Hiên luôn nhớ mặc áo dài tay và ôm con thật chặt vào lòng ngồi trước cửa nhà.
Chị Hiên rất thích cắp con bên hông những lúc đưa con đi chơi hay cho con ăn.
Không những vậy, người mẹ mà đôi khi mọi người vẫn nghĩ "điên điên khùng khùng" ấy hàng ngày vẫn cẩn thận bóc gói cháo, chạy bước thấp bước cao sang nhà hàng xóm xin nước nóng rồi hì hụi xúc từng thìa từng thìa bón cho con ăn. Thậm chí chị còn biết lúc nào con khóc có nghĩa là con đòi bú. Rồi có những lúc, con gái làm rơi mẩu bánh mì xuống đất, chị nhặt lên thổi phù cho hết bẩn rồi dúi lại vào tay con, dỗ cho con hết khóc nhè.
Mặc dù những thao tác chăm con có phần chậm chạp, ngượng ngùng nhưng với chị, đó là cách riêng để chị dồn tất cả tình yêu thương của mình cho con. Chị chăm chút con tỉ mỉ từng tí một.
“Hiên không bao giờ đánh con. Trông nó thế thôi nhưng nịnh con lắm. Từ khi có con, nó cũng thay đổi, giặt tã cho con, bế con ăn, biết trông con để tôi đi ra ngoài chợ kiếm dăm đồng rau mỗi ngày. Tôi cũng yên tâm hơn phần nào. Vì vậy, cuộc sống đến đâu thì đến, tôi lúc nào cũng vẫn sẽ cố hết mình bên cạnh con và cháu”, bà Đức chia sẻ.
Không thể đi làm, chị Hiên ở nhà chăm sóc và dành tất cả tình yêu cho con gái bé bỏng.
Từ ngày có con, chị Hiên hay cười nhiều hơn bởi bên chị, giờ đây đã có con gái đồng hành. Dẫu cuộc sống có khó khăn đến mấy, mẹ con bà cháu chị vẫn cùng nhau cố gắng và vượt qua.
Có lẽ, với chị Hiên, đứa con gái bé bỏng là tất cả những gì chị có và chị cũng sẽ dành tất cả tình yêu thương để chăm lo cho con đến hết cuộc đời.
>> XEM TIẾP: Quặn đau với tiếng khóc "xé lòng" của người mẹ nhiễm chất độc màu da cam bị xâm hại