Tôi sinh ra ở Việt Nam nhưng lại sống phần lớn ở Kenya vì phải lòng một anh chàng mà theo tôi là do ‘duyên số’. Kenya là một đất nước nhỏ ở phía Đông châu Phi với đến 85% dân số theo nghề nông, chủ yếu là trồng lúa mì, ngô, bông và cà phê, nền kinh tế không được hưng thịnh cho lắm. Vậy nhưng, tôi vẫn quyết định đến đây sinh sống cùng với tình yêu của mình. Rất nhanh chóng, chỉ trong vòng 5 tháng sau đó, tôi ngỡ ngàng phát hiện ra mình đã mang thai.
Như bao phụ nữ Việt hiện đại khác, tôi lao vào đọc ngấu nghiến những quyển sách dạy làm mẹ ra sao, nuôi con thế nào, phong tục sinh nở, cách dạy dỗ của người châu Phi có gì khác biệt…Tất cả mọi thứ tôi đọc đều nói rằng: trẻ em Kenya hầu như không bao giờ khóc. Tôi rất ngạc nhiên và càng say mê đọc sách hơn. Tuy nhiên, mẹ chồng Kenya của tôi sau đó đã nói với tôi rằng: “Trẻ sơ sinh không đọc sách, và tất cả những gì chúng ta – các bà mẹ nên làm là hãy ‘đọc’ con của mình”.
Tôi bắt đầu bỏ sách xuống và quan sát xung quanh. Tôi để ý đến các bà mẹ và trẻ sơ sinh ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên ở Kenya, để bắt gặp một em bé dưới 6 tuần tuổi là rất khó khăn. Trẻ sơ sinh Kenya dưới 6 tuần tuổi thường không ra khỏi nhà. Thêm vào đó, mỗi khi được ra ngoài đường, trẻ em Keyna thường được bố mẹ chúng ‘gói bọc’ rất kỹ trong những tấm khăn rộng hoặc được mẹ dùng địu đeo vào người. Bạn chỉ có thể nhìn thấy tay hoặc chân của chúng chứ rất khó có thể thấy mặt. Người Kenya bao bọc con cái mình rất kín kẽ khỏi thế giới bên ngoài.
Nhận xét thứ hai tôi quan sát được, đó là một sự khác biệt về văn hóa. Ở Việt Nam, mọi người đều cho rằng trẻ con khóc là chuyện đương nhiên. Tuy vậy, ở Kenya, mọi thứ hoàn toàn ngược lại. Trẻ em không khóc mới là đúng. Và nếu như, có một đứa trẻ đang khóc, đó là điều hoàn toàn không bình thường, có gì đó không ổn và người mẹ phải ngay lập tức tìm ra và ‘sửa chữa’ chúng. Cô em gái Việt Nam của tôi đã tổng kết “Người Kenya hình như không thích trẻ con khóc đúng không?” Tôi cũng rất lấy làm băn khoăn.
Mọi chuyện chỉ thực sự sáng tỏ khi tôi sinh bé Laura và mẹ chồng tôi bắt đầu từ quê lên sống ở thủ đô Kenya với chúng tôi. Đúng như những gì tôi nghĩ, Laura là trẻ con và đương nhiên, con gái tôi gào khóc rất nhiều. Tôi dường như vô cùng bối rối vì không biết phải làm thế nào. Đôi khi, tôi vừa ôm con mà vừa khóc theo Laura. Vậy nhưng đối với mẹ chồng tôi, mọi việc lại vô cùng đơn giản. “Nyonyo (cho con bú đi)” là câu trả lời của bà cho tất cả những tiếng ọ ẹ của Laura.
Vậy là bất cứ khi nào con gái tôi khó chiu, vì bỉm ướt, muốn ợ hơi hay khi tôi vừa đặt con xuống mà bé khóc… tôi luôn luôn cho con bú. Hầu hết thời gian trong ngày, tôi và các bà mẹ Kenya đều dính chặt lấy con, bế con mọi nơi mọi lúc, ngủ cùng chúng và âu yếm chúng. Tôi chợt nhận ra ‘bí mật’ cho sự yên lặng ngoan ngoãn của trẻ em Kenya, đó đơn giản chỉ là sự cộng sinh, cần được gần gũi hơi ấm người mẹ liên tục. Duy chỉ có một điểm mấu chốt tôi e ngại, đó là con tôi ăn rất nhiều, nhiêu gấp 5 lần bất cứ một chế độ ăn nào dành cho trẻ sơ sinh tôi từng đọc.
Các bà mẹ Kenya luôn cho con bú, bế con và gần con nhất có thể (ảnh minh họa)
Đến khoảng 5 tháng, khi tất cả các bà mẹ Việt thường sẽ bắt đầu cho con ăn dặm thêm bột ngọt hay cháo xay để giãn cữ bú, tôi cũng háo hức muốn cho Laura bắt đầu. Theo tôi, dù có là mẹ thì cũng cần phải nghỉ ngơi. Và tôi đã cho con bú không ngừng nghỉ suốt 5 tháng liên tục rồi. Hơn nữa, tất cả các tài liệu và sách bảo tôi đọc đều nói rằng tại thời điểm 5,6 tháng, tôi có thể bắt đầu giảm dần tần suất cho con bú và để bé ăn dặm. Vậy nhưng không hiểu sao Laura không hợp tác. Dù tôi đã cố trộn paw paw (một loại thức ăn dặm phổ biến ở Kenya) với sữa mẹ cho con, con gái tôi vẫn không chịu ăn.
Lấy làm lạ, tôi gọi điện hỏi mẹ chồng. Khi đó, mẹ chồng người Kenya của tôi lại cười và hỏi ‘Con lại tiếp tục đọc sách đấy à?”. Sau đó, bà kiên nhẫn giải thích cho tôi rằng đừng cố ‘đọc’ sách, hãy ‘đọc’ con của mình. Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt. Chúng sẽ tự cho ta biết khi nào chúng đã sẵn sàng ăn dặm.
Vậy là tôi lại tiếp tục nyonyo (cho con bú). Trong khi những bạn bè ở Việt Nam của tôi đã bắt đầu đi làm trở lại, cuộc sống của tôi và các bà mẹ Kenya khác vẫn chậm rãi với những cữ bú cho con. Tôi dần nhận ra Laura rất quấn quít mẹ, con hầu như chẳng khóc bao giờ và thậm chí còn tự có khả năng giãn cữ bú của bản thân. Tôi bắt đầu trở thành ‘tư vấn viên’ cho các bà mẹ Việt hiện đại tại quê nhà. Đôi khi giữa những cứ bú cho con, tôi thường phải đáp lời qua facebook hay điện thoại những câu nói như “Đúng rôi! Hãy cho nó bú đi. Vừa ăn xong cũng bú. Sẽ nín ngay.” ; “Đúng rồi, kể cả mình có phải tiếp tục ăn uống với khẩu phần dành cho hai, ba người.” hay “Không, nếu vẫn có khả năng tài chính, chưa cần phải xem xét việc cai sữa và quay trở lại đi làm đâu”…. Và tất cả bọn họ đều tin tưởng vào khả năng nuôi con của tôi.
Tôi biết, trước đây rất nhiều người thân của tôi thường chỉ trích cách nuôi con cổ hủ của các bà mẹ Kenya như tôi đang theo. Rằng cho con bú quá lâu, suốt ngày bế con khi chúng khóc, ngủ cùng con…sẽ làm con bện mẹ, khó mà tách rời, từ đó sinh hư. Vậy nhưng không phải. Người Kenya tin rằng khi ta cho con bú, bế con, ngủ cùng con sẽ giúp chúng càm thấy hạnh phúc, thoải mái và an toàn. Đừng quá ‘kỷ luật thép”, mấy tiếng ăn một lần, ngủ riêng từ khi mới sinh, con khóc mặc kệ không bế bồng…những hình thức thường được các bà mẹ Việt ‘rỉ tai’ nhau như vậy thường chỉ làm con càng thêm hư, cố gắng cần gây sự chú ý với mẹ và âm lượng tiếng khóc của chúng sẽ càng ‘leo thang’.
Tôi xin liệt kê ra đây những lời khuyên ‘vàng’ mà mẹ chồng người Kenya của tôi đã chỉ dạy cho tôi:
1. Hãy cho con bú bất kể khi nào chúng khóc. Kể cả khi chúng vừa bú no.
2. Ngủ cùng con: Bất cứ khi nào con tỉnh giấc giữa đêm, ta chỉ cần cho con bú ngay bên cạnh mình. Hơi ấm và dòng sữa mẹ sẽ nhanh chóng giúp trẻ tiếp tục chìm vào giấc ngủ. Từ đó mẹ cũng sẽ có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn
3. Hãy tắm nước ấm trước khi đi ngủ để giữ độ ẩm cho cơ thể và giúp lưu thông sữa.
4. Ưu tiên việc cho con bú lên hàng đầu, bất kể là ở đâu.
5. Hãy ‘đọc’ con của mình. Cho con bú không phải là một lịch trình ‘thép’. Sẽ có ngày bé bú nhiều, có ngày bú ít. Người mẹ chính là chuyên gia của con mình.
Thực hiện theo những điều trên, bạn sẽ nhận ra lý do vì sao trẻ em Kenya không bao giờ khóc.
Theo thư chia sẻ của độc giả cartherine_nguyen.....@............