Mật ong của Gấu con
Gấu con, Heo con, Cún con và Thỏ con rủ nhau vào rừng chơi. Từ sáng sớm, mẹ đã chuẩn bị cho Gấu con một lọ mật ong. Mẹ nói: “Con nhớ chia cho các bạn cùng ăn nhé!”.
Gấu con ôm lọ mật ong đi. Cậu thầm nghĩ: “Mật ong ngon thế này mà phải chia cho các bạn thì tiếc lắm”. Thế là Gấu con bèn giấu lọ mật ong đi.
Lát sau, Heo con, Thỏ con và Cún con đều đến đông đủ. Thấy Gấu con không mang theo đồ ăn, các bạn liền an ủi: “Không sao đâu, bọn tớ sẽ chia thức ăn cho cậu”. Nghĩ đến việc mình đã giấu lọ mật ong đi, Gấu con thẹn đỏ mặt.
Ảnh minh họa.
Mấy bạn cùng đi vào rừng. Dọc đường đi, do sơ ý, đồ ăn bị rơi hết cả. Trưa đến bạn nào cũng đói meo. Thế là cả bọn cùng nhau đi kiếm thức ăn. Thỏ con nhổ cà rốt. Heo con hái quả dâu rừng. Cún con tìm được rất nhiều nấm.
“Đúng rồi!” – Gấu con chợt nhớ ra – “Mình còn có lọ mật ong”. Gấu con liền chạy về chỗ giấu lọ mật ong lúc sáng và mang mật ong đến chia cho các bạn. Gấu con thầm nghĩ: “Từ giờ, mình sẽ không là Gấu con ích kỉ nữa”.
Con lợn nhỏ khôn ngoan
Ngày xưa có một con lợn nhỏ sống trong rừng rậm. Một hôm trời rét căm căm, có lão chó sói tìm đến hang, cất tiếng gọi:
– Chú lợn ơi! Chú cho ta vào nhà chú ngồi một tí cho đỡ lạnh.
Chú lợn nhỏ trả lời:
– Chẳng cho vào! Vào rồi ông ăn thịt tôi thì sao?
Sói ngọt ngào dụ dỗ:
– Không đời nào thế. Ta chẳng thèm ăn thịt chú đâu. Cứ cho ta vào ẩn một tí thôi!
Nhưng mặc sói nằn nì, lợn con vẫn không đồng ý cho sói vào nhà. Lão sói lại nói:
– Chú lợn bé thân yêu ơi! Thôi, nếu ta chui hẳn vào thìchú sợ, bây giờ cho ta để một chân vào thôi vậy, ở ngoài này lạnh quá.
Ngay lúc ấy, chú lợn nhỏ liền đặt một thùng nước lên bếp đun sôi và để sẵn một chiếc bị lớn. Một lúc sau, sói lại nằn nì:
Ảnh minh họa.
– Chú lợn bé ơi! Chỉ để một chân vào nhà thì khó chịu quá. Chú cho ta duỗi luôn chân kia vào nhé?
Chú lợn nhỏ cũng đồng ý cho sói bỏ thêm một chận trước vào. Nhưng được một tí, lão sói lại khẩn khoản:
– Chú lợn nhỏ thân mến ơi! Cho ta để thêm một chân nữa vào nhé. Tiếc gì mà không cho?
Chú lợn ngần ngại, nhưng rồi cũng bằng lòng cho sói bỏ cái chân thứ ba vào.
Nhưng sói ta vẫn chưa vừa lòng. lão cố làm ra bộ rét mướt, run rẩy kêu gào:
– Chú lợn ơi! Ngoài này chân ta cóng mất rồi. Lạnh quá không chịu được nữa. Chú cho ta để luôn chân kia vào nhé?
Chú lợn nhỏ biết sói sắp giở quẻ, liền căng ngay cái bị để ở trước cửa hang và đồng ý cho sói thò chân vào. Sói ta nhảy nhày vào vồ lợn thì vừa vặn chui tọt vào cái bị.
Chú lợn thắt miệng bị lại thật chặt rồi kéo ra để ngoài trời giá lạnh. Chú lại lấy nước đun sôi sẵn trên lò ra, đến bên cái bị mà nói:
– Hừ, phen này ta mới làm lông lão sói này. Phải cảo thật sạch mới được.
Nói rồi, lợn giội nước sôi vào bị. Sói bị bỏng kêu thét ầm ĩ, nó cố cắn rách bị chui ra và cắm cổ chạy mất.
Mèo dạy hổ
Ngày xưa, hổ không biết cách bắt mồi như mèo. Một hôm, hổ đến gần mèo dỗ dành:
– Bác mèo ơi, tôi là người cùng họ với bác. Tôi và bác giống nhau như hệt. Mình tôi cũng vằn vằn như mình bác. Tôi có râu, bác cũng có râu.
Tôi có vuốt sắc, bác cũng có. Tôi có đuôi dài. đuôi bác cũng dài. Thế mà bác lại biết rình mồi, biết nhảy, biết trèo tài hơn tôi. Chỗ họ hàng với nhau, bác dạy cho tôi biết với.
Mèo nghe lời ngọt ngào, thương hổ là chỗ họ hàng, liền nói:
– Nhưng bác đừng ăn thịt tôi cơ.
Hổ vỗ về:
– Ai lại ăn thịt người cùng họ bao giờ? Bác nói dở quá, bác cứ tin ở tôi.
Ảnh minh họa.
Mèo yên tâm dạy hổ học cách ngồi thu hình rình mồi, cách nhảy bắt mồi, cách vờn, cách mài giữa vuốt.
Hổ học xong lấy làm đắc chí. Đương lúc đói bụng, hổ định vồ mèo ăn thịt. Hổ bảo:
– Mẻo mèo meo!
Ta bắt được mèo
Ta nhai ngấu nghiến!
Mèo vội trèo tót lên cây, bảo hổ:
– Mẻo mèo meo!
Ta có võ trèo
Ta chưa dạy hổ.
Hổ tức quá, gầm nhảy dưới đất, nhưng không làm gì được mèo. Vì thế, bây giờ hổ không biết trèo như mèo.
Bài học hay từ truyện cổ tích
Những câu chuyện ngụ ngôn ngắn gọn nhưng dạy bé bài học hay, rèn luyện đức tính tốt.