Mai An Tiêm sáng dạ nên rất nhanh học được cách nói tiếng Việt. Hơn nữa chàng nhớ được rất nhiều chuyện, biết về nhiều thứ thường thức, có rất nhiều tài nghệ khác nhau. Bởi chàng đa tài lại chăm chỉ, nhà vua càng ngày càng yêu thích, luôn cho chàng theo hầu bên cạnh mình.
Vào năm Mai An Tiêm được ba mươi lăm tuổi thì chàng được thăng lên làm quan hầu cận của nhà vua, còn có được một căn nhà riêng ngay cạnh cung của vua. Còn vợ của Mai chính là con gái nuôi của nhà vua, cả hai đã có được một đứa con trai năm tuổi. Trong nhà của Mai cũng có đủ người hầu kẻ hạ, cũng chẳng thiếu thốn vật ngon hay của lạ gì cả.
Tuy rằng oai quyền của chàng cũng chẳng lớn lắm, nhưng lại rất được mọi người xung quanh nể phục. Bởi vậy có không ít người thường xuyên lui tới chỗ chàng để mà cầu cạnh công kia việc nọ. Nhưng bởi vì thấy Mai có được địa vị cao nên cũng chẳng thiếu những kẻ ganh ghét, đố kị.
Vào một ngày nọ có bữa tiệc chiêu đãi các quan khách, đang lúc mọi người đua nhau nói lời xu nịnh, tâng bốc thì Mai An Tiêm khiêm nhường mà bảo với họ rằng:
– Cũng có gì đâu! Mọi thứ ở trong nhà này vốn là vật tiền thân bên người tôi thôi!
Mai nói vô cùng tự nhiên. Nhưng đó là vì tôn giáo ở nơi xứ sở chàng sống trước đây có cho rằng việc hiện tại sướng hay khổ chính là kết quả từ sự ăn ở xấu hay là tốt ở tiền kiếp.
Tuy nhiên trong số những quan khách dự tiệc ngày đó cũng có mấy viên quan hầu thân cận của nhà vua, chúng vốn trong lòng nuôi mối ghen ghét với Mai từ đã lâu. Chính vì thế khi nghe Mai nói vậy liền chụp lấy những lời nói của Mai mà cho rằng đó là những lời ngạo mạn, sau chúng vội vàng vào cung diện kiến tâu lại toàn bộ cho nhà vua được biết. Khi vua Hùng nghe được câu chuyện thì giận dữ vô cùng. Vua gầm lớn:
– Chà! Thằng này láo! Hôm nay nó đã nói được như thế, thì không biết ngày mai nó còn nói ra được những lời bất kính cỡ nào. Đúng là quân nô phản trắc mà! Mau gô cổ nó lại!
Ngay buổi chiều ngày hôm ấy thì Mai bị quân lính tới nhà riêng bắt đem bỏ ngục. Lúc bấy giờ thì chàng mới chợt hiểu ra rằng mình lỡ lời nên chọc giận nhà vua. Chàng tự nhủ với mình:
– Nếu ta lại bị đày đọa kể từ nay thì chắc hẳn do kiếp trước của ta đã có hành động cư xử không đúng.
Cùng lúc đó ở trong triều, tất cả các quan đều được triệu gọi để họp bàn phương thức xử lí chàng Mai An Tiêm. Có không ít người đưa ra phương án xử tử chàng. Cũng có người đề nghị thi hành phương thức cắt gót chân. Tuy nhiên thì lại có một lão quan đưa ra ý kiến khiến cho Hùng Vương phải chú ý, đó là:
– Hắn chịu tội chết cũng xứng đáng thôi. Tuy nhiên thì trước khi hắn chết thì chúng ta vẫn nên cho hắn nhận thức rõ ràng và thấm thía một chuyện, đó là tất cả những thứ của cải mà trước đây hắn hưởng thụ đều là do ơn trời ơn bể mà bệ hạ ban cho, chứ chẳng phải là thứ tiền thân của hắn. Thần có nghe được ở ngoài cửa Nga Sơn ấy có một hòn đảo hoang. Chúng ta cứ cho hắn ra ngoài đấy cùng một đến hai tháng lương, cho hắn ngồi suy ngẫm thật kĩ về thứ “vật tiền thân” mà hắn nói trước khi chịu chết.
Lời nói của lão quan được tất cả mọi người ủng hộ, vua Hùng cũng hết sức tán thành ý kiến này. Tuy nhiên sau khi hạ lệnh xuống thì vua có dặn dò thêm là:
– Hãy chuẩn bị cho hắn số lương đủ dùng trong một mùa, nhớ không”.
Ngày Mai An Tiêm bị đưa đi đày ngoài đảo hoang, dù tất cả mọi người hết lời can ngăn thì vợ của chàng vẫn quyết định khăn gói theo chồng tới đảo vắng. Nàng cũng không quên bế theo đứa con trai năm tuổi của mình cùng đi. Thấy việc làm của nàng, chẳng một ai tán thành, họ đều cương quyết coi đó là một việc làm hết sức rồ dại và ngu ngốc. Nhưng nàng vẫn một mực tin vào lời nói của chồng mình:
– Trời sinh voi rồi lại sinh cỏ. Có gì phải lo!
Tuy nhiên khi chính thức đặt chân lên bãi cát dài mịt mù và hoang vu ấy, người thiếu phụ lúc này cũng không cách nào để mà ngăn được cảm xúc tủi thân đang trào dâng trong lòng, nàng chỉ biết gục vào vai chồng mà nức nở:
– Khéo chúng ta chết ở đây mất thôi!
Mai vẫn bình tĩnh ôm con mà bảo vợ rằng:
– Trời lúc nào cũng có mắt cả. Chúng ta phải phấn chấn lên chứ. Không cần lo lắng!
Hơn một tháng sau ngày lên đảo hoang, cuộc sống ở đảo của gia đình nhà Mai An Tiêm cũng đã dần ổn định. Cả nhà cùng sống chui ở trong những hốc đá, cửa hang thì đan phên chắn lên, cũng coi như là che được sương gió bên ngoài. Còn vấn đề nước uống cũng không cần phải lo lắng gì nhiều, bởi vì gần đấy cũng có suối nước chảy qua. Tuy không có muối, nhưng lại có ngay nước biển thay thế. Tuy nhiên thì vấn đề quan trọng nhất hiện nay của họ chính là làm sao để mà kéo dài được sự sống cho cả nhà? Cả hai vợ chồng đều cùng nhìn vào trong bồ đựng gạo đã vơi nhiều mà rầu rĩ nói:
– Nếu như mà chúng ta có được một nắm hạt giống thôi thì cũng chẳng lo ngại chuyện gì nữa.
Đột nhiên ngày nọ có đàn chim lớn từ phương Tây bay đến, chúng đậu xuống đen kịt cả bãi cát dài. Sau đó chúng lại cùng nhau bay tới chỗ ở của hai vợ chồng Mai An Tiêm, rồi chúng cứ kêu váng lên, chúng đem thả xuống bãi khoảng năm, sáu hạt gì đó đen đen.
Không lâu sau thì những hạt giống ấy nảy mầm, mọc ra thành những cây dây rồi mọc lan hết cả bãi, từ một bãi cát trắng bây giờ đã được bao phủ một màu xanh um tươi tốt. Dây xanh lan tới đâu thì lại mọc ra những quả xanh mơn mởn.
Một thời gian sau, khi hai vợ chồng Mai An Tiêm đưa nhau tới xem thì thấy những quả xanh con ngày nào giờ đã lớn nhanh như thổi, vỏ xanh mượt, mà quả nào quả nấy đều to cỡ đầu người.
Thấy quả lạ, Mai liền đem trẩy lấy một quả, sau khi bổ ra thì ruột bên trong là một màu đỏ hồng đẹp mắt, còn có lốm đốm những hạt màu đen nhánh. Cả nhà cùng nhau nếm thử thì thấy trái này có vị ngọt ngọt thanh thanh rất dễ chịu. Càng ăn lại càng cảm thấy ruột gan cũng mát hết cả. Mai lập tức reo lên đầy vui mừng:
– Chao ôi! Đây chính là một loại dưa lạ mà chúng ta chưa từng thấy bao giờ. Vậy hãy gọi nó là dưa Tây đi, bởi vì những hạt giống của loại dưa này được đàn chim đem từ phương Tây tới đây, mang từ đất liền ra tới tận đảo nhỏ này cho chúng ta. Vậy là trời có mắt, trời đã cho chúng ta con đường sống rồi đấy!
Kể từ ngày đó thì cả hai vợ chồng Mai An Tiêm đều cố gắng hết sức đem hạt giống của dưa trồng thêm thật nhiều ở trên bãi. Họ đã trù tính sẽ ăn dưa này thay cơm, tiết kiệm số gạo ít ỏi còn sót lại trong bồ kia.