Nội dung truyện cổ tích chú thợ may nhỏ thó can đảm
Vào một buổi sáng mùa hè đẹp trời, một chú thợ may bé nhỏ ngồi trên phản bên cửa sổ chăm chú khâu, trong lòng có vẻ khoan khoái lắm. Chợt có bác nông dân đi qua phố rao hàng:
– Mứt táo ngon đây, mứt táo ngon đây.
Tiếng rao nghe bùi tai, chú thợ may thò đầu ra ngoài cửa sổ gọi:
– Lại đây, bà ơi, ở đây chắc bà bán hết hàng chứ không chơi.
Bà khệ nệ mang thúng hàng nặng, trèo lên ba bậc thang tới tận chỗ chú thợ may ngồi. Bà giở cho chú xem tất cả các loại mứt. Ngó xem hết bình nọ đến bình kia, chú còn đưa lên mũi ngửi, ngửi chán rồi nói:
– Mứt ngửi nghe chừng ngon đấy, bà cân cho tôi bốn Lốt đi, nếu có cân quá tay một chút thành một phần tư nửa ký cũng được.
Đưa hàng cho khách bà đi ngay. Bà bực mình lắm, vừa đi vừa lẩm bẩm rủa thầm vì cứ tưởng là vớ được món khách bở.
Chú thợ may tay cầm mứt reo:
– Cầu Chúa ban phước, chắc ăn mứt này Chúa cho tha hồ mà khỏe mạnh.
Rồi chú mở tủ lấy bánh mì, cắt lấy một khoanh và phết mứt lên. Chú nói:
– Chắc ngon đấy, nhưng mình phải khâu xong cái quần này đã rồi hãy cắn miếng ăn thử.
Chú để bánh sang bên, tiếp tục khâu nốt, nhưng do hứng chí nên mũi khâu mỗi lúc một dài hơn. Trong lúc chú mải làm, ruồi trên tường đánh hơi được mùi mứt thơm, chúng kéo cả đàn sà xuống. Ngoảnh lại thấy ruồi đậu trên bánh, chú thợ may nói:
– Ơ kìa, ai mời chúng mày đấy?
Rồi chú phảy đuổi các vị khách không mời mà đến ấy đi. Nhưng ruồi đâu có hiểu tiếng Đức, chúng không những chẳng bay đi mà còn kéo đến đông hơn trước. Cáu tiết lên chú thợ may với tay lấy một mảnh da, quật không thương tiếc lũ ruồi, vừa quật vừa mắng:
– Đợi đấy, tao cho chúng mày biết tay!
Đập xong chú ngồi đếm, bảy con ruồi chết chân duỗi thẳng đơ nằm trước mặt chú. Tự phụ về sự anh dũng bất ngờ của mình chú nói:
– Thế nào mấy chàng trai kia, biết tay chưa? Phải làm cho cả tỉnh biết việc này mới được.
Chú vội may một cái thắt lưng, thêu trên đó mấy chữ thật to: “Một đòn chết bảy”.
Rồi chú lại nói thêm:
– Sao lại chỉ cả tỉnh thôi nhỉ? Phải làm cho khắp thiên hạ biết việc này mới được.
Lòng chú xao xuyến lâng lâng, rạo rực. Chú đeo thắt lưng vào người, tính sẽ đi chu du thiên hạ. Chú nghĩ bụng: cứ quanh quẩn ở cái tiệm may quèn này thật uổng cho sự anh dũng của mình.
Trước khi lên đường, chú lục lọi khắp nhà xem còn có gì có thể mang theo trong cuộc hành trình. Tìm mãi mà chú chỉ tìm thấy một miếng phó mát để đã lâu, chú liền nhét vào túi. Vừa mới ra tới cổng thì chú thấy một con chim bị mắc kẹt ở trong bụi cây, chú rón tay bắt và đút luôn chim vào trong túi cùng với phó mát.
Chú hăm hở lên đường, chân đi thoăn thoắt. Vốn người nhỏ nhắn nên chú đi không biết mỏi. Đường đi đến một quả núi. Mới tới đỉnh núi chú đã nhìn thấy một người khổng lồ thảnh thơi ngồi nhìn quanh. Chú thợ may cứ thản nhiên tiếp lại chào hỏi:
– Xin chào anh bạn, ai cho anh bạn ngồi đây chỉ để ngắm nhìn thế giới bao la hả. Ấy mình hiện đang trên đường đi chu du thiên hạ đây, cậu có thích đi chu du cùng với mình không?
Anh chàng khổng lồ ngắm nhìn chú thợ may một cách khinh bỉ và nói:
– Mày đồ nhãi nhép, quân khốn khiếp.
Chú thợ may đáp lại:
– Thế là thế nào nhỉ!
Rồi chú cởi khuy áo, chỉ thắt lưng cho anh chàng khổng lồ xem và nói:
– Cứ đọc chữ đây sẽ biết mình là người thế nào.
Anh chàng khổng lồ đọc: “Một đòn chết bảy”, nên nghĩ, bảy người chết chỉ vì một đòn đánh, vì thế nên có ý nê nể chú thợ may nhỏ thó. Nhưng rồi chàng khổng lồ vẫn muốn thử sức với chú thợ may. Chàng nhặt một hòn đá, rồi nắm tay bóp đá chảy ra nước và nói:
– Cậu có khỏe thì bóp thử tớ xem!
Ảnh minh họa.
Chú thợ may đáp:
– Chỉ có thế thôi à? Dễ ợt như đồ chơi trẻ con.
Chú móc túi lấy miếng phó mát đã mềm nhũn, nắm tay bóp cho nó chảy ra nước rồi nói:
– Thấy chưa, có hơn chút nào không?
Chàng khổng lồ không biết nói sao, không ngờ một người nhỏ bé mà lại khỏe như vậy. Anh ta nhặt một hòn đá, vung tay ném nó lên cao tới mức ta không nhìn thấy tăm hơi hòn đá nữa. Rồi chàng khổng lồ nói:
– Nào chú vịt con làm thử xem!
Chú thợ may nói:
– Ném khá đấy! Nhưng đá cậu ném rồi sẽ rơi xuống đất cho mà xem. Còn hòn đá mình ném sẽ không rơi xuống đất.
Chú thò tay vào túi lấy chim, rồi tung lên không. Chim được thả thích quá, bay vút ngay đi.
Chú thợ may hỏi:
– Thế nào anh bạn, như vậy anh bạn đã ưng ý chưa?
Chàng khổng lồ đáp:
– Cậu ném được đấy. Nhưng để xem cậu vác nặng có giỏi như cậu ném đá không?
Chàng khổng lồ dẫn chú thợ may đến bên một cây sồi cổ thụ nằm đổ ngang trên đường đi, và nói:
– Cậu có khỏe thì mang giúp tớ cây này ra khỏi rừng!
Chú thợ may nhỏ thó đáp:
– Được thôi! Cậu cứ vác lên vai thân cây đi, mình sẽ nhấc cành nhánh lên vai mà vác, cái đó nặng hơn nhiều.
Anh chàng khổng lồ vác trên vai thân cây, còn chú thợ may thì ngồi vắt vẻo trên một cành cây. Vác nặng nên anh chàng khổng lồ không sao quay được đầu nhìn lại phía sau nên không hề biết rằng chính mình phải vác toàn bộ cây gỗ mà còn vác thêm cả chú thợ may ngồi vắt vẻo trên đó nữa.
Chú thợ may ngồi sau thích chí, lòng vui như hội; chú huýt sáo bài hát: “Có ba bác phó may cưỡi ngựa ra khỏi cổng thành”, chú làm như việc vác cây cổ thụ chỉ là trò trẻ con. Cây cổ thụ quá nặng nên anh chàng khổng lồ mới vác được một đoạn đường đã thấy mệt nhoài, dừng chân nói:
– Này anh bạn, cẩn thận nhé! Tớ thả cây xuống đây.
Chú thợ may liền nói:
– Cậu chỉ được cái to xác, không vác nổi cái cây này thì bết quá!
Hai người cùng nhau tiếp tục cuộc hành trình. Đi ngang qua một cây anh đào, anh chàng khổng lồ vịn ngọn cây có nhiều quả chín xuống, bảo chú thợ may giữ hái mà ăn. Nhưng chú thợ may nhỏ thó làm sao giữ nổi ngọn cây đang bị vịn cong xuống. Khi anh chàng khổng lồ vừa mới buông tay ra thì ngọn cây bật ngay lại, chú thợ may bị văng theo lên không.
Vốn người nhỏ thó nên chú thợ may rơi xuống mà không hề bị xây xát gì cả. Anh chàng khổng lồ hỏi mỉa:
– Sao vậy anh bạn, có cái cành cong mà không giữ nổi à?
Chú thợ may nhỏ thó đối đáp:
– Cậu tưởng tớ yếu à? Hạng người đánh một đòn chết bảy lại thèm làm trò ấy à? Mình nhảy vọt qua ngọn cây vì thấy có toán thợ săn đang ngắm bắn vào bụi cây chỗ chúng mình đang đứng.
Cậu có giỏi thì giờ nhảy thử như tớ xem nào!
Anh chàng khổng lồ ráng sức nhảy nhưng không sao vượt qua được ngọn cây, bị treo lơ lửng bởi những cành lá của cây cổ thụ, bởi vậy nên chú thợ may lại được cuộc.
Anh chàng khổng lồ lại nói:
– Này, cậu gan dạ anh dũng như vậy thì hãy đi cùng tớ về hang, ngủ cách đêm với chúng tớ một hôm.
Chú thợ may nhận lời đi theo. Đến hang thì thấy có mấy người khổng lồ khác đang ngồi bên lửa, người nào cũng cầm trong tay một con cừu thui và ăn một cách ngon lành. Chú thợ may nhìn quanh và nghĩ bụng:
– Nơi này rộng rãi hơn cửa hiệu của mình.
Anh chàng khổng lồ chỉ một cái giường, bảo chú cứ lên giường mà ngủ cho đẫy giấc. Giường của người khổng lồ quá rộng, chú thợ may nhỏ thó nằm ngay ở mép một góc giường mà ngủ. Đến nửa đêm, anh chàng khổng lồ nghĩ, có lẽ giờ này chú thợ may ngủ đã say, liền lấy một thanh sắt to phang mạnh xuống giường, tưởng như vậy là thanh toán xong tên châu chấu cho bõ bực.
Sáng sớm tinh mơ, bọn khổng lồ đã kéo nhau vào rừng và quên bẵng chú thợ may đó. Bọn khổng lồ hoảng sợ khi bỗng nhiên lại nhìn thấy chú thợ may mặt mày hớn hở, hiên ngang thẳng phía họ mà bước tới, họ tưởng chú sẽ đánh chết cả lũ nên co cẳng mạnh ai người mấy chạy.
Chú thợ may lại tiếp tục đi, dáng dương dương tự đắc. Đi được một lúc lâu thì chú tới khu vườn thượng uyển. Lúc đó chú mới thấy thấm mệt, liền lăn ra đánh một giấc trên bãi cỏ. Trong lúc chú đang ngủ say trên bãi cỏ thì có một tốp người đi qua, thấy có người nhỏ thó lại nằm trong vườn thượng uyển họ đứng lại ngắm nghía, ngó nghiêng. Họ đọc thấy dòng chữ viết trên thắt lưng chú: “Một đòn chết bảy”.
Họ bảo nhau:
– Ái chà! Giữa lúc thiên hạ thái bình thế này vị hổ tướng này xuất hiện ở đây làm gì? Chắc đây là một chủ tướng có sức địch muôn người!
Họ liền đi tâu trình nhà vua. Họ nghĩ là nếu có chinh chiến xảy ra thì người này có thể là một dũng sĩ ngoan cường, không nên để một người như vậy đi nơi khác mất. Đợi chú thợ may tỉnh giấc dậy thì nói nhà vua muốn vời giúp nước lúc chinh chiến. Sứ giả đến nơi nhưng đứng đợi cho đến lúc chú thợ may vươn vai, mở mắt, lúc ấy mới nói rõ ý định của nhà vua. Chú thợ may đáp:
– Chỉ vì chuyện ấy mà ta tới đây. Ta sẵn sàng phụng sự nhà vua.
Chú được đón tiếp trọng thể và xếp ở một nơi riêng đặc biệt.
Các tướng lĩnh trong triều thì bực mình ra mặt, họ mong người “dũng sĩ” mới kia sẽ ra biên cương cách đây ngàn dặm. Họ trò chuyện với nhau:
– Lôi thôi với nó thì nguy, vì nó chỉ đập một cái là chết bảy. Lúc ấy chắc chẳng còn ai trong bọn mình sống sót.
Họ quyết định cùng nhau vào yết kiến nhà vua để xin được bãi chức về nhà. Họ đồng thanh tâu:
– Muôn tâu bệ hạ! Bọn hạ thần không thể ở cùng với một người đánh một đòn chết bảy.
Nhà vua buồn, thấy chỉ vì muốn giữ một người mà tất cả bọn bầy tôi trung thành sẽ xa lánh mình. Lúc này nhà vua lại ước, giá như không gặp chú thợ may có phải là hay không và trong bụng rất muốn tống khứ chú đi ngay. Nhưng nhà vua không dám nói, sợ “dũng sĩ” giết mình và luôn thể giết hết cả dân rồi tự lên ngôi vua.
Vua nghĩ đi nghĩ lại mãi mới nghĩ ra được một kế. Vua sai sứ đến bảo chú, nếu quả chú là một tráng sĩ oai phong lẫm liệt thì hãy làm một việc cứu dân giúp vua. Ở một khu rừng trong nước có hai tên khổng lồ sống bằng nghề cướp của, giết người, đốt nhà.
Chúng gây ra không biết bao nhiêu là tội ác. Vì sợ nguy đến tính mạng nên không một ai dám đến gần khu rừng ấy. Nếu như tráng sĩ giết được hai tên khổng lồ ấy, nhà vua sẽ gả con gái độc nhất cho và một nửa giang sơn làm của hồi môn. Để trừ khử hai tên khổng lồ, nhà vua cho một trăm kỵ sĩ đi theo giúp sức. Chú thợ may nghĩ bụng:
– Có thế mới xứng với một người như mình! Lấy được công chúa xinh đẹp làm vợ, lại được chia nửa giang sơn, chuyện hiếm có trên trần gian chứ đâu phải bỡn!
Nghĩ vậy, chú liền đáp:
– Ái chà, ta sẽ trói gô hai tên khổng lồ ấy lại! Một người đánh một đòn chết bảy chẳng có lý do gì để sợ hai tên, ta cũng chẳng cần một trăm kỵ sĩ làm gì.
Chú thợ may ra đi, trăm kỵ sĩ theo sau. Đến cửa rừng chú bảo các kỵ sĩ:
– Tất cả cứ đứng đợi ở đây, một mình ta sẽ thanh toán hai tên khổng lồ ấy.
Chú đi thẳng vào rừng, vừa đi vừa ngó ngang ngó dọc. Đi được một lúc thì chú nhìn thấy hai tên khổng lồ đang ngủ ở bên gốc cây, chúng ngáy mạnh tới mức cành cây đung đưa.
Không để phí thời gian, chú thợ may nhặt đầy hai túi đá rồi trèo lên cây. Trèo tới lưng chừng cây chú trườn bò ra một cành cây và ngồi chiếu thẳng đúng ngay trên đầu hai tên đang ngủ. Rồi chú ném đá rơi thẳng vào ngực một trong hai tên khổng lồ, ném liên tục, hết hòn này đến hòn khác. Lúc đầu, chẳng thấy tên nào nhúc nhích, nhưng rồi hắn tỉnh giấc, dùng khuỷu tay hích bạn hỏi:
– Cậu đánh tớ, thế là thế nào?
Tên kia đáp:
– Cậu mơ ngủ à! Mình đâu có đánh cậu.
Rồi chúng lại ngủ tiếp tục. Bắt đầu thiu thiu ngủ thì tên thứ hai bị đá ném. Tên này nói:
– Thế là thế nào nhỉ, tại sao cậu ném tớ?
Tên kia vừa trả lời vừa càu nhàu:
– Mình đâu có ném cậu.
Cãi nhau chỉ được một lúc, chúng đành giảng hòa vì cả hai đều còn đang mệt và mắt díp cả lại do ngái ngủ. Chúng ngủ thiếp đi. Chú thợ may lại tiếp tục trò đùa ấy. Chú chọn một hòn đá to nhất, lấy đá ném thẳng vào ngực tên thứ nhất. Tên này la lớn:
– Thế này thì quá đáng lắm!
Điên tiết, hắn nhảy dậy, xô bạn vào gốc cây mạnh tới mức cả cây rung chuyển. Tên kia trả miếng cũng chẳng kém, rồi cả hai nổi nóng, nhổ cây, vặn cành đánh lộn với nhau, chúng phang nhau tới tấp. Kết quả là cả hai đều lăn ra chết.
Tới khi đó chú thợ may nhỏ thó mới lò người nhảy xuống. Chú nói:
– Cũng may mà chúng không nhổ cái cây mình ngồi, nếu không có lẽ mình phải nhảy thật nhanh sang cây khác như một con sóc. Nhưng được cái là mình nhỏ thó nên cũng mau lẹ.
Chú rút gươm ra, đâm thẳng vào ngực mỗi tên vào nọn kiếm. Rồi chú ra đầu rừng nói với các kỵ sĩ:
– Công việc xong xuôi cả. Ta đã kết liễu đời hai tên ấy, nhưng quả là khó khăn. Lâm vào thế bí, chúng nhổ cây để chống cự lại, nhưng cái đó cũng chẳng giúp ích gì khi đối thủ lại là một người như tớ, người mà chỉ đánh một đòn nhưng chết bảy.
Các kỵ sĩ nói:
– Thế tráng sĩ không bị thương à?
Chú đáp:
– Mọi việc đều trôi chảy, thuận lợi thì sao mà đụng được tới lỗ chân lông tớ.
Đám kỵ không tin chú, họ phi ngựa vào rừng thì thấy hai tên khổng lồ nằm trong vũng máu, chung quanh đó ngổn ngang toàn những cây bị nhổ cả gốc.
Chú thợ may đòi nhà vua phải thưởng cho mình những thứ như nhà vua đã hứa. Nhưng nhà vua lại thấy hối tiếc về việc hứa, suy nghĩ tìm mưu kế mới để hại chú thợ may.
Nhà vua bảo chú:
– Trước khi ngươi lấy được con gái ta và một nửa giang sơn này, ngươi phải làm một việc anh dũng nữa: Ngươi bẫy bắt con kỳ lân đang phá hoại rừng về đây cho ta.
– Hai thằng khổng lồ thần còn chẳng sợ, một con kỳ lân thì có nghĩa lý gì! Thần mà ra tay thì chỉ một đòn nhưng chết bảy.
Chú mang theo một cái thừng, một cái rìu và cùng đoàn người đi giúp việc lên đường. Tới nơi chú dặn những người đi theo đợi ở bìa rừng. Mình chú đi thẳng vào rừng sâu. Chú chẳng phải tìm kiếm gì, mới trông thấy chú, con vật cứ thẳng phía chú mà xông tới. Nó lao thẳng tới định húc bổng chú lên. Chú nói:
– Nào, xin mời, làm gì mà lẹ vậy!
Tưởng chừng con vật húc được chú, nhưng thoắt một cái chú đã nhảy ra sau gốc cây. Kỳ lân cứ đà ấy mà lao thẳng vào thân cây, sừng cắm phập sâu vào thân cây, kỳ lân không sao rút người ra được, bị mắc lại ở đó.
Chú thợ may nói:
– Giờ thì hết đường chạy nhé!
Từ phía sau thân cây chú đi ra, lấy thừng thòng lọng cổ kỳ lân lại, rồi chú lấy rìu đẽo thân cây gỡ sừng ra. Xong xuôi mọi việc, chú kéo con vật theo sau đến trình nhà vua.
Nhưng rồi nhà vua vẫn không chịu thực hiện lời đã hứa, đòi chú phải làm một việc thứ ba nữa. Trước khi cưới chú thợ may phải bắt được cho nhà vua con lợn rừng hung dữ đang hoành hành phá hoại khu rừng của nhà vua. Vua cho thợ săn đi theo hỗ trợ.
– Dạ, thần xin sẵn sàng. Cái đó cũng chỉ là trò chơi trẻ con mà thôi!
Chú không đem thợ săn vào rừng. Đám thợ săn mừng thầm trong bụng vì chính họ đã nhiều lần lao đao khốn khổ vì con lợn rừng ấy.
Vừa mới nhìn thấy chú thợ may, lợn rừng đã sùi bọt mép, giương cặp răng nanh lên, rồi cứ thế mà lao thẳng vào chú thợ may. Nhưng chú thợ may rất nhanh trí, chú chạy lao ngang vào cửa nhà thờ ở gần đó.
Đến khi lợn rừng quặt được người đuổi chạy theo vào thì chú thợ may đã nhảy qua cửa sổ ra ngoài, chú chạy vòng lại đóng cửa, thế là lợn bị nhốt ở trong nhà thờ, nó lồng lộn lên nhưng không tài nào nhảy chui qua cửa sổ được vì quá to nặng.
Chú thợ may gọi người thợ săn đến để họ trông thấy tận mắt con vật bị nhốt. Trong khi đó vị hảo hán đến ra mắt nhà vua. Nhà vua đành phải bấm bụng làm theo lời hứa: gả công chúa và chia nửa giang sơn.
Nếu vua mà biết đứng trước mình chẳng phải là anh hùng hảo hán mà chỉ là một chàng thợ may thì chắc nhà vua căm giận lắm. Lễ cưới tổ chức linh đình, nhưng có phần kém vui. Chú thợ may nghiễm nhiên trở thành vua của phần giang sơn được chia.
Ít lâu sau, một hôm đang đêm hoàng hậu trẻ nghe thấy chồng mình nói mê:
– Này, cắt cho tớ cái áo, may cho tớ cái quần, nhanh tay lên không ăn bạt tai bây giờ!
Lúc đó nàng mới biết được nguồn gốc gia thế của đức ông chồng mình. Ngay sáng hôm sau, nàng về than thân trách phận với vua cha và xin vua cha đánh tháo khỏi tay một người chồng chỉ là một bác phó may tầm thường. Vua an ủi con gái và nói:
– Tối nay khi đi ngủ con để ngỏ cửa, quân hầu của ta đứng đợi ở ngoài. Khi nào nó ngủ say chúng sẽ ập vào, trói gô nó lại, khiêng thẳng xuống tàu chở tới một hòn đảo xa.
Nghe xong kế ấy công chúa rất yên tâm. Tên hầu cận nhà vua nghe hết đầu đuôi câu chuyện, vốn rất mến phò mã nên hắn liền kể cho chàng nghe hết kế hoạch. Phò mã nói:
– Ta phải chặn trước mới được!
Tối hôm ấy, chú thợ may đi ngủ như thường lệ. Được một lúc công chúa tưởng chồng mình ngủ đã say, nàng rón rén dậy ra mở cửa và để ngỏ rồi lại lên giường ngủ tiếp. Thực ra chú thợ may chỉ nằm vậy, giả tảng như ngủ mê nói sảng:
– Này chú nhỏ, cắt cho tớ cái áo này, may cho tớ cái quần này nhé! Nhanh tay lên không ăn bạt tai bây giờ! Ta đã từng có những chiến công hiển hách: chỉ một đòn mà giết được bảy, hạ sát hai tên khổng lồ, săn bắt được con kỳ lân, bẫy được lợn hung dữ. Những thứ đó ta còn trị được thì mấy thằng nhãi đang núp ngoài kia ăn thua gì.
Nghe tiếng nói tiếng nói từ trong buồng vọng ra bọn lính núp ở ngoài đâm ra hoảng sợ, chúng co cẳng chạy thục mạng cứ như bị cả một đàn cọp đang đuổi sát theo sau. Chẳng có tên nào còn hồn vía nghĩ tới việc hại chú thợ may.
Thế là chú thợ may giữ ngôi vua suốt đời.
Bài học hay từ truyện cổ tích
Câu chuyện cho thấy muốn thành công cần có sự can đảm, trí thông minh nhạy bén trước mọi khó khăn.