Ảnh minh họa: hopebydesign.net |
Các bà mẹ than thở với tôi rất nhiều về việc trẻ bướng, trẻ không nghe lời mình. Theo tôi, có lẽ các mẹ đã không hiểu một số suy nghĩ mà đứa trẻ nào cũng có. Đó là:
- Người nào cũng yêu và nghe theo chính bản thân mình đầu tiên. Bởi vì những gì người khác cảm nhận là bằng giác quan của họ, họ đau đớn bằng thân thể của họ, họ bực bội bằng chính cái đầu của họ, đâu phải của mình. Vì thế, chả có lí do gì phải nghe lời ai cả. Mình chả tin, mình chưa trải qua, mình chưa biết. Đơn giản thế thôi.
- Những lời giáo huấn của cha mẹ chán ngắt, nhiều khi chả có điều gì đáng hấp dẫn để ghi nhớ cả. Vì thế, nếu như cha mẹ có nói rồi mà mình quên cũng là bình thường.
- Cha mẹ nhiều khi cũng làm hỏng be bét. Tại sao lúc nào cũng giáo huấn mình. Ai mà chẳng có lúc không may chứ. Mình không may bị điểm kém nhưng đầy lúc cha mẹ cũng chẳng may làm vỡ bát hay hỏng tivi đấy thôi.
- Cha mẹ nói thì hay lắm, nhưng cha mẹ vẫn vượt đèn đỏ, vẫn nói xấu người khác. Cha mẹ biết thế là sai đấy chứ, sao vẫn làm. Ờ, thế thì hơn gì mình mà dạy bảo.
Các cha mẹ đọc xong chắc vô cùng bực bội nhưng đúng là như vậy. Vậy cách thức thuyết phục con làm theo những điều mà cha mẹ cảm thấy đúng là gì? Có vài nguyên tắc như sau, nếu cha mẹ tuân thủ nghiêm ngặt thì sẽ thấy dù trẻ bướng cỡ nào cũng có thuốc đặc trị.
1. Không giảng đạo đức
Không tuyên bố những điều trời ơi đất hỡi. Không giảng bài cho trẻ như thế nào là tốt, như thế nào là xấu. Nói chung, nguyên tắc một là không nói gì cả.
2. Hành động
Cha mẹ không cần giảng giải chỉ cần hành động. Hãy làm mọi thứ đúng theo những gì chúng ta định dạy trẻ.
Ví dụ: Dạy trẻ chào mọi người thì việc đầu tiên là ta chào thật ngoan, thật lễ phép. Chào tất cả, từ ông bà, các cụ, đến trẻ nhỏ và.... chính cả đối tượng chúng ta đang dạy nữa. Cha mẹ cũng chào con... thật ngoan.
3. Không nhắc nhở, để con bị trả giá
Cứ để con làm sai đi, sau mỗi lần sai, con sẽ học được sự trả giá. Đây chính là bài học thú vị khiến con phải rút kinh nghiệm rất nhanh. Trước khi con trả giá, cha mẹ chỉ nói trước chuyện gì sẽ xảy đến nhưng đó là quyết định của con thì cha mẹ không can thiệp.
Ví dụ: Con gái tôi cực kỳ cá tính và bướng. Cháu hát hay nhưng lười đi học hát. Khi con gái xin nghỉ học hát, tôi tuyên bố một câu: "Con sẽ chỉ có một cơ hội học hát thôi, nếu con từ bỏ, vĩnh viễn mẹ không cho con cơ hội thứ hai và con sẽ ân hận về điều này". Sau đó đúng là bé đã xin học hát lại khi bị bạn chê bai, tôi từ chối và bé vô cùng ân hận. Sự việc đã xảy ra 7 năm rồi nhưng bé vẫn nhớ.
4. Đặt ra luật gia đình
Một số việc trong nhà phải đặt ra luật rõ ràng, đó là những công việc và cách ứng xử trong gia đình. Những ai vi phạm luật sẽ bị phạt nặng. Cha mẹ nếu lâu lâu vi phạm thì cũng ngoan ngoãn chấp hành một hình phạt nào đó cho trẻ hài lòng vì thấy luật gia đình thật nghiêm minh và công bằng.
5. Khi cần đưa ra lời khuyên, tuyệt đối không ép buộc
Nếu cha mẹ ép buộc trẻ thực hiện, trẻ sẽ vô cùng khó chịu. Nếu việc gì cần ép buộc thì đưa vào luật gia đình.
6. Cho trẻ lựa chọn các phương án xử lý
Thay vì bắt trẻ phải theo một cách duy nhất, hãy cho trẻ lựa chọn các phương án, trong đó mỗi phương án cha mẹ sẽ kèm theo một hậu quả.
Ví dụ, mẹ sẽ cho con chọn hai phương án sau: Một là con ăn nhanh trong thời gian 30 phút thì sau đó sẽ được đi chơi 15 phút ở nhà hàng xóm. Hai là con không ăn thì đứng úp mặt vào tường. Cha mẹ cứ yên tâm đi, trẻ sẽ chọn ngay phương án có lợi cho bản thân để thực hiện.
7. Khi chuẩn bị xử, hãy đếm
Như vậy là trẻ được thêm cơ hội để giải quyết khó khăn.
Ví dụ: Khi con không chịu tắm, cha mẹ nói: Mẹ đếm đến 10 mà con không vào tắm thì mẹ sẽ... (một hình phạt gì đó). Sau đó cha mẹ đếm và sẽ thấy trẻ chạy vào tắm nhanh lắm.
Khuyên người khác không dễ, vì thế nếu như có ý định khuyên nhủ trẻ, hãy thực hiện theo các bước này cha mẹ nhé. Rồi các cha mẹ sẽ thấy mọi thứ đi vào quỹ đạo.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương
Giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội