Thứ hai là ở nhà khi có chuyện gì không vừa ý là cháu hay đập phá đồ hoặc đánh mọi người kể cả ba mẹ. Tôi phải giáo dục cháu làm sao? Chân thành cám ơn chuyên gia. (Bích Hường)
Ảnh minh họa: Everydaylife.globalpost.com. |
Trả lời:
Chào bạn,
Thông thường khi trẻ 5 tuổi thường rất năng động và luôn khao khát được giao tiếp, trao đổi với người khác, đặc biệt là nhu cầu giao tiếp với bạn đồng trang lứa.
Với trường hợp bé nhà bạn, tiếp thu nhanh nhưng chỉ chơi với 1-2 bạn và phát biểu nhỏ - có khả năng là do bé ngại giao tiếp hoặc không tự tin trong giao tiếp. Muốn biết chính xác nguyên nhân bạn nên trao đổi thêm với cô giáo phụ trách lớp của bé và trò chuyện với con để biết vì sao bé lại không chơi hòa đồng với các bạn.
Nếu như nguyên nhân thuộc về bé (bé ngại giao tiếp) thì mẹ nên quan tâm trò chuyện với bé hơn nữa. Để cải thiện tình trạng này cha mẹ nên: Dành thời gian cho con nhiều hơn, chơi với con những trò chơi tương tác, hạn chế để trẻ chơi một mình. Cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa để con có thêm nhiều cơ hội giao lưu với các bạn mới. Hãy kiên nhẫn với con, đừng gắt gỏng hay la mắng khi con ngại giao tiếp. Động viên con một cách khéo léo, dần dần bé sẽ bớt nhút nhát và dạn dĩ hơn.
Về việc bé hay đập phá đồ hoặc đánh mọi người khi không vừa ý, nguyên nhân có thể do bé muốn được mọi người để ý quan tâm đến mình hơn hoặc có thể bé đang bị căng thẳng ức chế, điều này cũng dễ làm cho bé cảm thấy khó chịu và cáu bẳn. Một nguyên nhân quan trọng nữa là do bố mẹ và người thân đã quá chiều chuộng bé. Hành vi đập phá đồ hay đánh mọi người khi không vừa ý sẽ được củng cố và trở thành thói quen nếu như sau những lần như vậy bé được bố mẹ đáp ứng nhu cầu ngay lập tức. Dần dà bé sẽ sử dụng thái độ này như là công cụ để đạt được mong muốn của mình.
Trong trường hợp này bố mẹ cần phải loại bỏ các nguyên nhân trên, đặc biệt là việc chiều chuộng trẻ. Bố mẹ hãy lắng nghe và đáp ứng những yêu cầu hợp lý của trẻ (với điều kiện trẻ thể hiện yêu cầu bằng lời nói và thái độ thích hợp). Bố mẹ cần nhất quán trước sau như một, không đáp ứng những yêu cầu không hợp lý của trẻ dù trẻ khóc lóc, vòi vĩnh, dỗi hờn... Bố mẹ hãy giải thích tại sao không nên làm như vậy, tỏ thái độ bình tĩnh nhưng cứng rắn (không nhượng bộ), thậm chí nếu trẻ tiếp tục có những hành vi đập phá đồ chơi bố mẹ có thể cất hết đồ chơi và "bơ" trẻ đi hoặc lôi kéo sự chú ý của trẻ sang việc khác.
Bạn nên tỏ ra nghiêm khắc và nói “không” với các yêu cầu vô lý của trẻ. Khi trẻ đánh người xung quanh, hãy đưa ra một hình phạt phù hợp để trẻ biết được hậu quả của việc mình vừa làm. Khi trẻ bình tĩnh lại hãy giải thích cho trẻ hiểu làm như vậy là xấu, sẽ không ai yêu. Bố mẹ và cách thành viên trong gia đình nên thống nhất trong cách dạy trẻ, không nên người thì nghiêm khắc người thì chiều chuộng thái quá, như vậy việc giáo dục sẽ không hiệu quả.
Bố mẹ nên dành thời gian để trò chuyện với con nhiều hơn, kể những câu chuyện về những đứa trẻ ngoan, biết nghe lời bố mẹ từ đó nêu gương cho trẻ. Những khi trẻ ngoan, nghe lời hay làm được việc tốt hay khen ngợi và thưởng cho trẻ.
Nếu sau một thời gian áp dụng biện pháp này mà tình trạng của bé vẫn không thay đổi bố mẹ nên tìm đến các trung tâm hỗ trợ tâm lý để được các chuyên gia tâm lý đánh giá tình trạng và tư vấn cụ thể hơn.
Thạc sĩ tâm lý học Hồ Thị Thương
Trung tâm hỗ trợ tâm lý cộng đồng SPC