Ngày 04/12/2014, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) nhận cấp cứu cho một trường hợp trẻ bị tai nạn giao thông nghiêm trọng do ngồi phía trước xe máy. Bệnh nhi N.V.S, 5 tuổi (Tây Ninh) được đưa vào cấp cứu vì gặp tai nạn khi được bố chở ngồi phía trước xe. Trong tình trạng có men rượu, người bố đã đâm xe vào chiếc xe tải đậu sát lề đường làm cho cháu bé bị rách nát và chảy máu vùng miệng, môi trên gần như đứt lìa, toàn bộ răng cửa hàm trên và hàm dưới cùng xương hàm dưới đều bị gãy.
Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, những trường hợp trẻ gặp tai nạn do người lớn uống rượu và cho con ngồi phía trước xe máy như trên cực kì phổ biến. Tai nạn đau lòng trên chỉ là một trong hàng nghìn vụ tai nạn trẻ em mà nguyên nhân chính là do thói quen tai hại của cha mẹ Việt cùng tình trạng giao thông có 1 không 2 ở Việt Nam. Ủy ban ATGT quốc gia cho biết hiện tai nạn giao thông đã trở thành 1 trong 4 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên.
Nhiều bậc phụ huynh chỉ vì một phút “tặc lưỡi” chiều con, cho con ngồi xe máy, ô tô theo ý thích hay lơ đễnh vuốt tóc con, lái xe một tay, vượt đèn đỏ, say rượu... mà phải ân hận cả đời. Không ai mong muốn tai nạn rủi ro xảy ra với những đứa cọn quý báu của mình, vì vậy, cha mẹ cần nhớ một số lưu ý sau đây khi tham gia giao thông:
Đối với ngồi xe máy:
Vị trí an toàn hơn cả là cho trẻ ngồi sau lưng người lái và có địu/dây đai chằng chắc chắn nối bé với người lái. (Ảnh minh họa)
- Vị trí nguy hiểm
Không bao giờ được cho trẻ ngồi đằng trước bố mẹ , ngay sau tay lái. Trong trường hợp bố hoặc mẹ phanh gấp, bé sẽ không thể nào chống cự được lực quán tính đang đẩy bé về phía đằng trước và có thể sẽ bị ngã rất mạnh, nếu va đập vào tay lái hay phím bấm trên xe máy còn khiến bố mẹ mất kiểm soát, không điều khiển được chiếc xe.
Kể cả vị trí bé ngồi vào một chiếc ghế gắn ở trước mặt người lái cũng không an toàn và khó cho bố mẹ trong việc xử lí những tình huống xảy ra trên đường.
- Vị trí an toàn
Vị trí an toàn hơn cả là cho trẻ ngồi sau lưng người lái và có địu/dây đai chằng chắc chắn nối bé với người lái. Tuyệt đối không để trẻ ngồi ở yên sau một mình mà không có vật giữ cố định.
Bé ở đằng sau lưng người lái nhưng đứng lên, kể cả khi có người giữ, vẫn cực kì nguy hiểm.
Bé từ ba tuổi trở lên nên đội mũ bảo hiểm khi ra đường. Cần đặt bé ngồi giữa cha mẹ, người ngồi đằng sau bé giữ chặt bé bằng hai tay và không cho bé ló đầu ra ngoài.
Đối với ngồi xe ô tô:
- Vị trí nguy hiểm
Tuyệt đối không nên chiều theo sở thích của con mà để cho trẻ ngồi cạnh ghế lái, đứng chơi tự do trong xe, hoặc thậm chí là ngồi trong lòng bố mẹ khi bố mẹ đang lái xe sát vào vô-lăng. Đây là những vị trí nguy hiểm, nếu xe đột ngột phanh gấp, tăng tốc, rẽ quẹo bất ngờ, trẻ dễ bị trượt, ngã đập đầu dưới áp lực mạnh.
- Vị trí an toàn
Theo cơ quan Quản lý an toàn giao thông quốc lộ quốc gia của Hoa Kỳ (NHTSA) và Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), vị trí an toàn nhất cho trẻ nhỏ là hàng ghế phía sau tay lái, nhất là ở giữa.
Trẻ dưới 2 tuổi được khuyên nên sử dụng loại ghế chuyên dụng dành cho trẻ sơ sinh. Từ 4- 9 tuổi, tùy theo chiều cao và cân nặng của bé sẽ có nhiều loại ghế ngồi khác nhau. Trẻ 9 tuổi trở lên mới có thể thắt dây an toàn như người lớn. Khi lựa chọn ghế ngồi cho trẻ, các bố mẹ nên nắm vững cách thức lắp đặt và sử dụng của từng loại để đạt được hiệu quả cao nhất.
Đối với ngồi xe bus:
Với chiều chuyển động giao thông như ở nước ta thì hướng xe chuyển động ngược chiều sẽ ở phía bên trái xe, nên những hành khách ngồi phía phải sẽ có nguy cơ chấn thương ít hơn. (Ảnh minh họa)
- Vị trí nguy hiểm
Khu vực nguy hiểm nhất trong xe buýt chính là cửa xe. Trẻ nhỏ lên xe bus nhất định phải có chỗ ngồi vì trên xe bus cực kì khó giữ thăng bằng và bé không thể chịu được những cú xóc bất ngờ hay phanh đột ngột trên xe.
- Vị trí an toàn
Tốt nhất là cho bé ngồi ở dãy ghế bên phải của xe (không cùng bên với tài xế). Với chiều chuyển động giao thông như ở nước ta thì hướng xe chuyển động ngược chiều sẽ ở phía bên trái xe, nên những hành khách ngồi phía phải sẽ có nguy cơ chấn thương ít hơn.