Các chuyên gia pháp lý nhận định, người cha sẽ bị tước quyền nuôi con nếu tòa án xác định ông ta đã không làm tròn trách nhiệm nuôi dạy và có hành vi đánh đập con thậm tệ. Khi đó, người mẹ hoàn toàn có quyền khởi kiện ra tòa để giành lại quyền nuôi con.
Đánh con do hư
Sáng 7/10, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh một cháu bé nằm trên giường với những vết thương thâm tím ở phần mông khiến nhiều người không khỏi xót xa. Theo người đăng tải hình ảnh này, vết thương của cháu bé là do người bố có tên Tạ Văn Linh (trú tại thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, Thái Nguyên) gây ra. Danh tính của cháu bé được xác định là Tạ Văn Long (13 tuổi, con trai anh Linh). Nhìn vết thương trên mông cháu Long, nhiều người tỏ ra bức xúc và phẫn nộ trước hành động của người cha. “Không hiểu vì sao người làm cha lại có thể đánh một đứa nhỏ ra nông nỗi này. Người ngoài nhìn còn xót xa mà bản thân là máu mủ của mình lại đành lòng như thế. Quá tội cho đứa trẻ sinh ra trong gia đình như thế", một người bình luận.
Ông Thái Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết, nhận được thông tin cháu Long bị cha đánh gây thương tích nặng, chính quyền địa phương đã đến bệnh viện thăm cháu. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do cháu Long bỏ học, đi chơi điện tử nên sau khi đi tìm được cháu, anh Linh đã dùng que tre để đánh con. Ông Hải nói: “Khi biết tin cháu Long bỏ học nhiều ngày và có một số hành vi trộm cắp vặt thì anh Linh đi tìm. Thấy con ở quán điện tử gần trường, anh Linh có đánh cháu và cháu bỏ chạy. Anh Linh đuổi theo và sau khi tìm thấy con ở khu vực cánh đồng, anh Linh không kiềm chế được đã dùng que tre đánh vào mông cháu gây ra vết thương. Hiện các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội của tỉnh, huyện đã đến thăm hỏi, động viên cháu Long. Bước đầu cơ quan công an đã mời anh Linh lên làm việc, yêu cầu viết bản tường trình”.
Do đau nên cháu bé chỉ nằm sấp. Ảnh: B.Minh
Chúng tôi tìm gặp anh Linh và người cha này thẳng thắn thừa nhận mình đã đánh con. Anh Linh cho biết, sau khi sinh được hai người con, anh và vợ đã ly hôn. Hiện Long ở với bố, em của Long ở với mẹ và được đưa về quê ở Hà Giang sinh sống. Chia tay vợ được vài năm, anh Linh đã lập gia đình mới và chuyển về làm công nhân tại Bắc Ninh. Cháu Long hiện sống cùng bà nội ở huyện Phú Bình.
Cách đây mấy hôm, nghe cô giáo gọi điện báo tin Long ăn cắp vặt rồi bỏ học, anh Linh từ Bắc Ninh về quê tìm con. Thấy Long đang chơi điện tử, do bức xúc nên anh Linh đã đánh cháu. “Thật tình tôi rất thương con. Bình thường đi làm tôi cũng gọi điện về hỏi han con thường xuyên. Con thiếu gì tôi mua cái đó nhưng vì con hư nên tôi bực và đã không kiềm chế được”, anh Linh chia sẻ.
Người mẹ sẽ đón con về nuôi
Trò chuyện với chúng tôi, chị Đoàn Thị Bảy (mẹ cháu Long, vợ cũ anh Linh) cho biết, theo phán quyết của tòa, trách nhiệm nuôi dạy cháu Long là của anh Linh. Ít ngày trước, nghe tin cháu Long ăn cắp, anh Linh đã điện cho chị và nói: “Về mà dạy, con hư tao không dạy được”. Nghe chồng nói vậy, ngày 6/10, chị Bảy đi từ Hà Giang về Thái Nguyên để thăm con trai, xem sự thể thế nào.
Khi gặp Long, thấy con co người tỏ vẻ đau đớn, chị Bảy mới để ý kỹ thì thấy chiếc quần con đang mặc máu rỉ. Kéo quần con xuống kiểm tra, chị Bảy thấy toàn bộ mông cháu Long bị bầm dập. “Con hư thì phải giáo dục, thậm chí vẫn phải đánh vài roi cảnh cáo. Thế nhưng, đánh đến mức con không thể đi lại được nữa thì tôi không thể chấp nhận. Sau khi con ra viện, tôi sẽ đón cháu về Hà Giang để nuôi dạy. Tôi không thể để con ở với người bố vũ phu như vậy. Giờ tôi chỉ cầu mong vết thương trên người con không bị hoại tử, cháu sớm bình phục”, chị Bảy tâm sự.
Liên quan đến sự việc này, luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Theo quy định tại Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, các hành vi sau đây bị nghiêm cấm: “Hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác”. Như vậy, khi trẻ em vi phạm kỷ luật, thậm chí vi phạm pháp luật thì cha mẹ, cơ sở giáo dục... cũng không được phép áp dụng các biện pháp giáo dục có tính chất xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm hoặc dùng nhục hình đối với trẻ em.
Cũng theo luật sư Thu Anh, có nhiều phương pháp giáo dục trẻ em, có thể giảng giải, phân tích hoặc có những hình thức kỷ luật. Tuy nhiên, giáo dục bằng hành vi đánh đập trẻ em là hành vi mà pháp luật hiện nay không cho phép, kể cả đối với cha mẹ hoặc thầy cô giáo. Hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập trẻ em tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà người vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật, mức độ ít nghiêm trọng thì bị xử lý hành chính. Nếu hành vi đánh đập, hành hạ trẻ em mà gây ra thương tích cho trẻ em đủ mức độ hậu quả để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 104 Bộ luật Hình sự. Nếu cha mẹ có hành vi hành hạ trẻ em chưa đến mức truy cứu về tội “Cố ý gây thương tích” nhưng gây chấn động tâm lý, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, tâm lý của trẻ thì người hành hạ trẻ em trong trường hợp này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ trẻ em theo Điều 110 Bộ luật Hình sự. “Trong trường hợp này cần làm rõ nguyên nhân, động cơ và hậu quả thương tích, chấn động tâm lý của cháu Long để có hình thức xử lý phù hợp đối với anh Linh”, luật sư Thu Anh phân tích.
Trong khi đó, luật sư Vũ Đức Long (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Trong trường hợp vợ chồng đã ly hôn mà quyền nuôi con đang thuộc về người chồng, nếu người vợ muốn thay đổi quyền nuôi con thì phải khởi kiện ra tòa án dân sự. Tòa sẽ quyết định bố hay mẹ được quyền nuôi con. Tại tòa, các đương sự sẽ phải tự chứng minh xem ai là người có điều kiện tốt hơn như về ăn ở, học hành, điều kiện kinh tế. Đương sự nào chứng minh được điều kiện tốt hơn, tòa sẽ quyết định cho người đó được quyền nuôi con.u
* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi