Các dòng sản phẩm với 3 khe cắm sim khá nhiều trên thị trường hiện nay. |
Phân khúc điện thoại nhiều sim tại Việt Nam tuy thị trường không thực sự rộng lớn, nhưng là một phần không thể tách rời khi nói đến các dòng điện thoại đang có mặt hiện nay.
Phổ biến nhất trong số này là các dòng máy hỗ trợ hai sim, chủ yếu do các nhà sản xuất nhỏ, kém tên tuổi đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, khi nhu cầu sử dụng "sim rác" ngày càng tăng, và các "ông lớn" vẫn còn mải mê với loạt điện thoại bình dân hay tập trung cho các dòng máy cao cấp, một lần nữa các đơn vị đến từ Trung Quốc lại nhanh tay hơn khi tung ra thị trường các mẫu có khả năng lắp 3 hay thậm chí là 4 thẻ sim một lúc.
3 sim, 3 sóng online trên một thân máy, giúp hạn chế chi phí và số lượng thiết bị. |
Những model 3 sim bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2009, đầu năm 2010. Ban đầu, các máy 3 sim chỉ có thể cho 2 sim online đồng thời, còn một sim bắt buộc phải tắt và chỉ sử dụng khi cần thiết. Tuy nhiên, điểm yếu này mau chóng được khắc phục khi thời gian gần đây, hầu hết các mẫu điện thoại 3 sim đã dùng được 3 sóng một lúc, tăng khả năng kết nối và đáp ứng nhu cầu của người dùng. Tuy tiện dụng hơn, nhưng đến nay dòng điện thoại này vẫn chưa vượt qua được các dòng máy hai sim hai sóng.
Loạt máy đến từ Trung Quốc này thường không có tên hãng sản xuất, mà chủ yếu "dựa hơi" những cái tên như Nokia, Samsung, BlackBerry... và tìm cách "biến tấu" để tránh các rắc rối liên quan đến thương hiệu. Ví dụ máy đề tên Nokla, một số không ngại ghi Nokia, cùng với tên các sản phẩm được nhiều người biết đến của hãng như N9, C5, C2... nhưng mang thiết kế khác. Thậm chí, trong phân khúc máy này, iPhone nhái cũng có thể nhiều sim nhiều sóng, cao cấp hơn thì chạy... Android.
Những thiết kế dễ nhận ra nhất là của Nokia, HTC, BlackBerry và iPhone, tiếp đó là các dạng điện thoại... xe hơi như BMW, Ferrari... Như đã nói ở trên, không có tên thương hiệu chính thức nào cho các sản phẩm này, tất cả chỉ được gọi thông qua các mã số của máy, khá đa dạng như H999, M500, TV F83... Có thể nói, số lượng và độ phong phú của những sản phẩm như vậy là không thể kiểm soát nổi.
Tuy nhiên, trung tuần tháng 3 vừa qua, LG đã chính thức bước chân vào phân khúc điện thoại 3 sim với mẫu A290. Đây cũng là model đầu tiên và duy nhất ở thời điểm này do một hãng điện thoại có tên tuổi sản xuất có thể lắp nhiều sim đến vậy. Sự ra mắt của sản phẩm đánh dấu những quan tâm của thương hiệu lớn đối với "miếng bánh" thị phần giá rẻ của Việt Nam.
lg a290 là cái tên điện thoại 3 sim 3 sóng uy tín nhất hiện nay. Ảnh: LG. |
Giá cả của những sản phẩm có thiết kế 3 sim 3 sóng cũng khá "dễ chịu", giao động trong khoảng từ một triệu đồng đến 2 triệu đồng một máy, phần lớn tập trung ở mức giá từ 1,5 triệu đến 1,8 triệu. Đây là mức giá tốt đối với những người không yêu cầu quá cao về thương hiệu, cấu hình của điện thoại và có mức chi tiêu giới hạn, giúp hạn chế số lượng thiết bị phải mang theo bên người và chi phí đầu tư, duy trì sản phẩm.
Mặc dù là 3 sim 3 sóng online, hay nhiều hơn như vậy, các sản phẩm này vẫn hoạt động theo nguyên tắc ưu tiên. Khi một sim đang thực hiện cuộc gọi, thì các tín hiệu liên lạc đến các sim còn lại sẽ tạm chuyển sang chế độ bận hoặc chờ đến lượt kết nối. Một số sản phẩm có tính năng chuyển hoạt động giữa các thẻ sim với nhau trong máy, hay khả năng tra cứu tài khoản cả 3 sim cùng lúc chỉ với một lệnh.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa thực sự mặn mà với các sản phẩm này, chủ yếu là tâm lý do ngại về chất lượng. Những thiết bị này còn tồn tại những điểm yếu như thời lượng pin, khả năng bắt sóng, tính ổn định, khả năng hiển thị, chất lượng thiết bị mau chóng đi xuống dù chỉ sau thời gian ngắn.
Nguyễn Phương