Một chủ di động tại TP HCM nhận xét, sự thay đổi chóng mặt các xu hướng trong làng di động khiến việc đưa ra nhận định về sự lên xuống của các hãng điện thoại sẽ rất khó chính xác. Nếu như hai năm trước, smartphone symbian ở tầm trung và cao cấp thống trị thị trường, trong khi điện thoại thương hiệu Việt chiếm lĩnh nhóm giá thấp, thì mọi chuyển đã trở nên khác biệt trong năm 2011. Đây là năm chứng kiến cuộc đổi ngôi cả trên hai nhóm cao cấp lẫn giá rẻ.
Android đang thắng thế tại Việt Nam. Ảnh: Quốc Huy. |
Điện thoại thông minh chạy hệ điều hành Android là đại diện sáng giá nhất ở nhóm cao cấp. Chỉ ba năm xuất hiện, smartphone sử dụng nền tảng Google đã trở nên thịnh hành bằng việc trình làng các siêu phẩm mạnh mẽ.
Nếu như năm ngoái, các cuộc đổ bộ nhỏ lẻ của Samsung, HTC, Sony Ericsson chỉ mang tính thăm dò, thì năm nay, số lượng smartphone có mặt ở Việt Nam nhiều và trải đều nhiều phân khúc. Tổng cộng, có trên 50 sản phẩm xuất hiện ở nhóm chính hãng, nhóm cao cấp còn thêm hàng loạt sản phẩm đến thị trường xách tay.
Android của Sony Ericsson đang có đông sản phẩm nhất. Đầu năm 2011, đại diện của hãng cho rằng, họ đã không nhìn nhận đúng sự đi lên của Android, vì vậy, đây là thời điểm mà liên minh Nhật Bản - Thụy Điển thể hiện quyết tâm mở rộng thị phần. Trên 10 smartphone của hãng tới Việt Nam trong năm, từ Arc, Arc S "đình đám" đến các sản phẩm trong dòng Xperia như Play, Mini, Mini Pro... đã phủ kín các mức giá 5 triệu đồng trở lên.
Tuy vậy, samsung và HTC là những "người chiến thắng" trong nhóm này. Bằng với ra mắt Galaxy S II mùa hè và tới mùa thu là Galaxy Y, hãng điện tử Hàn Quốc trở thành thương hiệu thành công nhất về mặt doanh số. Trong khi đó, thiết bị của HTC bán tốt ở nhóm cao, hãng này đã có sự đa dạng sản phẩm, từ máy giải trí, chơi nhạc, dành cho giới nữ. Ngoài ra, HTC cũng đang tiến bước vào nhóm giá trung.
Đây cũng là năm điện thoại hai sim của Nokia thắng thế ở nhóm giá thấp. Hãng này ra mắt chiếc điện thoại hỗ trợ dual sim đầu tiên mùa hè năm ngoái, tuy nhiên, cuộc đổ bộ chính thức diễn ra trong năm nay.
Một loạt các sản phẩm cho phép gọi điện từ hai số như Nokia 101, X1-01, C2 hai sim... nhanh chóng được xác lập vị thế. Không phải là thương hiệu đi trước trong trào lưu này, nhưng với thế mạnh về thương hiệu, chất lượng điện thoại tốt, pin khỏe, các thiết bị này trở thành một sản phẩm thứ hai cho người dùng đã có smartphone, hoặc sản phẩm được khách hàng bình dân lựa chọn.
Từ các máy hai sim dưới một triệu, Nokia đang dần nâng giá dòng này. C2-03, gần đây là Asha 200 và sắp tới còn có C2-06, bắt đầu phủ sóng nhóm hai sim của hãng từ 3 triệu đổ xuống. Đại diện của hãng cho biết, Nokia chưa có ý định ra mắt smartphone có hai sim, tuy nhiên, nhóm giá thấp, hướng vào giới trẻ với thiết kế màu sắc, hỗ trợ nghe nhạc, kết nối mạng xã hội như Facebook, chat.
Điện thoại cảm ứng giá rẻ, một trong hướng đi của thương hiệu Việt trong bối cảnh khó khăn. Ảnh: Quốc Huy. |
Sự đi lên của Nokia hai sim giá rẻ khiến điện thoại thương hiệu Việt, các dòng máy hai sim xuất xứ từ Trung Quốc đang dần thất thế sau hơn 2 năm xuất hiện.
Theo anh Ngô Phú, một chủ bán di động tại TP HCM, từ các sản phẩm cơ bản đến dòng QWERTY, nhiều thương hiệu Việt đã ngủ quên trên chiến thắng mà không có sự thay đổi khác biệt. Từ Q-mobile, FPT đến các thiết bị của Mobiistar, Bluefone gần như không có khác biệt trong thiết kế. Người dùng dễ nhận ra các máy QWERTY giống BlackBerry, hỗ trợ hai sim với tính năng tương đương nhau.
Dòng hai sim của Nokia đã rẻ hơn, bản Asha 200 vừa ra mắt có kiểu dáng giống thiết bị thương hiệu Việt, nhưng được xem là tốt hơn có thể là "quả bom" đẩy hàng nội ra khỏi kệ.
Từ nửa cuối 2011, Q-mobile, Mobiistar... đang có những sự thay đổi mới. Dòng cảm ứng hai sim, giá trên dưới một triệu đồng bắt đầu có mặt. Nhóm sản phẩm đánh vào người dùng có túi tiền eo hẹp, thích các tính năng giống smartphone, thiết kế thời trang.
Năm 2012 được nhiều chủ hàng nhận định, điện thoại thương hiệu Việt và các sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc tiếp tục gặp khó. Không chỉ Nokia, Samsung cũng đang thể hiện quyết tâm gia nhập nhóm này sau thắng lợi trên phân khúc cao cấp.
E6, điện thoại Nokia Symbian tốt nhất gần đây, nhưng vẫn chưa cạnh tranh được so với Android. Ảnh: Quốc Huy.
Năm qua, Symbian cũng chứng kiến sự đi xuống, mặc dù Nokia đang có những nỗ lực lôi kéo người dùng. Chỉ một năm trước đây, smartphone E-series, N-series như E71, E72, N97... nổi bật trên thị trường, thì hiện Symbian bị Android cạnh tranh dữ dội.
Đầu năm, Nokia ra mắt chiếc E7. Với giá 15 triệu, thiết bị bán chậm và sau đó giảm mạnh. Nỗ lực lấy lại ảnh hưởng các bản E-series dưới 10 triệu, mẫu E6 xuất hiện, được đánh giá tốt khi có màn hình cảm ứng sắc nét, nhiều tính năng, nhưng E6 vẫn chưa vượt trội so với các mẫu Android cùng giá.
Bộ ba Symbian Belle gồm 700, 701 và 603 ra mắt cuối năm nay tiếp tục cho thấy nỗ lực của "gã khổng lồ" Phần Lan. Một loạt các cải tiến như giao diện mới, cảm ứng tốt và cấu hình mạnh, chip 1GHz. Tuy nhiên, nhiều chủ hàng vẫn cho rằng, ứng dụng và tính năng vẫn khó vượt được Android, Symbian đang dần tụt lại cuộc đua ở nhóm trung cấp.
Quốc Khánh