Để một chiếc điện thoại được coi là một điện thoại thông minh (smartphone) thì một trong những nhân tố quan trọng chính là chip xử lý với khả năng cho phép chạy các ứng dụng đầy ấn tượng. Những nhà chế tạo chip xử lý - mà thực chất là những hãng tạo ra và sở hữu thiết kế bố trí bên trong những con chip này – vẫn liên tục bổ sung thêm những tính năng mới. Tại triển lãm di dộng MWC mới đây, rất nhiều hãng đã trình diễn sản phẩm mới của mình và hé mở những xu hướng khả năng xử lý di động trong tương lai.
Biểu đồ thể hiện sự tăng tốc của chip trong điện thoại di động. Ảnh: Extreme Tech. |
Hầu hết chip của smartphone trên thị trường hiện nay thường có tốc độ từ 500 đến 600 MHz, nhưng tốc độ 1GHz đang dần trở thành xu hướng chạy đua mới trong làng smartphone cao cấp.
Qualcomm, một trong những hãng chế tạo chip baseband danh tiếng đã bắt đầu tung ra chip xử lý ứng dụng SnapDragon. Chip 1GHz hỗ trợ đồ họa 720p với khả năng xử lý 22 triệu tám giác một giây (triangles per second) và hiện đã ra mắt trên thị trường. Thế hệ chip 1GHz của Qualcomm đã xuất hiện trong một số máy tính dạng smartbook như Lenovo Skylight và HP Compaq AirLife 100. Chip này cũng đã được sử dụng trên Nexus One của Google và dự kiến sẽ còn xuất hiện trên nhiều smartphone khác.
Hiện nay Qualcomm đang trình làng phiên bản hai lõi ARM mới có tốc độ tới 1,5GHz, hỗ trợ mã hóa và giải mã hình ảnh 1080p, đồng thời cải tiến năng lực đồ họa lên tới 80 triệu tam giác một giây.
Texas Instruments với thiết kế OMAP-3 tốc độ 600Hz trước đây (với tên mã 3430) cũng đã góp mặt trong một số smartphone cao cấp (như Motorola Droid, Palm Pre, và Nokia N900). Về lý thuyết, chip này có khả năng xử lý hình ảnh ở độ phân giải 8 triệu điểm và khả năng dựng hình đồ họa 10 triệu tam giác một giây. Năm nay, hãng này cho biết sẽ nâng cấp phiên bản này lên tốc độ 1GHz (tên mã 3630) với thiết kế OMAP-4 mới trình làng cuối năm. Chip được thiết kế với hai lõi Cortex-A9, khả năng xử lý hình ảnh 1080p, cải tiến đồ họa và tăng thời lượng pin. Texas Instruments cho biết dòng OMAP-4 sẽ hỗ trợ xử lý hình ảnh tới 20 triệu điểm và dựng hình đồ họa 30 triệu tam giác một giây.
Marvell gần đây có tuyên bố sẽ tung ra vi xử lý nền ARM với 4 lõi. Tuy nhiên, nhân vật đứng đầu bộ phận kinh doanh thiết bị di động của hãng, ông Vivek Chhabra, cho biết, khách hàng của họ lại chuyển sang xu hướng chọn giải pháp Armada 618, chip ứng dụng có thể xử lý mã hóa và giải mã nội dung HD và 3D, cũng như năng lực đồ họa cần thiết cho thế hệ smartphone tương lai.
Chhabra cho rằng chip này gồm một lõi ARM 1GHz, lõi khác phụ trách xử lý hình ảnh 1080p, còn lõi thứ ba dùng riêng cho đồ họa với khả năng vẽ 45 triệu tam giác một giây. Tương tự như các đối thủ khác, hãng này cũng đưa ra rất nhiều tùy chọn chip, bao gồm cả những nền tảng chip giá rẻ cho những smartphone giá dưới 100 USD.
Còn Nvidia thì gia nhập thị trường với dòng Tegra. Phiên bản hiện tại có hai lõi ARM Cortex-A9 với tốc độ 600MHz. Thành công lớn nhất của dòng Tegra là sự xuất hiện trong máy Zune HD của Microsoft. Hãng này đang xúc tiến dòng Tegra 2 với hai lõi Cortex-A9 với tốc độ 1GHz, hỗ trợ cảm biến 12 triệu điểm ảnh, mã hóa và giải mã video 1080p cùng khả năng xử lý đồ họa lên tới 90.000 tam giác mỗi giây.
Các hãng khác, như Freescale cũng thành danh nhờ chip ARM, cũng đã đề cập đến thế hệ smartbook và e-reader sử dụng dòng i.MX 515 trên nền Cortex-A8 ở tốc độ 800 MHz của mình. Còn ST-Ericsson thì giới thiệu U8500 dựa trên nền hai lõi Cortex-A9, cũng hỗ trợ xử lý hình ảnh độ phân giải 1080p.
Samsung Wave mang chip xử lý tốc độ 1GHz. Ảnh: Samsung. |
Không chỉ có các tên tuổi đình đám trong làng chip, mà các tên tuổi mới nổi khác như Samsung cũng có tham vọng của riêng mình. Khi giới thiệu phiên bản Wave, Samsung đã đề cập đến khả năng phát triển chip riêng của họ với tốc độ 1GHz. Tuy nhiên, sau đó Samsung lại khẳng định chip này cũng dựa trên nền lõi ARM nhưng đã cải tiến năng lực đồ họa với khả năng vẽ 89.000 tam giác một giây.
Khi Apple giới thiệu iPad, họ cũng đã giới thiệu chip xử lý 1GHz của riêng mình với tên mã A4. Mặc dù Apple không công bố chi tiết, nhưng có vẻ như đây cũng là một phiên bản dựa trên nền ARM, bởi lẽ chip xử lý trên iPhone và iPod của hãng này cũng tương tự.
Intel, với bề dày lịch sử chế tạo chip, bản sau nhanh hơn và tiết kiệm điện hơn bản trước, cũng đang cố gắng thâm nhập vào thị trường này. Tại triển lãm MWC, Intel đã giới thiệu về nền tảng Moorestown, một nền tảng mới nâng cấp từ Atom với sự kết hợp khả năng thực thi, đồ họa, hiển thị và bộ nhớ vào cùng một con chip 45nm. Hỗ trợ cho Intel là LG với tuyên bố bản GW990 là phiên bản điện thoại đầu tiên nền Moorestown với hệ điều hành MeeGo.
Rõ ràng là Intel đã công khai thái độ muốn cạnh tranh với ARM trong lĩnh vực này. Họ đã bắt đầu đề cập đến thế hệ tiếp sau của Moorestown, thế hệ Medfield sẽ ra mắt trong năm 2011 với thế mạnh chính là khả năng tương thích nền x86 trên máy tính. Cũng như ARM hợp tác với Global Foundaries, Intel đã bắt tay với một trong những nhà sản xuất chip lớn nhất TSMC để giúp các hãng khác có thể tích hợp lõi Atom vào các thiết kế chip tất cả trong một của từng hãng.
Toshiba TG01, điện thoại 1 GHz đầu tiên trên thị trường. Ảnh: Aboutcellulars. |
Xu thế hướng tốc độ đã hình thành. Các thế hệ smartphone mới với tốc độ 1GHz đang xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là với giải pháp thiết kế đa lõi. Trong tương lai, kể cả những điện thoại thấp cấp cuối cùng rồi cũng sẽ đạt được tốc độ này. Khả năng đồ họa đang dần trở thành thông số phân biệt đẳng cấp, trong khi tính năng thời thượng hỗ trợ chơi video 1080p sẽ sớm trở thành tính năng tối thiểu của smartphone trong xã hội nhà nhà Full HD như hiện nay.
Nguyễn Hà