- Quyết định hạ Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông khiến nhiều người nuối tiếc, ông nhìn nhận việc này như thế nào?
- Theo tôi đó là quyết định thông minh và hợp lý của Đông. Dân công nghệ thường có cuộc sống khá đơn giản và khép kín, họ chỉ muốn tập trung làm việc vì đam mê của họ mà thôi. Thời gian vừa qua rõ ràng là truyền thông đã gây ảnh hưởng quá nhiều và không tốt đến cuộc sống của tác giả, vì thế việc gỡ bỏ game sẽ làm giảm thiểu những áp lực này.
Theo ông Tuấn, lượt tải Flappy Bird trước thời điểm game này bị hạ sẽ tăng mạnh. Ảnh: Quốc Huy.
Trong vòng 22 tiếng trước khi Flappy Bird bị hạ, lượng download của game này sẽ tăng chóng mặt. Lý do rất rõ ràng, Flappy Bird sẽ trở thành một món đồ cổ "hot". Người dùng sẽ cố gắng giữ lại một bản trên thiết bị của mình. Những ai chưa download, chưa biết tới game này sẽ nhanh chóng vào App Store, Google Play tải về. Bởi nếu không download, sau này sẽ khó mà biết lấy ở đâu.
Việc gỡ bỏ Flappy Bird khỏi các kho ứng dụng cũng không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu quảng cáo. Vì người dùng đã tải về vẫn chơi, trong khi các rắc rối liên quan tới ứng dụng này sẽ được chấm dứt.
Flappy Bird chỉ mất đi khi tất cả mọi người xóa trên máy hoặc không chơi nữa. Có thể nó sẽ xảy ra trong vài tháng tới khi mọi thứ đã hạ nhiệt, nhưng chắc chắn không phải lúc này.
- Có thông tin cho rằng, Nintendo có thể kiện Nguyễn Hà Đông vì vi phạm bản quyền thiết kế ống khói trong game Mario. Theo anh, khả năng này có thể xảy ra không?
- Điều này khó xảy ra. Nếu có thì sẽ gần như là lần đầu tiên trong lịch sử làng game. Các vụ kiện bản quyền của Nintendo liên quan tới Mario đều do nhái, lấy tên là Mario hoặc có chữ Mario và/hoặc hình ảnh nhân vật với kịch bản tương tự. Vấn đề cơ bản là game Flappy Bird là một trò chơi có kịch bản và cách chơi hoàn toàn khác với Mario, không gây nhầm lẫn và cũng không gây ảnh hưởng gì tới trò Mario cũng như Nintendo. Đặc biệt, Nintendo còn chưa bao giờ làm game cho di động.
Việc Nintendo muốn kiện Flappy Bird về ống khói trong game sẽ khó xảy ra. Ảnh:Quốc Huy.
Giả sử Nintendo muốn kiện, họ còn phải chứng minh được thiệt hại trực tiếp gây ra bởi cái ống khói trong Flappy Bird đối với game Mario của họ. Trong trường hợp này, giả sử có chứng minh được và thuyết phục được tòa, thì thiệt hại cũng là rất nhỏ. Hai trò chơi khác nhau hoàn toàn và được sử dụng ở hai môi trường không hề có sự cạnh tranh lẫn nhau.
Cuối cùng, theo ý kiến cá nhân của tôi, việc một hãng game đứng đầu thế giới như Nintendo đi kiện một cá nhân viết game kiếm được một chút tiền lẻ so với doanh thu của họ chỉ vì hình ảnh cái ống khói là một điều nực cười, được dựng ra bởi những người có đầu óc hài hước mà thôi.
- Vậy với những ý kiến cho rằng, tác giả Flappy Bird dùng thủ thuật cheat để game của mình leo lên top gian ứng dụng Apple và Android thì sao, thưa ông?
- Các cáo buộc này thực ra đều đến từ một bài viết của một blogger có tên Carter Thomas, chủ của một hãng tư vấn marketing di động trên iPhone. Bài phân tích của Carter Thomas, theo tôi, được viết với mục đích gây scandal và để PR tên tuổi cho công ty của anh ta.
Rất tiếc là nó lại gây ra tác dụng ngược lại. Tất cả những người trong nghề đều nhìn ra những lập luận của anh trong bài viết là đầy sơ hở, nếu không muốn nói là ngớ ngẩn. Tất cả các hãng thông tấn lớn trên thế giới đều không trích dẫn lại bài viết này, ngoại trừ tờ Telegraph. Tôi sẽ phân tích cụ thể các luận điểm của Thomas trong bài viết này như sau.
Luận điểm 1: Thomas đưa ra các screenshot để chỉ ra rằng 3 game của Đông đã có sự thay đổi thứ hạng (ranking) trên các bảng xếp hạng nhảy vọt trong tháng 12 và tháng 1 một cách đột ngột và kết luận rằng điều đó là bất thường, vì các game còn lại của Đông không hề được tiếp thị chéo (cross-promotion) trong game Flappy Bird.
Luận điểm 2: Thomas đưa ra screenshot các đánh giá của user mà anh ta cho là tiêu cực đối với game của Đông nhưng lại chấm điểm là 5 sao (cao nhất). Và sau đó, anh kết luận đó là điều bất thường vì hầu hết các bình luận đều có giọng điệu giống nhau (ví dụ: game này đã làm tôi phát điên…), lặp đi lặp lại ca thán việc đau khổ như thế nào khi chơi mà lại vẫn chấm điểm cao nhất.
Luận điểm 3: Anh ta kết luận rằng Đông đã dùng thủ thuật giả lập hàng trăm nghìn tài khoản ảo trên Apple và khiến cho trò chơi được tải về cả triệu lần.
Thời điểm Carter Thomas phân tích Flappy Bird tăng trưởng từ 31/1, khi ứng dụng này đã lên vị trí top 1.
Ở luận điểm thứ nhất, tôi nghi ngờ Thomas có vấn đề về thời gian. Anh ta viết bài này vào ngày 31/1/2014, thời điểm mà Flappy Bird đã nổi tiếng trên toàn thế giới. Trước đó, ngày 17/1, Flappy Bird đã đứng đầu ở Mỹ. Khoảng 1 tuần sau thì 2 game khác của Đông bắt đầu lọp dần vào top 1.000 tại Mỹ và sau đó đến cuối tháng 1 thì lọt vào top 10.
Lý giải việc này rất đơn giản, tất cả những người chơi hâm mộ Flappy Bird tìm đến các game tương tự của tác giả và họ tải về để khám phá thêm. Đây là điều hết sức bình thường và tự nhiên. Nó giống như việc, khi bạn hâm mộ một ai đó thì thường sẽ thích tất cả những gì liên quan tới người đó. App Store trên iPhone có sẵn tính năng đó để những người chơi game có thể nhìn thấy các trò liên quan cùng tác giả chỉ với 1 cú click. Trên iPad hoặc Android thậm chí bạn còn có thể nhìn thấy ngay lập tức các trò chơi còn lại khi nhấn vào màn hình download Flappy Bird.
Ngoài ra, trong suốt thời gian từ 17 tới 31/1, truyền thông, các trang mạng xã hội nổi tiếng như Twitter, YouTube, Reddit và cả các ngôi sao truyền hình nổi tiếng cũng tung hô các trò chơi của Hà Đông. Thậm chí, một số ý kiến còn cho rằng Super Ball Juggling hay hơn cả Flappy Bird.
Ảnh chụp màn hình các bình luận của người chơi đều xuất hiện khi game đã hot. (bấm vào xem ảnh lớn).
Ở luận điểm thứ 2, tôi khẳng định là Thomas có vấn đề về thời gian và cả về óc hài hước. Nếu bạn xem ảnh chụp màn hình trên, tất cả các bình luận đều đăng vào cuối tháng 1/2014. Đây là thời điểm Flappy Bird đã chinh phục thế giới suốt 2 tuần. Ở thời điểm đó, Nguyễn Hà Đông cũng không cần và không thể giả danh hay ngăn cản sự đánh giá của hàng triệu người dùng mỗi ngày.
Cho đến tận bây giờ, Flappy Bird vẫn được đánh giá 4,5/5 điểm, một đánh giá gần như là hoàn hảo và đáng mơ ước cho bất cứ ứng dụng nào. Nếu đọc kỹ các bình luận trong ảnh chụp màn hình mà Thomas đưa ra, tất cả những sự ca thán, than phiền đó thực ra là lời ngợi khen không thể tốt hơn cho độ gây nghiện cũng như độ khó của Flappy Bird. Tất cả đều phát điên với chú chim, đó chính là lý do trò chơi được yêu thích đến thế. Vì vậy, việc họ cho điểm tuyệt đối cũng là điều dễ hiểu. Chắc chỉ có Thomas là người duy nhất không hiểu mà thôi.
Flappy Bird hiện là game được tải nhiều nhất trên App Store. Ảnh: Quốc Huy.
Ở kết luận cuối cùng, cho thấy Thomas thực sự là một kẻ ngoại đạo. Lừa được cả Apple và Google - 2 công ty lớn nhất thế giới để đưa một ứng dụng game vào vị trí số 1 của tất cả các bảng xếp hạng là một điều mà chưa ai trên thế giới từng làm được. Nói một cách hài hước, nếu làm được điều đó thì Đông thật sự là một đại thiên tài và vị trí số 1 cũng xứng đáng thôi. Và giả sử Đông có làm được điều đó thật, thì các kỹ sư tài năng của Apple và Google chắc hẳn nên mời chuyên gia tiếp thị Carter Thomas tư vấn thêm vì họ vẫn không biết Đông gian lận như thế nào trong suốt cả tháng qua để trừng phạt.
Cuối cùng, tôi mong rằng giới truyền thông hãy nhìn nhận lại toàn bộ sự việc và để cho Đông được yên. Flappy Bird sẽ được gỡ bỏ, mọi sự nên chấm dứt ở đây. Đừng dập tắt đam mê của Đông cũng như làm cho ngành công nghệ non trẻ của Việt Nam cảm thấy sợ hãi khi lao động và thành công.
Có thể bạn quan tâm: