iPhone 3G và Pre đều có màn hình cảm ứng đa điểm, cả hai gần như sở hữu các tính năng tương đồng và phong cách giống nhau. Tuy nhiên, chúng vẫn có những khác biệt. Nếu như người dùng đã thành thạo sử dụng iPhone, thì khi chuyển sang Pre, sẽ phải thay đổi một vài hành động trong sử dụng, một trong số đó là cách sắp xếp các lớp trên giao diện máy. |
Cả hai đều có phím bấm sleep-wake nằm trên đỉnh, một nút "home"bên dưới màn hình. Trên iPhone, để khởi động người dùng có thể bấm vào cả phím Home hoặc nút nguồn trên đỉnh thì Palm Pre chỉ cho phép tác động vào nút sleep-wake, thiết kế của iPhone trông tiện lợi hơn Pre. |
Màn hình Home của cả hai cũng có những điểm khác nhau. Với iPhone, giao diện bên ngoài không thể trộn lẫn với chiếc di động nào, các icon được sắp xếp theo dạng lưới, trong khi nếu cầm trên tay Pre, người dùng sẽ nghĩ ngay đến một chiếc PC thu nhỏ. Máy cho phép thấy màn hình nền thanh bar Quick Launch nuột nà bên dưới giống như Dock trên Mac OS X hay taskbar của Windows. Nhưng khi bấm vào góc dưới bên phải màn hình, một màn hình nhỏ với các icon dạng lưới mở ra trong đó hiển thị các ứng dụng đã được cài đặt. Màn hình Home của Pre hấp dẫn, nhưng iPhone lại cởi mở hơn. |
Khó tin, nhưng Palm Pre cho phép người dùng tải nhạc thông qua chương trình iTunes của iPhone (kể cả với phiên bản mới nhất iTunes 8.2 vừa xuất hiện). Cơ chế làm việc của Pre giống như iPod, tuy nhiên máy kết nối chưa trơn mượt bằng iPhone. Khi kết nối với máy tính, di động sẽ hỏi người dùng sử dụng chương trình MediaSync và iTunes để tải nhạc, sử dụng dưới dạng ổ cứng kết nối USB (tính năng mà iPhone không có) hoặc chỉ để sạc. Pre làm việc tốt với các file định dạng không DRM trên thư viện iTunes nhưng không đồng bộ danh bạ, lịch làm việc qua iTunes. Palm cho biết, model này cho phép đồng bộ ảnh và video, tuy nhiên thao tác này sử dụng khá khó khăn. |
Điều khiển trên Pre có sự khác biệt so với iPhone. Ví dụ, khi thoát ra khỏi một ứng dụng, người dùng cần ấn vào phím múi tên đi lên để trở lại giao diện "card deck". Máy có thể chuyển đổi các ứng dụng, đóng một chương trình bằng cách trượt nhẹ qua các card, hoặc gõ nhẹ lên chúng. Trong khi đó, iPhone không có chạy đa nhiệm, nên khi tắt chương trình này thì mới mở được ứng dụng khác. |
Giao diện chơi nhạc trên iPhone và Pre. |
iPhone sử hữu bàn phím ảo, trong khi soạn thảo trên Pre thông qua bàn phím vật lý. Sử dụng thực tế cho thấy, các nút bấm trên bàn phím cứng của Pre nhỏ và khó sử dụng. Trong khi đó, với iPhone, các nút bấm ảo không đến nỗi khó sử dụng, bởi không gian tác động rộng hơn, tuy vậy soạn thảo nhanh thì khó khăn. |
Mỗi hệ điều hành đều có những thú vị riêng. Cả iPhone và Pre đều dễ sử dụng, nhiều tính năng thông minh. Để chọn, nhiều người sẽ thiên vị cho iPhone, bởi Pre sẽ mất thời gian làm quen để sử dụng hơn. webOS có thể có một tương lai sáng ở phía trước, nhưng không phải lúc này. Đây chưa phải là thiết bị "hạ bệ" được iPhone ngay lúc này. |
Huy Nguyễn (theo PC World)