1. Trào lưu “smartphone siêu mỏng"
“Khác biệt hay là chết” dường như đã và đang trở thành kim chỉ nam cho các nhà sản xuất smartphone để có thể sinh tồn trong thế giới công nghệ biến đổi liên tục từng giờ từng phút này. Có rất nhiều tiêu chí để một chiếc smartphone trở nên thu hút trong mắt người dùng. Một trong số đó phải kể đến thiết kế và cuộc đua tranh giành ngôi vị “smartphone mỏng nhất thế giới”. Liên tiếp những cái tên như Sony Xperia Z Ultra (6.5mm), Alcatel One Touch Idol Ultra (6.45mm), Huawei Ascend P6 (6.18mm), Vivo X3 (5.75mm), v.v. được xướng danh trong thời gian qua nhưng dường như vẫn chưa ai có thể tìm được điểm dừng cho cái gọi là “mỏng nhất”.
Apple xem ra cũng không chịu kèm cạnh và tỏ rõ quyết tâm chen chân vào bảng xếp hạng này khi tung ra concept về chiếc iphone air siêu mỏng siêu nhẹ. Các tín đồ công nghệ có thể dễ dàng nhận ra nỗ lực của người khổng lồ xứ Cupertino khi độ dày của các thế hệ iPhone được cắt giảm một cách ấn tượng: iphone 5s chỉ dày có 7,6 trong khi ở chiếc iPhone 3GS là tận 12,3 mm. Theo đó, thế hệ sau luôn được tung hô như là “chiếc iPhone mỏng nhất từ trước tới giờ”.
2. Thiết kế "siêu mỏng": lợi bất cập hại
Thiết kế siêu mỏng không phải là đích đến của tất cả các nhà sản xuất danh tiếng, hoặc ít nhất là không phải tất cả các model của họ. Nếu so với những chiếc smartphone mỏng nhất thế giới vừa kể trên thì Samsung galaxy s4 (7.9mm), Galaxy Note III (8.3mm), LG G2 (8.9mm), Google nexus 5 (8.59mm), HTC One (9.3mm), Sony Xperia Z1 (8.5mm), Motorola Moto X (10.4mm), Nokia lumia 1020 (10.4mm), v.v. có vẻ hơi dày. Lý do của các ông lớn di động không phải quá khó hiểu: Có rất nhiều tiêu chí về thiết kế đáng để hướng tới hơn là danh hiệu “mỏng nhất” và sự thật là việc cắt giảm bề dày của chiếc smartphone lợi thì ít mà hại thì nhiều.
Một sự thật không thể chối cãi là bên cạnh cấu hình và tính năng của một chiếc smartphone thì người dùng, đặc biệt là giới trẻ, cùng vô cùng quan tâm tới yếu tố thiết kế. Và có khá nhiều người trong số họ sẵn sàng lưa chọn một chiếc smartphone siêu mỏng, siêu to thay vì quan tâm đến thời lượng pin. Tuy nhiên, rõ ràng là nếu chạy theo xu hướng cắt giảm bề dày thì hệ lụy kéo theo sẽ là không gian chứa pin ngày càng hạn hẹp hơn khó có thể đáp ứng được nhu cầu giải trí ngày càng nhiều của người dùng. Trong khi đó, công nghệ hiện tại lại chưa mạnh đủ để sản xuất ra những viên pin đủ nhỏ, đủ mỏng, đủ gọn để chạy đua kịp với tốc độ phát triển của phần cứng hiện nay. Với tư cách là một tín đồ công nghệ, bạn sẽ ưu tiên xu hướng nào: cấu hình ngày càng mạnh mẽ hay thiết kế ngày càng mỏng hơn?
Vấn đề tiếp theo mà Apple cần lưu tâm trước khi chạy theo xu hướng smartphone siêu mỏng là việc đảm bảo một thiết kế tối ưu giúp người dùng cảm thấy thoải mái nhất khi sử dụng thiết bị di động đó. Theo nhận xét từ phía người dùng thì điện thoại càng mỏng càng tạo cảm giác mong manh và khi cầm trên không được thoải mái như những chiếc smartphone có độ dày vừa phải. Từ trước đến nay, bên cạnh cấu hình mượt mà thì iPhone còn luôn nhận được phản hồi tích cực từ phía các tín đồ công nghệ khi mang đến cảm giác cầm nắm vừa vặn mặc dù khá dày so với những chiếc smartphone khác. Liệu Apple có thật sự giải quyết được bài toán trên với thiết kế iPhone siêu mỏng?
3. Tạm kết
“Smartphone mỏng nhất thế giới” là danh hiệu mà không ít nhà sản xuất thèm muốn và ngay cả khi bạn nghĩ rằng không thể nào mỏng hơn được nữa thì vẫn có những chiếc điện thoại khác tiếp tục choán ngôi dù bề dày chỉ được cắt giảm thêm chưa đến 1mm. Không thể phủ nhận là mỏng hơn đồng nghĩa với thời trang hơn và với tốc độ phát triển công nghệ hiện tại thì không có giới hạn nào là không thể vượt qua. Sự thành công của một công ty công nghệ phụ thuộc vào việc họ có thể đáp ứng nhu cầu và mong muốn của các tín đồ công nghệ ra sao và chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng người khổng lồ xứ Cupertino đã thật sự tìm ra được lời giải tối ưu cho đứa con cưng “siêu mỏng” sắp ra mắt chứ không chỉ đơn giản là chạy theo xu hướng nhất thời.
Có thể bạn quan tâm: