Năm 2007, Palm trình làng chiếc Centro, model cuối cùng sử dụng hệ điều hành Palm OS, tuy nhiên, dấu mốc cuối cùng để nhiều người nhớ đến dòng di động này lại là Treo 680 trình làng năm 2006. Treo 680 là biểu tượng cuối cùng của dòng Treo từng một thời "làm mưa, làm gió" trên thị trường PDA tích hợp tính năng phone, khởi thủy của smartphone hiện đại.
Palm du nhập vào Việt Nam từ đầu thập kỷ này. Ảnh: Quốc Huy. |
Palm du nhập vào Việt Nam từ đầu những năm 2000, ban đầu chỉ là sự xuất hiện của những model màn hình chạm, không có tính năng thoại như Tungsten, Zire. Tuy nhiên, đỉnh cao của trào lưu chơi Palm là chiếc Treo 650, mẫu PDA hỗ trợ đàm thoại với thiết kế nam tính, ăng ten lớn đi kèm với màn hình cảm ứng, bàn phím QWERTY.
Palm và Windows Mobile với những chiếc Pocket PC O2 là hai trào lưu nổi nhất trong nửa đầu thập kỷ này. Dù không có nhiều mẫu được nhiều người biết, nhưng Palm đã thu hút một lượng fan lớn trong nước sử dụng, trao đổi ứng dụng, các buổi gặp mặt diễn ra liên tục, nhất là những năm từ 2003 đến 2005.
Tuy nhiên, cùng với sự xuất hiện của nhiều mẫu smartphone chạy Symbian, BlackBerry và việc Palm lại bỏ hệ điều hành của mình, tham gia sản xuất điện thoại sử dụng Windows Mobile đã làm nền tảng này suy yếu. Sự xuất hiện của Treo 680 đã đánh dấu điều này. Bản Centro ra mắt không gây tiếng vang nào. Tại Việt Nam, trào lưu chơi Palm cũng suy yếu từ đó. Năm ngoái, Palm phát triển hệ điều hành webOS và trình làng Pre, Pixi..., tuy nhiên các mẫu máy này không được nhiều người Việt đón nhận.
Trong khoảng ba năm trở lại đây, gần như giới chơi Palm chỉ gói gọn trong các hội nhóm ở Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng... với các cuộc gặp mặt nhỏ, khoảng 20 đến 50 người tham dự. Phần lớn những người chơi Palm là "ma cũ", những người sử dụng từ đầu và trở thành tín đồ của dòng PDA này.
Nhiều người chung thủy với Palm, nhưng nhiều người cũng sử dụng thêm các dòng máy khác. Ảnh: Quốc Huy. |
"Mỗi buổi offline, giới chơi Palm lại kết nạp được thêm vài thành tiên mới, tuy nhiên, khi mà iPhone, Android đang hoành hành dữ dội, Palm chỉ là một hệ điều hành cũ, máy trông cục mịch bị họ chê và nhanh chóng rời bỏ, chỉ còn lại những tín đồ đích thực", anh Quân, (Hai Bà Trưng), một dân chơi Palm đang sở hữu bộ 5 chiếc Tungsten và Treo cười nói.
Theo anh Quân, giới chơi Palm ở Việt Nam hiện không nhiều, nhưng các bản máy cũ đi theo lịch sử của Palm gần như đủ cả. "Gần như mỗi người đều có từ 2 đến 3 chiếc, nhiều nhất là Treo 650, tiếp đó là các phiên bản cũ hơn", anh Quân cho biết, rất khó để lý giải về sự chung thủy khi chơi Palm, "tuy nhiên, nó như là một niềm vui, hạnh phúc và sự đam mê, chia sẻ với bạn về về thứ được xem là đồ cổ này".
Anh Hoàng Đạt (Tân Bình, TP HCM) chia sẻ, số người chung thủy với Palm ngày một ít đi, "họ vẫn giữ máy, vẫn mang ra chia sẻ, vẫn chơi, vẫn offline, nhưng chiếc smartphone theo họ nhiều lại là BlackBerry hay iPhone".
"Palm như là một kỷ niệm, tuy nhiên chiếc PDA này không thể lướt web nhanh, kết nối cũng hạn chế, khả năng giải trí, chụp hình cũng ở mức thấp, đó không phải là thế mạnh của những chiếc máy ra đời cách đây 4 đến 5 năm làm được", anh Đạt chỉ lý do người chơi Palm đang sử dụng thêm các máy khác.
Nhiều người chơi Palm cho rằng, không chỉ riêng dòng di động này, từ Symbian, Windows Mobile, thậm chí iPhone, nếu không mày mò, tìm hiểu, sẽ không thấy được sự hấp dẫn. Palm được yêu mến không chỉ là chiếc điện thoại thông minh đầu tiên của các fan, đây còn là những thiết bị thực sự khác biệt với thiết kế lạ, phần mềm phong phú, dù hiện tại đang bị mai một nhiều.
Với xu hướng phát triển của di động khi mà màn hình độ nét cao, quay phim HD, tốc độ kết nối lớn, Palm dần đang trở nên lỗi thời. Tuy nhiên, phần lớn những người sử dụng Palm cho biết, họ vẫn sẽ yêu Palm, dù để phù hợp với công việc, đôi khi họ vẫn phải "cưới" thêm "vợ hai, vợ ba" là iPhone, BlackBerry hay smartphone Android.
Quốc Huy