Từ một sản phẩm được kỳ vọng sẽ "đánh phủ đầu" iPhone 7, galaxy note 7 đang mang tai họa cho samsung vì lỗi pin. |
Samsung đang đối mặt với một trong những sự cố nghiêm trọng nhất lịch sử của hãng liên quan đến thiết bị di động, đó là vấn đề cháy nổ trên Galaxy Note 7. Điều này đã khiến công ty Hàn Quốc phải nhận rất nhiều chỉ trích thời gian qua.
Từ trước lúc ra mắt cho đến khi mở bán, Galaxy Note 7 được kỳ vọng sẽ mang lại thành công cho Samsung nhờ thiết kế đẹp, nhiều tính năng, cấu hình mạnh mẽ… Hơn hết, việc ra mắt sớm giúp phablet mới có thể “đánh phủ đầu” iPhone 7 và iPhone 7s – 2 thiết bị của đối thủ chính Apple.
Tuy nhiên, sự cố cháy nổ đã làm đảo lộn tất cả kế hoạch của Samsung. Giờ đây, Galaxy Note 7 trở thành đồ vật nguy hiểm, là "quả bom" trong túi người sở hữu nó. Rất nhiều cá nhân, tổ chức trên thế giới cảnh báo không nên mang theo sản phẩm, như cơ quan giám sát an toàn sản phẩm thuộc Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ (CPSC) khuyến cáo người dùng nên ngưng sử dụng smartphone Samsung ngay lập tức; hay Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) cấm sử dụng, thậm chí cấm mang theo trên các chuyến bay. Cục Hàng không Việt Nam cũng vừa có chỉ thị yêu cầu hành khách không để Galaxy Note 7 trong hành lý ký gửi và không sạc pin trên máy bay tránh tình trạng cháy nổ.
Sự cố cháy nổ khiến Galaxy Note 7 bị hạn chế tại nhiều khu vực. |
Trong hoàn cảnh rối ren đó, Samsung đang cho thấy nỗ lực tự đứng dậy sau "cú ngã đau đớn".
Công ty Hàn Quốc đang làm nhiều cách khác nhau để thu hồi Galaxy Note 7 bị lỗi, như đổi mới thiết bị, hoàn tiền 100%, tung ra bản cập nhật tạm cho phép sạc chỉ 60% pin... Con số thiệt hại riêng cho thu hồi là hơn 1 tỷ USD.
Trong buổi nói chuyện với truyền thông Hàn Quốc hôm 12/9, Samsung cho biết sẽ chuyển sang sử dụng hoàn toàn pin của công ty Trung Quốc ATL thay vì Samsung SDI. Chỉ có 30% Galaxy Note 7 dùng pin của ATL nhưng đây cũng là những sản phẩm không gặp phải sự cố cháy nổ, trong khi 70% còn lại có pin do Samsung SDI sản xuất đã bị triệu hồi.
Theo Robert Cuthbertson, Phó chủ tịch của công ty tư vấn Boston Retail Partners, cách hành xử chuyên nghiệp, xem lợi ích khách hàng là ưu tiên hàng đầu của Samsung sẽ giúp hãng sớm vượt qua khủng hoảng nhanh chóng. Ông dẫn chứng rằng, sự cố Tylenol năm 1982 cũng đã được giải quyết triệt để nhờ vào chiến lược "khách hàng là thượng đế" của tập đoàn Johnson & Johnson.
"Samsung đang cố gắng khắc phục tình trạng Galaxy Note 7 đang mắc phải, làm hết sức mình để kiểm soát thiệt hại, cũng như ngăn chặn không để sự cố xảy ra lần nữa", Cuthbertson nhận định.
Để trở thành thế lực trên thị trường điện thoại thông minh như ngày nay, Samsung đã nỗ lực hàng chục năm, đánh vào mọi phân khúc thiết bị. Riêng điện thoại cao cấp, Apple là đối thủ lớn nhất, nhưng hãng cũng không chịu thua kém nhờ dòng Galaxy S và Galaxy Note. Bộ đôi sản phẩm chủ chốt này cũng là yếu tố giúp định hình Samsung là một nhà sản xuất điện thoại cao cấp.
Theo số liệu Chỉ số Hài lòng Khách hàng Mỹ (ACSI) năm 2016, Galaxy Note 5 đã đánh bại iPhone 6s Plus để trở thành phablet được yêu thích nhất. Khi các công ty công nghệ có dấu hiệu đi xuống, gồm Apple, Samsung vẫn thành công với Galaxy S7 và Galaxy S7 edge. Điều đó cho thấy người dùng đang quan tâm tới Samsung hơn nhờ những thay đổi trên sản phẩm của hãng.
Washington Post nhận định, Samsung sẽ sớm đứng lên sau sự cố galaxy note 7 , bởi dòng sản phẩm này có một lượng khách hàng trung thành nhất định. Cuộc khủng hoảng rõ ràng có ảnh hưởng đến danh tiếng của Samsung, nhưng chưa đủ để "hạ gục" họ. Hãng điện tử Hàn Quốc chỉ mới bán ra 2,5 triệu Galaxy Note 7, so với toàn bộ doanh số 324,8 triệu smartphone trong năm 2015 là con số quá nhỏ bé.
Sau lần tuột dốc khiến hơn 22 tỷ USD bốc hơi, Samsung đang có dấu hiệu phục hồi trở lại trên thị trường chứng khoán. Chốt phiên giao dịch ngày 13/8 tại sàn chứng khoán Seoul (Hàn Quốc), giá cổ phiếu của hãng đã tăng 4,23%.
Bảo Lâm