smartphone Trung Quốc tràn ngập cả thị trường xách tay lẫn chính hãng. |
Nửa cuối 2015 chứng kiến màn đổ bộ của những thương hiệu Trung Quốc mới như ZTE, Coolpad, Vivo hay meizu ... Trong khi đó, những thương hiệu xuất hiện lâu hơn như Oppo, Huawei cũng đánh mạnh vào việc tăng cường quảng bá, nâng số lượng dòng sản phẩm. Theo số liệu từ GfK, trong ba hãng chiếm thị phần lớn nhất ở thị trường smartphone Việt Nam năm 2015 đã có một nhà sản xuất Trung Quốc.
Ở thị trường xách tay, điện thoại trung quốc đang trở thành món hàng được nhiều nhiều người quan tâm. Sau trào lưu điện thoại xách tay Nhật, Hàn Quốc hay xách tay Mỹ, những mẫu smartphone giá rẻ đời mới của xiaomi cũng tạo ra trào lưu điện thoại mới.
Phùng Tuấn Anh, một vlogger chuyên đánh giá đồ công nghệ trên mạng cho rằng một số smartphone trung quốc Việt Nam giờ có độ "hot" chả thua kém iPhone hay những smartphone Android cao cấp như Galaxy S, Galaxy Note hay HTC One. Như với Mi 5 cuối tuần trước hay Redmi Note 3 thời điểm trước Tết, nhiều cửa hàng xách tay" ở Hà Nội cũng chạy đua để đưa những model đầu tiên về thị trường. Những model này trong vài ngày đầu cũng bị đội giá từ vài trăm đến cả triệu đồng, do nguồn hàng về ít không đáp ứng đủ nhu cầu.
Giá rẻ cấu hình cao là đặc điểm của nhiều smartphone Trung Quốc. |
Minh chứng nữa cho thấy sự vươn lên của smartphone Trung Quốc khi thị trường "xách tay" giờ tràn ngập sản phẩm của Xiaomi, Meizu...Một năm trước, tại Hà Nội mới chỉ có vài ba cửa hàng dè dặt bán những dòng smartphone Trung Quốc nội địa thì nay, hầu hết các cửa hàng, hệ thống lớn bé đều nhảy vào kinh doanh.
Hà Mạnh Tuấn, quản lý một cửa hàng ở phố Huế, cho rằng, smartphone Trung Quốc ngày càng được nhiều người mua. Như thời điểm trước Tết, nếu chỉ tính hàng "xách tay", mỗi ngày cửa hàng bán ra được khoảng 20 mẫu Xiaomi. Model "ăn khách" như Redmi Note 3 có thời điểm còn cháy hàng và không đủ đáp ứng.
Tuy ngày càng phổ biến, smartphone Trung Quốc được giới kinh doanh dự đoán khó tiếp cận được phân khúc cao cấp ở Việt Nam. Trên thị trường, đạt được doanh số tiêu thụ cao nhưng Oppo hay Lenovo vẫn bỏ ngỏ dòng sản phẩm cao cấp trên 10 triệu đồng. Những model phân phối chính hãng hầu hết là ở phân khúc phổ thông hoặc tầm trung từ 8 triệu đồng đổ xuống. Còn ở thị trường "xách tay", các model bán ra được nhiều như Redmi Note 3, Mi 4 hay M2 Note, K3 Note... cũng chỉ có giá dưới 5 triệu đồng.
Quang Trung, đại diện một nhà phân phối ở Hà Nội cho biết theo thống kê, lớp khách hàng của những thương hiệu Trung Quốc chủ yếu là người trẻ, thích công nghệ nên muốn trải nghiệm những sản phẩm mới lạ cũng như chuộng smartphone cấu hình cao giá rẻ. Còn tâm lý chung của phần đông, khi bỏ ra nhiều tiền hơn và chỉ cần khoảng gần 10 triệu đồng là họ đã muốn chuyển sang các thương hiệu khác, dù cấu hình hay tính năng có thể thấp hơn.
Tuấn Anh