Android trở nên phố biến trong năm 2010. Ảnh: AP. |
Năm 2010 chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của di động Android. Trình làng chiếc smartphone đầu tiên cuối 2008, cả năm 2009, di động chạy Android được sản xuất chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, cục diện đã thay đổi trong năm 2010 khi hàng loạt các nhà sản xuất gây dấu ấn bằng các mẫu Android manh mẽ.
Ngoại trừ Nokia, hiện các tên tuổi lớn như Samsung, LG, Sony Ericsson, Motorola, HTC đều xem Android mà nền tảng chính của họ. Từ các phiên bản "siêu di động" như Galaxy S, Desire HD đến di động tầm trung, giá thấp Optimus One, Galaxy 3... đều sử dụng nền tảng của Google.
Sự phổ biến của Android cũng đang đẩy nền tảng này trở nên phổ biến hơn, tính đến giữa năm nay, hệ điều hành này tăng trưởng tới trên 800%, dự tính khoảng 55 triệu model sử dụng Android bán ra một năm, vượt xa iPhone, và có thể chiếm ngôi vương của Symbian trong năm tới.
iPhone 4 với hàng loạt khen chê khác nhau nhưng vẫn thành công. Ảnh: Daylife. |
Sự xuất hiện của iPhone 4 trong năm qua đi kèm với hàng loạt khen chê trái chiều.
Trước khi ra mắt hai tháng, một mẫu iPhone thử nghiệm đã lọt ra ngoài và xuất hiện trên Gizmodo, sau đó, một model khác cũng lưu lạc tới Việt Nam. Đây được xem là những vụ rò rỉ sản phẩm nghiêm trọng nhất của Apple, nhà sản xuất luôn làm bất ngờ người dùng vào phút chót khi trình làng các sản phẩm mới.
Không khác với tưởng tượng, iPhone 4 ra đời đầu tháng 6 có hình dáng tương tự bản rò rỉ. Tuy nhiên, những nâng cấp như màn hình Retina, thiết kế siêu mỏng, hỗ trợ quay phim HD và kiểu sáng siêu "sexy" đã khiến iPhone 4 trở thành model được xưng tụng và chờ đợi hơn bất kỳ chiếc smartphone nào của Apple ra mắt trước đó.
Từng đoàn người đã xếp hàng trong ngày đầu bán ra. Tuy nhiên, ngay sau đó, iPhone 4 đã nhận được những phản hồi tiêu cực bởi lỗi ăng ten cũng như màn hình vàng, vỏ gương dễ vỡ. Apple đã phải lên tiếng rằng lỗi mất sóng là một hiện tượng chung và quy mọi nhà sản xuất đều bị mắc lỗi này. Trong khi đó thì họ thầm khắc phục vấn đề.
Tuy vậy, vượt trên những điều tiếng, iPhone 4 vẫn là model bán chạy nhất của Apple với 1,7 triệu máy bán ra chỉ sau 3 ngày. Tại Việt Nam, đây cũng là thiết bị "gây sốt" với mức giá ban đầu lên tới gần 40 triệu, hiện các model này vẫn nằm ở mức trên dưới 20 triệu đồng.
Giám đốc điều hành Microsoft trong buổi ra mắt smartphone Windows Phone 7, nền tảng mới của hãng. Ảnh: Daylife. |
Chiến tranh trên phân khúc smartphone cũng thúc đẩy các nhà sản xuất liên tục đưa ra hệ điều hành mới trong năm 2010.
Sau 10 năm phát triển Windows Mobile, tháng 2 năm nay, Microsoft đã trình làng Windows Phone 7 và hiện thực hóa trên 10 mẫu máy vào tháng 10 năm nay. Các thiết bị đến từ Dell, HTC, Samsung, LG khiến nhiều người dùng ngỡ ngàng với giao diện là các tấm icon lớn trên Windows Phone 7, tuy nhiên sự đóng kín về tính tùy biến và ứng dụng hạn chế đang là một vấn đề với nền tảng này.
Trong khi đó, sau Windows Mobile, Symbian, và Android với tư cách là nhà sản xuất thiết bị, Samsung tiếp tục lấn sân vào lãnh địa hệ điều hành với Bada. Wave S8500 được xem là thành công bước đầu của hãng, chú trọng và phân khúc tầm trung, Bada có giá tốt và đang trở thành con bài chiến lược của hãng bên cạnh Android.
Tương tự Microsoft, Symbian của Nokia cũng bị chê quá cũ kỹ, nhất là khi Sony Ericsson, Samsung, Motorola tuyên bố quay lưng lại nền tảng này. Trước tình hình đó, Nokia đã nâng cấp lên Symbian^3 với giao diện đơn giản hơn, N8 và các mẫu máy như E7, C6-01, C7 liên tiếp được ra đời, trong đó sự thành công của N8 được xem là dấu ấn mới, dù Symbian^3 chưa được đánh giá cao về sự mới mẻ.
Năm 2010 cũng chứng kiến sự thay đổi lớn khi nhiều nền tảng tiến hành nâng cấp. Android liên tục lên 2.1, 2.2 rồi 2.3, Apple ra mắt iOS 4, RIM cũng trình làng OS 6 cho BlackBerry, chưa kể HTC, Motorola bán các máy giá rẻ chạy Brew MP của Qualcomm.
Tranh chấp bản quyền là một phần trong cuộc chiến giành thị phần trên thị trường smartphone. |
Các vụ kiện tụng trong làng smartphone năm nay cũng rầm rộ hơn.
Sau khi Nokia đưa Apple lên tòa án, đáp trả "Quả táo" cho rằng, hãng di động Phần Lan đã "ăn cắp" 13 sáng chế, đồng thời nhà sản xuất iPhone kêu gọi cấm nhập di động của Nokia vào Mỹ. Nokia sau đó lại khởi kiện về 7 sáng chế không xin phép và đòi trả 1,3 tỷ euro tiền bản quyền, mới nhất, nhà sản xuất này tiếp tục đệ đơn ở Anh, Hà Lan, Đức với lý do Apple vi phạm sáng chế của họ trên iPhone, iPad.
Trong khi đó, với sự phát triển mạnh mẽ của Android, đe dọa doanh số iPhone, tháng 3 năm nay, Apple đã vác đơn kiện HTC vi phạm tới 20 sáng chế về giao diện và phần cứng của iPhone. Việc Apple đánh vào HTC sẽ lợi cả đôi đường bởi đây là nhà sản xuất smartphone chạy cả Android lẫn Windows Phone. Trong đó, đối thủ chính là Android của Google, nền tảng đang phát triển mạnh mẽ trong năm nay.
Bên cạnh các khiếu kiện trên, những tranh chấp giữa Motorola với RIM BlackBerry, Motorola với Microsoft hay Kodak với Apple... cũng tốn giấy mực giới truyền thông.
Các nhà phân tích cho rằng, bản quyền sáng chế có giá trị nhiều triệu USD, ngoài ra, đấu tranh pháp lý là một phần trong cuộc chiến giành thị phần trên thị trường smartphone.
Quốc Huy