tablet hay còn gọi là máy tính bảng không phải là một khái niệm mới nhưng một năm về trước hình ảnh về thiết bị này còn mơ hồ. Những model gắn liền với tên gọi máy tính bảng thời điểm này phần lớn chỉ là laptop có màn hình cảm ứng xoay gập kiểu như Lenovo X61 hay HP TX100, nhưng đều khá nặng nề, không có giao diện tối ưu cho cảm ứng và cũng không có điểm nhấn công nghệ đáng chú ý.
iPad ra mắt là bước ngoặt quan trọng nhất của thị trường máy tính bảng. Ảnh: Engadget. |
Tablet PC chỉ thực sự được để ý nhiều hơn khi tin đồn về máy tính bảng của "Quả táo" xuất hiện. Apple rõ ràng là một cái tên đủ để người dùng đặt niềm tin vào một thiết bị sẽ tạo ra sự đột phá.
iPad cuối cùng cũng làm những người dùng kiên nhẫn hài lòng khi chính thức được trình diện vào ngày 28/1. Có người chờ đợi để thực sự định nghĩa một chiếc tablet như thế nào, người khác lại chờ đợi Apple sẽ sáng tạo và đột phá ra sao cho một thiết bị hoàn toàn mới, hay đơn giản là sự chờ đợi của một fan "Quả táo".
Tuy nhiên, iPad đã chưa thể thành công ở ngay thời điểm ra mắt hoặc ít nhất chỉ đạt được điểm này về yếu tố truyền thông. Lời khen không phải không có nhưng những lời chê bai là thứ mà máy tính bảng của iPad nhận được nhiều hơn. Chạy hệ điều hành của điện thoại với nhiều hạn chế, không cổng xuất video độ nét cao, không đa nhiệm, không flash, không cổng USB và cũng chẳng có GPS tích hợp, những nhược điểm dường như là quá lớn đối với một thiết bị đề cao tính di động.
Thế nhưng, ngày 3/4 đã thực sự làm thay đổi mọi nhìn nhận tiêu cực và là ngày đáng nhớ thứ hai trong năm 2010 với thị trường máy tính bảng, iPad chính thức đến tay người dùng. Cầm trực tiếp trên tay máy tính bảng của Apple, người ta mới cảm nhận được thực sự thế nào là một trải nghiệm hoàn toàn mới về khả năng giải trí đa phương tiện. iPad không đa năng nhưng nó làm tốt tất cả những tính năng mà nó có như lướt web, chơi game, xem phim hay đọc sách.
Chỉ sau một ngày ra mắt, iPad đã bán được tới 300.000 chiếc, sau 28 ngày là một triệu chiếc - điều mà iPhone phải mất tới 74 ngày để làm được khi lần đầu tiên trình làng năm 2007) và lên tới 3 triệu chiếc chỉ trong vòng 80 ngày đầu tiên. Những con số ấn tượng trên đã khiến iPad trở thành thiết bị điện tử bán chạy nhất mọi thời đại (vị trí trước đây thuộc về đầu đĩa DVD), theo nhà phân tích tài chính của Bernstein Research.
Ở Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới, định nghĩa máy tính bảng gần như được gắn liền với iPad. Cơn sốt mà thiết bị này tạo ra ở thị trường trong nước không thua kém iPhone là bao khi mức giá ở thời điểm mới xuất hiện lên tới gần 30 triệu đồng, tức là gần gấp 3 lần giá trị thực của máy. Hơn một tháng đầu tiên, các cửa hàng đều có rất ít model để bán và hầu hết là của khách đã đặt trước.
Những con số quá ấn tượng trên đã khiến không còn mấy người nhớ đến HP Slate, thiết bị thậm chí đã được hãng máy tính số một thế giới hé lộ trước cả khi iPad ra mắt vài giờ. Kết quả là những tin đồn về máy tính bảng của HP chỉ rộ lên một đợt sau đó rồi "chìm nghỉm" thời gian dài trước khi được bán chính thức sau... 9 tháng và cũng không thực sự để lại nhiều dấu ấn.
Các sản phẩm của MSI hay Asus ở Computex 2010 là những model đầu tiên cho thấy sự "sốt ruột" của các ông lớn trước thành công của iPad. |
Điều đáng ngạc nhiên, dù đã có dự báo năm 2010 sẽ là năm của máy tính bảng từ sớm nhưng hầu hết các hãng sản xuất lớn đều khá chậm chạp đưa ra các sản phẩm của mình với những sự đầu tư và trau chuốt cần thiết. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến iPad rất thành công vì gần như một mình một ngựa chiếm lĩnh thị trường.
HP, Acer, Dell hay Asus dường như đã quá "cẩn thận" khi chỉ đưa ra các sản phẩm mang tính thăm dò. Tháng 6, hàng loạt các thiết bị kiểu này được các hãng máy tính ồ ạt giới thiệu tại triển lãm Computex 2010.
Asus gây nhiều sự chú ý nhất với hai model WindPad 100 và WindPad 110 chạy hệ điều hành Windows 7 và Android 2.1 tương ứng. Tiếp đến là LG với mẫu UX10 chạy Windows 7 cùng tablet chạy hệ điều hành MeeGo đầy hứa hẹn của Nokia và Intel.
Không đứng ngoài cuộc chạy đua này, Microsoft cũng mang tới Computex 2010 phiên bản hệ điều hành cho tablet với cái tên khá dài Windows Embedded Compact 7. Những giới thiệu ban đầu rất ấn tượng nhưng tạp chí công nghệ Computerworld sau đó đã "mổ xẻ" và cho thấy rằng OS này thực chất chỉ là một phiên bản Windows 7 rút gọn với một chút thay đổi giao diện. Và cũng từ thời điểm đó tới bây giờ, Microsoft chưa một lần nhắc lại về Windows Embedded Compact 7.
Tuy nhiên, đáng tiếc lớn nhất cho tới giờ và cũng là dấu hỏi cho các hãng đã "ầm ĩ" với các mẫu tablet PC demo tại Computex là sau 6 tháng, tất cả các mẫu trên đều chưa xuất hiện trên thị trường.
Galaxy Tab hiện là đối thủ nặng cân nhất của iPad trên thị trường máy tính bảng. |
Samsung Galaxy Tab có thể coi là thiết bị đã làm tốt nhất trong năm qua, ở phe đối đầu với iPad, với việc chạy hệ điều hành Android đang lên, nhiều tính năng hấp dẫn hơn iPad và một màn hình 7 inch vừa phải cho nhiều nhu cầu của người sử dụng.
Doanh số 600.000 chiếc trong gần một tháng đầu tiên cũng đủ để Galaxy Tab trở thành cái tên đáng chú ý thứ hai trong năm ở thị trường máy tính bảng, chỉ đứng sau iPad. Galaxy Tab thậm chí đã có thể thành công hơn nếu ra mắt sớm và mức giá hấp dẫn người dùng hơn so với con số khoảng 16 triệu đồng ở thời điểm hiện tại.
Cùng xuất hiện với Galaxy Tab vào ngày đầu tháng 9 là loạt máy tính bảng với đầy đủ kích thước màn hình là Archos. Đáng chú ý nhất trong số này là Archos 70IT và 101IT với màn hình tương ứng 7 và 10 inch. Cả hai đều có màn hình cảm ứng điện dung, chạy hệ điều hành Android 2.2 mới nhất và đặc biệt là có mức giá hấp dẫn chỉ 8 và 10 triệu đồng.
Mặc dù vậy, việc giao diện không được trau chuốt, hoạt động chưa ổn định, kiểu dáng không thực sự hấp dẫn và không có kết nối 3G là những nhược điểm khiến Archos chưa thể làm hài lòng những khách hàng khó tính.
RIM, nhà sản xuất điện thoại thông minh BlackBerry cũng khuấy động thị trường tablet với PlayBook vào thời gian này. Dù hiện tại chưa được chính thức bán ra nhưng model cũng đầy hứa hẹn với hệ điều hành hoàn toàn mới của RIM do QNX phát triển và được hãng cho là nền tảng tuyệt vời dành cho những người yêu thích game và giải trí.
Có lẽ, Toshiba và Acer là hai hãng cuối cùng của năm giới thiệu máy tính bảng ra thị trường. Ngày 5/11, Toshiba lặng lẽ bán Folio 100 tại châu Âu sau một loạt hình ảnh rò rỉ trước đó, nhưng đáng buồn là chỉ 10 ngày sau (15/11), sản phẩm này đã bị các hệ thống bán lẻ tại châu Âu đồng loạt ngừng bán với lý do là bị chê rất nhiều bời màn hình mật độ điểm ảnh kém, góc nhìn hẹp, vỏ nhựa rẻ tiền và không có chợ ứng dụng Android Market.
Ra mắt vào ngày 23/11 vừa qua, bộ ba máy tính bảng của Acer tỏ ra hứa hẹn hơn với hai mẫu 7 inch và 10 inch chạy Android, mẫu còn lại chạy Windows 7 cũng với kích thước 10,1 inch. Nhưng cho tới thời điểm hiện tại, Acer vẫn chưa công bố cụ thể cấu hình, giá bán và thời điểm ra mắt của các mẫu máy trên.
Bộ ba máy tính bảng của Acer nhiều hứa hẹn khi ra mắt. |
2010 khép lại với chiến thắng gần như tuyệt đối của iPad và người ta đang chờ đợi những "chiến binh" đủ sức đánh bại đế chế này trong năm tới từ các ông lớn khác. Một trong những yếu tố quan trọng nhất sẽ đến từ Google, hãng tìm kiếm này "hứa hẹn" sẽ ra mắt một phiên bản hệ điều hành Android 3.0 được tối ưu cho máy tính bảng. Đây cũng là hệ điều hành có tiềm năng nhất trong việc có thể đánh bại được iOS của Apple.
Cũng không thể quên "ông lớn" HP sẽ nung nấu ý định "phục thù" sau khi không đạt được thành công với Slate. HP vẫn đang "âm thầm" phát triển hệ điều hành webOS sau khi mua lại Palm dành cho máy tính bảng cũng như một số dòng điện thoại thông minh khác.
HTC cũng là một cái tên rất hứa hẹn khi hãng sản xuất điện thoại thông minh cũng "bóng gió" về việc tung ra sản phẩm máy tính bảng trong quý I năm sau.
Cùng với loạt tablet chắc chắn sẽ xuất hiện như bộ ba của Acer, BlackBerry PlayBook, EeePC của Asus, Notion Ink Adam và các sản phẩm lai kiểu như Dell Inspiron Duo sẽ khiến cục diện thị trường máy tính bảng thay đổi. 2011 chắc chắn sẽ là một năm bùng nổ của thiết bị này.
Tuấn Lê