Thoạt nghe, ta có thể thấy ngay đó là những ngôn từ mang đậm tính chất tiếp thị của Apple. Tuy nhiên, sau khi được theo dõi quy trình chế tác bộ vỏ "nguyên khối" của iPhone 5, hẳn chúng ta sẽ thấy Apple đã không quá cường điệu khi nói vậy.
Từ những hình ảnh chụp cận cảnh quy trình chế tác bộ vỏ nguyên khối iPhone 5 dưới đây mà tôi đã có dịp tiếp cận qua kênh iDownload Blog, có thể chúng ta đều đồng ý rằng Apple đã rất kỳ công trong quá trình chế tác siêu phẩm này.
Apple đã tiếp cận ý tưởng chế tác iPhone 5 như thế nào?
Để tránh bị đối thủ cạnh tranh qua mặt (thời điểm đó Galaxy S III có vị trí khá vững vàng, và Apple ít nhiều cảm thấy bị đe dọa), Apple thực sự đã đánh cược vào chất lượng gia công sản phẩm (build quality), vốn truyền thống là thế mạnh của họ. Độ chính xác trong sản xuất và chế tác thủ công đã tiến tới một "đẳng cấp" mới khi quy trình này được đưa vào sản xuất hàng loạt iPhone 5, đủ đáp ứng cho thị trường kể cả có sự ngưng trệ của bất kỳ nhà sản xuất nào trong quy trình của họ.
Từ một thiết bị cầm tay có kết cấu nhẹ trước đây cho tới những góc vát tinh xảo có độ bóng cao, Apple đều rất tự tin vào năng lực sản xuất của họ để công ty thoải mái trình diễn những kỹ thuật sản xuất độc nhất vô nhị mà họ tự phát triển để xây dựng thế hệ iPhone này.
Trong một video thuyết trình, Jonnathan Ive- phó chủ tịch cao cấp bộ phận thiết kế của Apple, đã chia sẻ khá nhiều về quy trình chế tác và gia công iPhone 5 của hãng, trong đó anh có đề cập đến việc coi đó như là một "hành trình nghệ thuật". Còn Apple coi đó là nước cờ mang tính quyết định!
Hành trình nghệ thuật của iPhone 5
Để tạo ra một iPhone mới, các nhà thiết kế của Apple bắt đầu với những gì mà họ yêu thích. Nhưng để xây dựng và thực thi nó, thì họ phải vượt xa hơn những gì mà chúng ta đã từng biết.
Điều đó đòi hỏi kết hợp tất cả những gì mà họ đã được học hỏi và trải nghiệm, những ý tưởng tốt nhất, để hình dung ra một thứ gì đó tối giản, rõ ràng và vẫn chưa thực sự đặc biệt.
Để xây dựng một sản phẩm với cấp độ phù hợp, hoàn thiện sản phẩm và tạo ra sản phẩm tinh tế, Apple đã phải phát triển một quy trình sản xuất riêng mà Ive mô tả là "phức tạp và tham vọng nhất".
Cuối cùng, quy trình này thu được một bộ vỏ iPhone nguyên khối sắc sảo và bóng bẩy như gương, với các mép được cắt gọt tinh xảo bằng máy cắt kim cương.
Bắt đầu với nhôm nguyên khối, các máy cắt CNC bắt đầu đẽo gọt tất cả các mặt xung quanh để định hình bộ vỏ.
Sau đó, tiến hành đánh bóng các bề mặt và phủ chất liệu.
Tiếp theo quy trình này là sử dụng các tinh thể (pha lê) và kim cương để cắt các cạnh vát.
Kết thúc quá trình trên, các bề mặt và mép vát bóng gần như gương của iPhone được hoàn thiện một cách tinh xảo đến mức khó tin.
Tại sao lớp kim loại bảo vệ phía sau lại có tới 2 lớp?
Theo Apple, iPhone 5 được làm bằng một loại nhôm gọi là anodized 6000 series – loại vật liệu tương tự đã sử dụng cho các máy tính xách tay sang trọng của Apple - mặt trên và mặt dưới được khảm thêm một lớp bằng gốm thủy tinh (ceramic glass) trên các model màu trắng hoặc màu bạc, hoặc một loại kính sắc màu đặc biệt gọi là pigmented glass ở trên các model màu đen hoặc màu xám đá.
Đến bước này lại nảy sinh một thách thức mới: Sau khi được khảm một lớp vật liệu kính mới lên bề mặt như ở bước trên, việc lắp ráp các thành phần của lớp vỏ iPhone lại với nhau phải có sự khớp nối chính xác một cách hoàn hảo. Nếu không, khi khách hàng cầm lên họ sẽ chú ý và cảm nhận được sự không hoàn hảo của những chỗ được khảm và phủ lên lớp kính kia với những khu vực khác.
Vậy Apple đã giải quyết thách thức này như thế nào?
Một phần của dây chuyền sản xuất…
…hai camera được trang bị có độ phân giải cực cao để chụp lại phần vỏ (độ phân giải ‘cực cao' của Apple có nghĩa là một con số khổng lồ 29-megapixels…)
…sau đó quá trình phân tích được thực hiện ngay tức thì…
…và việc tính toán có độ chính xác tốt nhất có thể đã được thực hiện, với 725 nhát cắt đã được xác định.
Tiến trình trên kết thúc bằng việc tính toán sao để các miếng cắt liên tục được cắt một cách chính xác theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất, một tiêu chuẩn mà Apple đặt ra với phương sai cho nhát cắt đối mà Apple thực hiện với bộ vỏ của một chiếc iPhone 5 được tính toán theo đơn vị micron – nghĩa là một phần một triệu mét.
Tiến trình in-cell cho công nghệ màn hình Retina trên iPhone 5
Theo tiết lộ của Apple, để làm iPhone trở nên mỏng hơn và nhẹ hơn cũng đồng nghĩa với việc màn hình cũng phải mỏng hơn nữa. Các kỹ sư Apple đã thực hiện điều này bằng việc tạo ra chuẩn màn hình Retina đầu tiên có tích hợp công nghệ cảm ứng, gọi là in-cell touch panel.
Điều này có nghĩa là thay vì sử dụng thêm một lớp các điện cực cảm ứng (touch electrode) giữa các điểm ảnh của màn hình như thông thường, giờ đây mỗi điểm ảnh kiêm luôn cả hai nhiệm vụ: Vừa đóng vai trò là một điện cực cảm ứng, vừa có chức năng hiển thị hình ảnh tại cùng một thời điểm, một công nghệ kép.
Nhờ bớt đi một lớp ở giữa các điểm ảnh trên màn hình nên những gì mà bạn thấy trên màn hình iPhone 5 trở thành một trải nghiệm khác biệt hơn bao giờ hết. Tất cả những trải nghiệm đó đều gói gọn trên một màn hình mỏng hơn 30% so với trước đây!
Tại sao lại là sapphire?
Apple đã sử dụng lớp bảo vệ lens bằng sapphire trên camera iSight.
Bởi vì sapphire mỏng và bền hơn so với lớp kính bảo vệ camera của iPhone 4/4S và vì quang sai cũng như đặc tính quang học tinh khiết của của vật liệu này đóng vai trò quan trọng cho chất lượng thực thi của camera.
Dưới đây là một vài hình ảnh về quy trình sản xuất lớp sapphire bảo vệ lens camera của iPhone 5.
Cũng cần phải nói thêm rằng, độ cứng của tinh thể sapphire chỉ đứng sau kim cương (xét về vật liệu trong suốt), nghĩa là bề mặt của lens camera iPhone 5 gần như khó bị trầy xước.
Nhưng tại sao phải vất vả với những thứ ít ai để ý như vậy trong khi những nỗ lực tinh tế đó ít khi được ghi nhận một cách đầy đủ? Nó chỉ là một chiếc điện thoại thôi mà!
Không hẳn vậy, Apple và đội ngũ thiết kế của họ tin rằng nỗ lực phi thường đó của họ là cách duy nhất để tạo ra cấp độ chất lượng đặc biệt mà họ muốn mang đến cho người dùng.
Apple đã dành thời gian để phát triển ra một tiến trình mà theo họ là phức tạp và tham vọng nhất từ trước tới nay. Bởi chưa bao giờ họ có một tiến trình gia công sản phẩm có độ chính xác và thẩm mỹ cao đến như vậy.
Theo Jony Ive, thì việc đẽo gọt, lắp ghép và hoàn thiện, xử lý vật liệu và tiến trình gia công gần như là toàn bộ cuộc sống của anh trong thời gian đó.
Phản ứng của khách hàng về tuyệt phẩm của Apple?
Các kỹ thuật này tạo ra một sự khác biệt đáng kể giữa lớp chất liệu nhẹ phủ ở phía sau và các mép vát có độ bóng cao của nó. Chính điều đó đã khiến sản phẩm của Apple gần như làm hài lòng không chỉ các fan trung thành của họ mà còn cả những người lần đầu tiên tiếp xúc với iPhone 5.
Tuy vậy, hầu hết mọi người chưa từng nghĩ đến những khó khăn mà Apple phải đối mặt để có thể tạo ra cảm giác mượt mà cho chiếc iPhone 5 trên tay họ.
Người ta thường chỉ để ý đến chất lượng gia công nếu khi cầm nó lên mà cảm thấy chiếc điện thoại không hấp dẫn, với thiết kế xấu và cảm giác rẻ tiền khi sử dụng vỏ bằng nhựa. Bởi khi đó người ta sẽ tự hỏi, tại sao phải trả một số tiền không hề nhỏ mà khi cầm chiếc điện thoại lên vẫn có cảm giác lạo xạo trong tay vì sự ọp ẹp và khe hở giữa các phần vỏ nhựa tạo ra? Nhưng với iPhone 5 thì điều đó đã không xảy ra, Apple đã thực hiện một công việc tuyệt vời và iPhone 5 là một kiệt tác không chỉ với họ.
Thay lời kết
Nói tóm lại, điều khiến iPhone 5 trở nên độc nhất vô nhị đứng từ quan điểm của nhà sản xuất, "đó là cảm giác của bạn khi cầm nó trong tay: Các chất liệu làm ra nó và độ chính xác đáng kinh ngạc trong quá trình gia công chính là sự khác biệt của iPhone 5 mang lại".
Còn với chúng ta, những người sử dụng, rõ ràng có thể thấy rằng không có chi tiết nào là "nhỏ bé " và mọi thứ đều có vai trò quan trọng riêng trong một sản phẩm của Apple. Dù không phải là một fan của Apple hay iOS, nhưng thực sự tôi vẫn dành sự tôn trọng và nể phục cho những gì mà Apple đã làm với iPhone 5 - không chỉ là một mẫu smartphone xuất sắc, mà nó còn là một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo. Còn bạn nghĩ gì về quy trình chế tác kỳ công này?
Theo VnReview
Có thể bạn quan tâm: