Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận với General Motors cho biết con đường phá sản không quá sốc bởi bản thỏa thuận về cổ phần đã được gởi tới những các chủ nợ lớn nhất, trong công cuộc tái cấu trúc toàn bộ công ty. Bản danh sách chủ nợ và cổ phần của họ được nộp cho Bộ Tài chính Mỹ vào 5h chiều, giờ New York, ngày 30/5.
"Nếu các chủ nợ đồng ý với phương án này thì đó là điều cần thiết để chuẩn bị cho một vụ phá sản gọn gàng", Shelly Lombard, nhà phân tích tại Gimme Credit LLC nói. "Nhờ đó GM có thể rút khỏi Điều 11 của Luật bảo vệ phá sản sớm hơn".
Trụ sở GM ở Detroit, Mỹ. Biểu tượng một thời của công nghiệp ôtô Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Phó Chủ tịch Bob Lutz cũng cho rằng nếu phải lựa chọn giải pháp đệ đơn, GM sẽ sớm thoát khỏi điều 11. Trước đó, ban cố vấn đặc biệt của Tổng thống Obama cũng yêu cầu GM phải quyết định trong 60-90 ngày. Để tiến hành các thủ tục, 50 tỷ USD sẽ được chi ra, trong đó bao gồm 19,4 tỷ USD mà GM đã vay.
Đây có thể là vụ phá sản lớn thứ ba trong lịch sử nước Mỹ, sau ngân hàng Lehman Brothers và WorldCom. Tổng giá trị tài sản GM đến 31/12/2008 là 91 tỷ USD trong khi số nợ là 176,4 tỷ USD. Chrysler, hãng nộp đơn ngày 30/4 có tổng giá trị khoảng 39 tỷ USD.
Các chủ nợ nắm giữ 25% cổ phần trong công ty mới sau khi GM tái cấu trúc. Chính phủ nắm giữ 72,5%. Con số này đã được điều chỉnh rất nhiều so với kế hoạch trước đó, khi chủ nợ chỉ được giữ 10% trong công ty mới.
Theo các nguồn tin, chính phủ Mỹ không muốn sở hữu một nhà sản xuất ôtô như GM, dù nắm giữ cổ phần lớn nhất. Đứng trên phương diện quản lý, chính phủ không đưa nhân sự vào ban lãnh đạo và số cổ phiếu nắm giữ chỉ mang tính tạm thời, ở khoảng thời gian ngắn nhất có thể.
Vào ngày 1/6 tới, ngoài hành động nộp đơn, GM sẽ thông báo đóng cửa, có thể là tạm thời, 14 nhà máy.
Nguyễn Nghĩa (theo Bloomberg, AP)