Thủ tục lưu hành xe phân khối lớn như chiếc Harley 1.400 cc này không đơn giản. Ảnh: Thanh niên. |
VN đã chính thức trở thành thành viên 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và việc cho phép nhập khẩu xe môtô phân khối lớn (từ 175 cc trở lên) sẽ chỉ trong nay mai. Đi trước một bước, từ tháng 1/2007, Bộ Công an đã "mở" cho người dân được đăng ký loại phương tiện này.
Đăng ký "mở" tối đa
Thượng tá Võ Văn Vân, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an TP HCM, cho biết trước tháng 1/2007, Bộ Công an có quy định rõ người đăng ký xe môtô 2 bánh dung tích xi-lanh từ 175 cc cần có đủ các thủ tục như xe môtô khác và phải thuộc đúng đối tượng sử dụng theo quy định của Chính phủ.
Cụ thể, người đến đăng ký phải có giấy phép lái xe (GPLX) hạng A2, thẻ vận động viên (VĐV) do Tổng cục Thể dục Thể thao (nay là Ủy ban Thể dục Thể thao) cấp. Tuy nhiên, đến tháng 1, các quy định này đều bãi bỏ, việc đăng ký sở hữu môtô từ 175 cc trở lên cũng bình thường như những loại môtô, xe máy khác. "Quy định mới mở tối đa cho người dân quyền sở hữu phương tiện. Còn việc lưu thông thì lại phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật", thượng tá Vân nói.
*Thuế nhập xe phân khối lớn từ ASEAN là 40% |
*Rậm rịch nhập khẩu xe phân khối lớn |
Lưu thông không dễ
Việc sở hữu một chiếc môtô trên 175 cc đã trở nên dễ dàng, nhưng có lưu thông được hay không lại là chuyện khác. Muốn lưu thông loại xe này, người lưu thông phải có GPLX hạng A2. Mà theo quy định hiện hành, ngoại trừ công an, thuế vụ, hải quan và kiểm lâm, tổ chức hoặc cá nhân muốn đăng ký sát hạch lấy GPLX hạng A2 phải là người có thẻ VĐV. Chưa hết, cá nhân đó phải là người đứng tên sở hữu phương tiện. "Quy định này đã áp dụng hơn chục năm nay rồi và chưa có gì thay đổi", một cán bộ Phòng Quản lý và sát hạch Sở Giao thông Công chính TP HCM, cho biết. Cũng theo ông này, vì quy định "đóng" như vậy nên lượng người dự thi lấy GPLX hạng A2 rất ít. Từ đầu năm 2007 đến nay số người dự thi có tăng lên, nhưng cũng không quá 10 người/tháng.
Trong khi đó, theo dân chơi xe phân khối lớn, để có thẻ VĐV, cá nhân phải có xe phân khối lớn và GPLX hạng A2, đăng ký tham gia vào một câu lạc bộ môtô chính thức của ngành thể dục thể thao; ngược lại, muốn thi lấy GPLX hạng A2 thì phải... có thẻ VĐV. Cái vòng luẩn quẩn kiểu "nhà đòi hộ khẩu, hộ khẩu đòi nhà" này đánh đố những người chơi môtô từ 175 cc trở lên. Theo lý thuyết, ngoại trừ những người trước khi quy định này có hiệu lực đã có GPLX hạng A2, còn lại sẽ không bao giờ có được do không thể là VĐV. Nhưng trong thực tế, nhiều tay chơi môtô quả quyết "nếu muốn vẫn có thể xin được thẻ". Thậm chí, trên một số diễn đàn online còn có những lời rao nhận làm thẻ VĐV và "cam kết là thẻ thật!".
"Một chiếc xe phân khối lớn hiện có giá vài nghìn đến vài chục nghìn USD, không phải ai cũng có thể sở hữu để rồi đem ra lạng lách. Tôi biết rất nhiều người chơi môtô là bác sĩ, kỹ sư, trí thức... Chẳng những họ không bao giờ lạng lách, mà qua việc chơi môtô còn tập hợp nhau lại làm từ thiện, công tác xã hội. Theo tôi, Nhà nước nên có những quy định cụ thể để khuyến khích những nhu cầu lành mạnh, triệt tiêu cái xấu, chứ không nên "trói" tất cả lại như hiện nay, để rồi từ chính những quy định này nảy sinh ra nhiều tiêu cực khác..." - anh Hải, người đang sở hữu một chiếc X4 (400 cc) trị giá gần 20.000 USD, nói. Và đó cũng là ý kiến của nhiều tay chơi môtô khác.
(Theo Thanh niên)