Những tai nạn thường gặp và cách phòng tránh khi đi xe mô tô PKL
Trước hết, hãy chắc chắn rằng bạn đã trải qua các khóa học lái xe an toàn, có đầy đủ bằng lái trước khi “cầm cương” bất kỳ chiếc môtô nào. Những kinh nghiệm quý báu trên đường trường có thể thu được từ các “đàn anh” đi trước nhưng không gì quan trọng hơn là ý thức và khả năng điều khiển xe của chính người cầm lái. Ngoài ra, có một chi tiết nhỏ giúp các lái xe khác trên đường nhận ra bạn hoặc có thể phát hiện ra bạn từ xa là mặc hoặc gắn thêm một chi tiết sáng màu (có thể là phản quang) trên mũ bảo hiểm, quần áo đua, hay trên xe,…
Dưới đây là một số tình huống tai nạn môtô thường gặp và cách phòng tránh:
Ôtô bất ngờ rẽ trái trước mặt
Đây có thể coi là một trong những tình huống thường gặp nhất trên đường khi người điều khiển ôtô vì một lý do nào đó (mất tập trung, do điểm mù,…) không thể thấy được người lái môtô phía sau và bất ngờ đánh lái, chuyển làn sang trái.
Trong trường hợp này, lời khuyên thường được đưa ra nhất là chính mỗi tay lái môtô đều cần có những “giác quan thứ 6”. Hay nói cách khác, để bảo vệ tính mạng của chính mình, hãy quan sát và đề phòng sự bất cẩn của người khác tại các ngã tư, những nơi đường xấu, nơi có xung đột giao thông,.. bởi đây chính là những lý do khiến một chiếc ôtô hay một phương tiện khác rẽ đột ngột. Bạn cũng nên giữ khoảng cách hợp lý với các phương tiện đi trước để có đủ thời gian và khoảng cách xử lý trong tình huống xấu. Hãy để ý cả bánh xe thay vì chỉ nhìn vào chiếc ôtô.
Bắt đầu vào cua mà không có gương cầu cảnh báo đồng nghĩa với việc bạn sẽ đối mặt với điểm mù. Ngoài việc có thể va chạm với các phương tiện đi ngược chiều thì tầm nhìn hạn chế sẽ ảnh hưởng tới cảm giác lái. Điều đó có thể gây ra nguy hiểm, nhất là khi đường trơn trượt, đường có cát, sỏi đá, lá cây,…
“Vào chậm, ra nhanh” là quy tắc tất yếu mỗi khi vào cua. Theo đó, hãy giảm tốc mỗi khi vào cua, sau đó bạn có thể lấy lại vận tốc khi trở lại cung đường thẳng. Ngoài ra, hãy đánh lái đủ rộng để có được tầm nhìn rộng nhất nhằm phát hiện tối đa các chướng ngại vật hay phương tiện đi đối diện. Còi, tín hiệu báo rẽ là bộ phận hữu ích trong trường hợp này.
Trong video ở trên, chiếc ôtô đã bất ngờ chuyển từ làn phải sang làn trái - làn đường mà tay lái môtô đang di chuyển. Lý do có thể là chiếc môtô đã rơi vào điểm mù của lái xe ôtô. Vậy nên, hãy nhìn vào gương của lái xe ôtô. Nếu bạn thấy được lái xe thì lái xe cũng có thể thấy được bạn. Hãy cố gắng tránh những vị trí mà lái xe khác không thể thấy được bạn để giảm thiểu tối đa những tình huống ngoài mong muốn.
Ôtô đâm từ phía sau
Trong số những tình huống giao thông được liệt kê trong bài thì đây là tình huống khó có thể phòng tránh bởi nó vượt ra ngoài kiểm soát của chính lái xe môtô. Nhưng bạn vẫn có thể giảm thiểu được rủi ro nếu bật đèn báo phía sau, tránh các vị trí dừng lại ngay sau ôtô như ở trong clip trên, cố gắng tìm cho mình một điểm dừng lại thông thoáng và… quan sát phía sau để nhảy khỏi xe nếu kịp.
Tai nạn “dồn toa”
Tai nạn này thường xảy ra trong một đoàn xe cùng di chuyển trên đường. Nếu bất kỳ một xe nào bất ngờ giảm tốc hoặc dừng lại đột ngột sẽ khiến cho các đồng đội không kịp xử lý và đâm vào phía sau, kéo theo hàng loạt các tay lái đi phía dưới va chạm liên hoàn.
Lời khuyên đưa ra là hãy cố gắng thoát khỏi một làn đường có nhiều xe đi cùng một lúc nếu trên đường có đủ làn di chuyển. Nhưng quan trọng nhất là mỗi thành viên của đoàn xe cần phải ý thức được sự an toàn cho chính mình và các đồng đội.
Phanh trước đột ngột
Một con vật như chó băng qua đường, một người sang đường đột ngột hay thậm chí cảnh sát băng ra chặn đường có thể khiến bất kỳ tay lái nào “giật mình” và chỉ bóp phanh trước.
Hệ thống chống bó cứng phanh ABS có thể là cứu tinh trong những tình huống như thế này hoặc không, bạn cần phải là một tay lái có kinh nghiệm.
Ôtô mở cửa đột ngột
Không bao giờ nên đi vào làn đường mà một chiếc ôtô đang đỗ bởi rất có thể người trong xe sẽ mở cửa bước ra ngoài. Nếu người đó bất cẩn, không quan sát phía sau thì va chạm rất có thể xảy đến.
Hãy chắc chắn rằng bạn là một tay lái chịu khó quan tâm tới chiếc xe của mình, đặc biệt là lốp xe. Một chiếc lốp mòn, ít độ bám đường là một trong những thủ phạm chính gây nên những pha ngã xe đáng tiếc trên đường.
Cuối cùng là thủ phạm chính gây ra các vụ tai nạn giao thông : Uống rượu bia. Theo Hurt Report, chất có cồn là nguyên nhân của 50% số vụ tai nạn trên thế giới. Vậy nên, nếu đã uống rượu bia thì không lái xe và ngược lại.
Nguồn: xedoisong.vn
Có thể bạn quan tâm: