“Người đẹp Nhân ái” là chương trình truyền hình thực tế thuộc khuôn khổ cuộc thi hoa hậu việt nam 2016 đánh mạnh vào tính nhân văn và trách nhiệm của các người đẹp với cộng đồng, xã hội. Đến hiện tại, phần thi này ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng và truyền thông. Không chỉ là buổi giao lưu từ thiện mang tính hình thức, hành trình nhân ái theo chân các người đẹp còn tràn đầy những khoảnh khắc xúc động, chân thật mà họ phải tự thân vận động. Đó cũng là mục đích của chương trình nhằm tìm ra người thông minh, chủ động và truyền cảm hứng tốt nhất để trao quyền đi thẳng vào top 5 chung cuộc.
Thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2016 với các dự án nhân ái.
Các thí sinh đã có hành trình vất vả đến tận vùng sâu, xa xôi hẻo lánh ở những tỉnh như: Đắk Lắk, Thái Nguyên… hay những vùng hải đảo như: Lý Sơn, Côn Đảo… Các dự án của họ đều được công chúng ghi nhận một cách tích cực.
Từ trước đến nay, khán giả chỉ được đánh giá các người đẹp Hoa hậu Việt Nam qua những bức ảnh, khoảnh khắc catwalk trên sân khấu và nhiều câu nói quen thuộc như: "Em tên...", "Đến từ...". Tri thức, sự thông minh, lối ứng xử của các cô gái luôn là một ẩn số . Tuy nhiên, năm nay, khán giả có cơ hội tìm hiểu và tận mắt theo dõi hành trình của từng thí sinh từ những bước chuẩn bị ban đầu cho đến thành quả cuối cùng.
Trong số các dự án nhân ái, được chú ý hơn cả là các dự án của các người đẹp Đào Thị Hà, Phùng Bảo Ngọc Vân, Ngô Thanh Thanh Tú, Trần Thị Thu Hiền, Phùng Lan Hương, Trần Thuỳ Trang và cả Lê Trần Ngọc Trân - cô Hoa khôi Du lịch Huế vừa chia tay cuộc thi.
Đào Thị Hà
Trần Thị Thu Hiền
Khó đoán được dự án nào sẽ giành chiến thắng, tuy nhiên, điều chắc chắn họ làm được đó là thay đổi quan niệm của nhiều người về những "bình hoa di động", chỉ biết mặc đẹp và vẫy tay chào trước ống kính.
Có thể với nhiều người, “Người đẹp Nhân ái” chỉ là một chương trình tìm kiếm người vào Top 5 Hoa hậu Việt Nam, nhưng với những người đã trải qua hành trình này, đây là những trải nghiệm vô cùng quý giá của tuổi thanh xuân, giúp họ suy nghĩ và khát khao làm những điều tốt đẹp cho xã hội, kể cả khi có chạm đến ngôi vị Hoa hậu cao quý hay không.
Hội đồng bình luận với những cái tên uy tín như: Chi Bảo, Trác Thuý Miêu, Xuân Bắc, Trấn Thành... ra đời với nhiệm vụ đồng hành cùng các thí sinh xuyên suốt chương trình trong vai trò vừa bào chữa vừa phản biện. Họ không tiếc lời khen ngợi sự thông minh, khéo léo của các người đẹp nhưng cũng không ngại tranh cãi để chỉ ra những yếu kém để các thí sinh tiếp tục hoàn thiện.
Nhà báo Trác Thúy Miêu chia sẻ: “Dự án mang lại ý nghĩa tích cực, rất cụ thể. Người dân nơi có dự án đến được thụ hưởng thành quả. Thí sinh học được nhiều điều từ những miền đất và con người mà mình đã vất vả đặt chân đến, có thêm trải nghiệm, mở rộng trái tim và đánh thức lòng nhân ái trong mỗi người mới là điều quan trọng”. Còn Á hậu Huyền My cho rằng: "Cách làm truyền hình thực tế được áp dụng trong Người đẹp Nhân ái năm nay tạo động lực cho các bạn chứng minh trí tuệ, sự chủ động, hoạt ngôn và tấm lòng đẹp trước giám khảo. Đây là cơ sở tốt để tìm ra người xứng đáng đăng quang".
“Chính ý nghĩa nhân văn của phần thi này đã chạm đến trái tim công chúng, làm thay đổi nhận thức của họ về những cuộc thi hoa hậu, lâu nay chỉ được xem là cuộc tuyển lựa người đẹp có hình thể nóng bỏng và những câu trả lời ứng xử đến mức ngây ngô, nhàm chán” - một người trong giới bình luận.