Đêm chung kết The Face Vietnam 2016 đã khép lại với chiến thắng thuộc về thí sinh Phí Phương Anh đội Hồ Ngọc Hà. Cái kết này tạm làm hài lòng khán giả bởi Phí Phương Anh xét về tố chất hay tiềm năng đều có thể đáp ứng tiêu chí mà chương trình cũng như nhà tài trợ đưa ra. Sau đêm chung kết, ngoài vị trí quán quân thì chắc chắn khán giả vẫn còn ấn tượng với rất nhiều điều về The Face Vietnam mùa giải đầu tiên. Trong đó, trái với những hứa hẹn mà chương trình giới thiệu, đêm chung kết The Face Vietnam 2016 lại chứa đầy “sạn” khó nuốt trôi.
Quán quân The Face Vietnam 2016 Phí Phương Anh
Phá hỏng toàn bộ format chuẩn của The Face
Ngay từ đầu mùa giải, việc đưa ra phần “Sự hiện diện cuối cùng” nhờ bình chọn của khán giả của, The Face Vietnam đã vấp phải những ý kiến trái chiều từ dư luận, đặc biệt với người hâm mộ bản gốc The Face. Nhưng không thể phủ nhận, chính nhờ luật chơi mới toanh này mà Mai Ngô mới có cơ hội quay lại tranh tài đêm chung kết đúng như kì vọng, mong muốn của khán giả.
Với format gốc và các phiên bản The Face quốc tế khác, vòng chung kết vẫn diễn ra như những tập thông thường với các thử thách: catwalk, chụp ảnh, quay TVC quảng cáo cho nhãn hàng. Quyết định cuối cùng thuộc về đại diện nhãn hàng, điều này hoàn toàn hợp lí với quy trình chọn gương mặt đại diện cho một thương hiệu.
Tuy nhiên, The Face Vietnam lại phá cách khi mang những thử thách khó hiểu như: chụp hình selfie, trả lời ứng xử và khiêu vũ thể thao, thậm chí, chúng không liên quan đến chuyên môn của một người mẫu quảng cáo.
Ngoài ra, kết quả cuối cùng đều do bình chọn của khán giả quyết định và không hề có những nhận xét mang tính chuyên môn. Trong phần bình chọn đêm chung kết, một bộ phận khán giả “tố” ban tổ chức không công bằng khi việc ủng hộ Mai Ngô liên tục gặp sự cố. Bấy nhiêu đủ để thấy được những hệ lụy trong việc phá bỏ format căn bản của The Face Vietnam 2016.
Dàn dựng lộ liễu
Trong phần thử thách đầu tiên chụp ảnh selfie theo yêu cầu từ nhãn hàng, một chi tiết bất hợp lí đã bị “soi” cho thấy ban tổ chức The Face dàn dựng, lừa dối khán giả.
Trên sân khấu, Chúng Huyền Thanh chọn kiểu tóc thắt bím, uốn xoăn cầu kì nhưng hình ảnh được trình chiếu lại là mái tóc suôn mượt, chẻ ngôi giữa. Ngoài ra, chiếc quần trắng của Vĩnh Thụy cũng biến thành màu đen một cách kì lạ, khó hiểu.
Quảng cáo quá mức cho nhà tài trợ, công ty sản xuất The Face
Trong suốt đêm chung kết, tên nhà tài trợ chính và những tính năng của chiếc điện thoại liên tục được lặp lại khiến người xem cảm thấy vô cùng khó chịu. Có ý kiến còn cho rằng, đêm chung kết The Face Vietnam 2016 nên đổi tên thành “… by night” hay “liveshow …”. Tính chuyên môn chính vì thế cũng bị mờ nhạt hẳn và chương trình được hàng triệu người kì vọng trở thành một chương trình quảng cáo lộ liễu, vô duyên.
Trong các phần thi, chiếc điện thoại, tính năng cũng như tên nhãn hàng liên tục xuất hiện.
Không chỉ thế, đêm chung kết của một sân chơi về nghề mẫu đã bị biến thành đêm diễn tạp kĩ với hàng loạt tiết mục ca hát, nhảy múa chiếm một khoảng thời gian lớn. Trong khi đó, kĩ năng catwalk hay chụp ảnh của thí sinh chỉ được thực hiện trong chớp nhoáng, đôi khi khán giả còn chưa nhìn rõ mặt và phần trình diễn.
Hàng loạt chương trình cùng thuộc công ty sản xuất The Face liên tục được mang lên và quảng bá như: The X-Factor, The Voice, The Remix hay Bước nhảy hoàn vũ mà không hề liên quan đến tính chất của The Face.
Vai trò host của Vĩnh Thụy ở đâu?
Trong format gốc và các phiên bản The Face trên thế giới, host giữ vai trò khá quan trọng và đôi khi có sự tác động đến kết quả cuối cùng qua những phân tích mang tính chuyên môn.
Nhưng vị trí host của The Face Vietnam lại vô cùng mờ nhạt đến khó hiểu từ đầu mùa giải. Không những thế, trong đêm chung kết, Thành Trung và Gil Lê lại giữ vai trò MC, Vĩnh Thụy chỉ xuất hiện như một vị khách mời qua loa. Vậy liệu có phải sự tham gia của Vĩnh Thụy vốn chỉ để “làm đẹp”, tương xứng với 3 huấn luyện viên của The Face Vietnam 2016?
Ứng xử, phần thi được xem là thừa thãi nhất!
Không thể phủ nhận, khi trở thành đại sứ cho một thương hiệu thì việc nói, thuyết minh trước đám đông là kĩ năng cần thiết. Nhưng với thời lượng diễn ra đêm chung kết có hạn thì thời gian đó đáng sử dụng vào việc tăng cường kĩ năng chụp ảnh hay catwalk của thí sinh để có được sự đánh giá toàn diện hơn về chuyên môn. Điều đáng nói ở đây, phần ứng xử này còn khó hơn cả các cuộc thi hoa hậu và cũng không rõ mục đích cuối cùng là gì.
Cũng như nhiều cuộc thi có phần hỏi đáp, ứng xử, The Face Vietnam được cho là câu hỏi không được đảm bảo về tính bảo mật nên việc các thí sinh đã biết trước là điều không có gì không thể. Vấn đề là ai "thuộc bài" hơn ai để hoàn thành tốt hơn mà thôi.
Top 4 trong phần thi ứng xử
Những “hạt sạn” về mặt kĩ thuật, hậu trường
Có thể nói, phần quay dựng của ê-kíp The Face Vietnam đã khiến chương trình “rẻ” hơn rất nhiều. Sân khấu đêm chung kết cũng không lung linh như kì vọng, trong đó, phần sàn diễn nối dài có diện tích hạn chế khiến các thí sinh ít nhiều gặp khó khăn trong lúc trình diễn.
Ngoài việc sai tên thí sinh Lilly Nguyễn trên màn LED khi giới thiệu thí sinh hay chạy chữ không đúng ý nghĩa, thông điệp trong phần thi của Khánh Ngân, ở một số góc quay, chương trình còn vô tư để lọt người lạ đi qua màn ảnh.
Áp lực của truyền hình trực tiếp không hề nhỏ và chưa ai dám phủ nhận điều này. Tuy nhiên, với quá nhiều lỗi, thậm chí không đáng xảy ra trong đêm chung kết đã khiến phiên bản Việt mất điểm trầm trọng.
Ảnh: Lê Huy