Phố thị ồn ào xô bồ, phố thị kẹt xe, ô nhiễm và hàng tá những áp lực vô hình. Ai ai cũng muốn chen chân vào thành phố để mưu sinh, để tìm cơ hội phát triển, nhưng sau nhiều năm lăn lộn ở thị thành không ít người thật sự cảm thấy mệt mỏi muốn về quê. Về quê để tĩnh tâm lại, để tìm chốn bình yên và những phút giây thư thái thật sự của cuộc sống. Dù vậy, để bỏ phố về quê là cả một quá trình không hề dễ dàng như nhiều người vẫn tưởng. Để thật sự tận hưởng được sự thảnh thơi vốn có, chúng ta cần có sự kiên nhẫn và chuẩn bị kĩ lưỡng cả về tinh thần lẫn vật chất.
Câu chuyện “bỏ phố về quê’’ của đôi vợ chồng trung niên anh Hưng – chị Hằng hẳn sẽ giúp nhiều người tìm được cảm hứng mới mẻ của cuộc sống cũng như có thêm nhiều kinh nghiệm khi muốn thay đổi môi trường sống từ phố thị nhộn nhịp về vùng quê yên ả.
Chị Hằng và anh Hưng tận hưởng cuộc sống hòa mình với thiên nhiên
Làm nông nghiệp là thay đổi cách sống chứ không phải thay đổi cách kiếm tiền
Gia đình mình bỏ phố ra ngoại ô lúc hai vợ chồng hơn 40 tuổi đến nay đã gần 10 năm. Các con nhà mình đã trưởng thành hiện đang làm việc trong thành phố. Trước khi là nông dân mình có hỏi anh xã nếu làm nông trại thì anh có bỏ việc không? Làm nông mà không tham gia trực tiếp thì khó thành công lắm. Anh xã có nói nên bắt đầu khi còn sung sức, chờ về hưu mới chăm vườn thì lúc đó chỉ ngồi chơi chứ làm sao được. Thế là hai vợ chồng rời thành phố về quê trở thành nông dân thực thụ khi đang ở độ tuổi trung niên.
Khu vườn nhà chị Hằng đẹp như một bức tranh
Trước đây anh xã mình làm trong lĩnh vực ô tô có tham gia câu lạc bộ xe bán tải, thường đi phượt ở các cung đường vùng cao phía Bắc, đến những thôn bản mà nhiều phương tiện không vào được để làm từ thiện, có lẽ đó là một trong những lý do mà sự náo nhiệt trong thành phố không níu chân được nhà mình.
Mình nhận ra khi trở về làm nông nghiệp là thay đổi cách sống chứ không phải thay đổi cách kiếm tiền, vì nếu là thay đổi cách kiếm tiền thì nông dân đã giàu từ lâu rồi. Một góc độ khác khi làm vườn thuận tự nhiên, quan sát cây cối nương tựa vào nhau tự sinh tồn thì mình nhận ra mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân của nó. Cổ ngữ Ấn Độ có câu “trong hàng triệu hạt mưa rơi, không có hạt nào rơi nhầm chỗ”, nên trong cuộc sống đón nhận mọi việc xảy ra với tâm thái bình hòa, làm việc gì cũng nghĩ cho người khác trước.
Khu vườn rộng lớn 2 hecta tuần hoàn năng lượng tự nhiên
Bạn bè đến nhà mình chơi từng chia sẻ vườn nhà anh chị không phải là vườn nhà để ở vì nó quá rộng cho một gia đình, mà cũng không phải resort, mà nó là vẻ đẹp khó diễn tả từ cảnh quan hài hòa đến cảm xúc thoải mái dễ chịu khi bước vào.
Vườn nhà mình làm theo nông nghiệp tự nhiên, nên ưu tiên cây bản địa và trồng từ hạt. Mình lên danh sách nhiều loại cây phân bố theo nhiều tầng tán như thực vật rừng, các loại cây nương tựa vào nhau tự sinh tồn mà ít tốn công chăm sóc.
Nông sản sạch từ khu vườn xanh ngát.
Mình tôn trọng địa hình tự nhiên, chỉ san ủi nhẹ đường đi lối lại trong khu để thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hoạch. Khi thiết kế vườn có 4 yếu tố mình chú trọng:
-Kiến trúc là nhà, sân vườn, lối đi, hàng rào… Các yếu tố này kết nối con người với thiên nhiên, đồng thời cung cấp không gian yên tĩnh để chiêm nghiệm.
- Thực vật: Những cây cối màu sắc, giàu sức sống là hệ thực vật của khu vườn. Nó chịu trách nhiệm về vẻ đẹp thay đổi theo mùa cho khu vườn. Hệ sinh thái thực vật truyền cảm hứng cho sự thư thái, niềm tin và khả năng phục hồi. Hình dáng, màu sắc, kết cấu và hương thơm, giúp tăng cường bầu không khí thư giãn. Sự xào xạc của lá cây trong gió, hay tiếng mưa rơi thánh thót nơi kẽ lá…tất cả được lựa chọn để tạo hiệu ứng âm thanh cho khu vườn.
- Đá tượng trưng cho sức mạnh và sự ổn định; nó mang lại cho con người một cảm giác vững chắc về vị trí.
- Nước: Đặc biệt là nước chuyển động, nó tượng trưng cho hơi thở của sự sống và kích thích tâm trí khám phá. Nước thường ở vị trí trung tâm của khu vườn, dưới dạng thác và hồ ao.
Những sản phẩm nông nghiệp xinh đẹp.
Quan sát rừng tự nhiên bạn sẽ thấy không ai chăm sóc gì mà chúng phát triển xanh tốt quanh năm, nó dựa trên nguyên lý những cây to hút dưỡng chất sâu trong lòng đất, nuôi cành nuôi lá. Cành lá già rụng xuống làm mùn cho những cây tầng mặt (mang dưỡng chất sâu trong lòng đất lên tầng mặt). Các cây tầng mặt đảm nhiệm giữ ẩm cho đất, tạo môi trường cho các loại côn trùng giun, dế… phát triển làm thông thoáng đất và cung cấp mùn dưỡng chất cho cây. Một vòng tuần hoàn năng lượng hoàn hảo. Dựa trên nguyên lý tự nhiên đó vườn nhà mình rất ít chăm sóc mà cây xanh tốt quanh năm.
Bỏ phố về vườn chưa bao giờ là điều dễ dàng
Khi chuyển sang làm nông là một thay đổi lớn với nhà mình, thay đổi nơi sinh sống từ chỗ phồn hoa đô thị sang vùng bán sơn địa tĩnh mịch, từ văn hóa người Kinh sang văn hóa bản Mường, từ chỗ đang được trả lương sang đi trả lương, từ lao động trí thức sang làm lao động chân tay.
Lúc đầu nhà mình chưa quen đâu, hai vợ chồng bảo nhau mình làm thử 6 tháng nếu không thấy phù hợp thì sẽ quay về thành phố. Khi đã vượt qua mốc thời gian đó thì nhà mình không muốn về lại thành phố nữa. Những khó khăn cũng bắt đầu từ đây.
Thời điểm đó một mình nhà mình ở hẳn nên các dịch vụ hầu như chưa có, anh xã từ chỗ không biết làm gì thì bây giờ sửa điện, nước, cắt cỏ… làm tuốt kiểu “Không có mèo thì chó cũng phải bắt chuột”. Cả vườn cam canh nhà mình hỏng hết, do vườn làm theo phương pháp tự nhiên mà cây cam canh mua về là cây công nghiệp chiết ghép, nó không tự sinh tồn được đã bị đào thải, chưa có nguồn thu từ nông nghiệp mà tiền đã cạn bước tiếp thế nào đây…
Vợ chồng chị Hằng tận hưởng bình yên vùng quê suốt 10 năm qua
Hai vợ chồng mình hay đọc sách, dần dần ngộ phải thay đổi cách sống. Trải qua gần 10 năm sóng gió thất bại, nhưng chưa bao giờ nhà mình nản, những gì cần làm đều phải làm cho tốt còn tốt hơn nữa. Bắt tay vào thay đổi vườn cam canh đã hỏng thành vườn rừng trồng nhiều loại cây từ hạt và cây bản địa, đến nay cây cối tự sinh tồn, tươi tốt đầy sức sống mà không dùng bất cứ phân bón hóa học, thuốc trừ sâu nào.
Những bạn trẻ muốn về vườn cần cân nhắc thật kĩ và chuẩn bị chu đáo mọi thứ. Mình không dám đưa ra bất kì lời khuyên nào cho việc “bỏ phố về vườn” vì ai cũng có những vấn đề riêng. Trong cuộc sống nhà mình đã ngộ ra ngoài quy luật nhân quả thì lý tương sinh tương khắc của vũ trụ luôn song hành: Có giàu thì có nghèo, có tốt thì có xấu, có vui thì có buồn, có vất vả thì có thành công… Nếu không có vất vả, gian nan thì sẽ không có cảm giác vui mừng, hạnh phúc khi đạt được và cuộc sống sẽ rất tẻ nhạt.
Khi gặp khó khăn, trở ngại là những thử thách trong cuộc đời mà bạn cần phải trải qua, nó không là điều xấu, nó cho bạn trưởng thành hơn, vững vàng hơn trong cuộc sống. Chỉ có điều là khi làm việc gì thì nên nghĩ cho người khác trước, như vậy mình sẽ ít phải hối tiếc và hạnh phúc hơn.
Nguồn: