Rất nhiều các bà nội trợ thường ít khi để ý vệ sinh vòi hoa sen , bồn tắm của mình. Tuy nhiên, nếu không được vệ sinh cẩn thận, vòi sen rất dễ bị đóng cặn làm tia nước chảy ra không đều. Tệ hơn nữa, vi khuẩn phát triển ở đầu ống, bồn tắm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ra các bệnh ngoài da.
1. Vệ sinh đầu vòi sen
Bọc đầu vòi nước tắm của bạn với một túi giấm và buộc chặt bằng dây cao su. Hãy để ngâm qua đêm và bạn sẽ có một đầu vòi sen sạch cặn mà không phải mất công chà bằng bàn chải.
2. Vệ sinh rèm cửa nhà tắm
Ngâm các loại rèm tắm của bạn trong một bồn tắm đầy nước muối trong một vài giờ. Sau đó, giặt lại với nước sạch, phơi nắng để cho nó khô trước khi treo lại. Muối là một chất hóa học rẻ tiền mà hiệu quả để chống nấm mốc.
3. Vệ sinh sàn nhà tắm
Để lau sạch sàn nhà tắm, bạn có thể hoà tan ba thìa baking soda với hai lít nước nóng, thêm nửa cốc giấm trắng. Lau sàn với khăn sạch bằng hỗn hợp này. Nếu các kẽ hở ở tường bị bẩn, bạn có thể dùng bàn chải cũ để chà sạch chỗ bẩn rồi lau sạch lại bằng khăn khô.
4. Vệ sinh bồn cầu
Thay vì dùng chất tẩy rửa độc hại, bạn hãy đổ một cốc giấm ăn và một thìa to bột baking soda vào bồn cầu và để nó “sôi” trong 30 phút. Sau đó, dùng cọ chà sạch mọi ngóc ngách bên trong bồn cầu.
5. Vệ sinh bồn rửa mặt
Trộn hỗn hợp 2 thìa to bột baking soda, một ít nước rửa bát, 1 cốc nước và 1/2 cốc giấm ăn. Hỗn hợp này dùng để đánh bay nấm mốc, vết cặn vôi và cặn xà phòng xung quanh và bên trong bồn rửa mặt.
6. Vệ sinh gương soi
Để làm sạch gương phòng tắm - đầy những vết bám bẩm, vết nước cáu lại, bạn chỉ cần dùng bọt cạo râu. Bôi chúng lên chiếc gương rồi dùng dùng giẻ mềm lau sạch. Sau đó, bạn có thể lau lại với nước và khăn khô.
7. Vệ sinh thảm chùi chân
Thảm chùi chân trong phòng tắm khá khó vệ sinh vì nhiều lúc chưa kịp khô đã lại dính ẩm. Bạn không cần giặt thảm chùi chân trong phòng tắm mỗi ngày sau khi tắm xong. Hãy rắc một ít bột baking soda lên tấm thảm. Bột baking soda có tác dụng khử vùi, khử khuẩn tốt. Sau một tiếng hãy giũ sạch.