Khu vực Bắc Âu bao gồm Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Iceland, nổi tiếng với lòng nhân ái, chất lượng sống cao và sự giá lạnh. Bắc Âu còn được biết tới với phong cách thiết kế nội thất tối giản, thông minh và thanh lịch. Đồ gỗ teak của đan mạch , sản phẩm dệt và thủy tinh của Thụy Điển, men sứ Na Uy hay những đồ dùng hình khối phần lan được cả châu Âu ưa thích.
Có nhiều cách giải thích về các yếu tố định hình nên phong cách thiết kế Bắc Âu. Trong lịch sử, khu vực này thường có các cuộc giao chiến dẫn tới sự trao đổi qua lại của các vùng đất. Bởi vậy, giữa các nước có sự giao thoa, tương đồng về văn hóa, thiết kế. Lịch sử còn ghi lại rằng trong chiến tranh thế giới thứ hai, nghệ sĩ, nhà thiết kế ở các nước Bắc Âu bị dồn đến Thụy Điển. Những tên tuổi như Arne Jacobsen, Poul Henningsen, Jorn Utzon (Đan Mạch), Arne Korsmo và vợ là Grete Prytz Kittelsen (Na Uy)… có dịp gặp gỡ, cùng sáng tác. Chính điều này tạo nên tính đồng nhất của các thiết kế ở năm nước.
Sau đó, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đến Bắc Âu chậm hơn lục địa châu Âu nên các thiết kế của khu vực này vẫn gắn liền với thiên nhiên, thể hiện trong chất liệu và kiểu dáng.
Thêm một yếu tố chính trị nữa ảnh hưởng đến phong cách Bắc Âu là nền dân chủ. Tính phi giai cấp rõ nét trong các thiết kế: thanh lịch nhưng không quá nhấn vào vẻ xa hoa. Các sản phẩm phù hợp với cả một biệt thự lộng lẫy lẫn căn hộ của người trẻ mới bắt đầu sự nghiệp.
Một trong những hãng đồ nội thất được ưa chuộng hàng đầu thế giới là Ikea thể hiện rõ tính cách người Bắc Âu, giản dị nhưng thực tế. Ở các đất nước có mùa đông dài và lạnh lẽo, ánh sáng của những chiếc đèn cùng những món đồ nội thất sáng màu đã khiến không gian sống của người dân tươi sáng hơn.
Người ta còn kể rằng, Ingvar Kamprad, người sáng lập Ikea ra đời ở Smalan, vùng đất rất khô cằn. Bởi vậy, những con người ở đây nổi tiếng thông minh bởi họ phải tìm ra nhiều cách để kiếm sống. Có lẽ vì thế mà đồ Ikea rất thông minh. Một món đồ đơn giản được tích hợp nhiều chức năng, dễ sử dụng và tiết kiệm tối đa.
1. Chiếc kéo có tay cầm bất đối xứng
Những chiếc kéo khiến người dùng không bị đau tay do có tay cầm nhựa đặc biệt. Đó là sản phẩm của Olof Backstrom, nhà thiết kế làm cho hãng dao kéo Fiskars. Công ty của Phần Lan thành lập từ thế kỷ 17, nổi tiếng với các sản phẩm kéo, rìu và dao, cưa.
2. Chiếc ghế Panton
Chiếc ghế đúc nguyên chiếc uốn hình chữ S mang tên của nhà thiết kế người Đan Mạch, Verner Panton. Chiếc ghế ra đời vào những năm 1960 này được coi là dấu ấn nghệ thuật phản ánh bối cảnh lịch sử thời kỳ đó. Thiết kế vừa mang dáng hình tương lai của kỷ nguyên Không gian - cách lịch sử gọi những năm 1960, khi Nga và Mỹ bắt đầu những chuyến thám hiểm mặt trăng, vừa mang đậm phong cách Pop Art.
Chiếc ghế Panton càng trở nên nổi tiếng khi các tạp chí chọn làm đạo cụ chụp hình. Năm 1995, nó xuất hiện trong bức hình khỏa thân của siêu mẫu Kate Moss trên trang bìa của tạp chí Vogue.
3. Lọ hoa Savoy
Những lọ hoa biến dạng chính là thiết kế kinh điển của Bắc Âu. Lọ hoa bất đối xứng mang tên Savoy được tạo ra bởi nhà thiết kế người Phần Lan, Alvar Aalto, năm 1936. Lọ hoa được lấy cảm hứng từ chiếc váy của phụ nữ Sami, nhóm người sống trên vùng băng tuyết, lạnh giá nhất ở Bắc Âu.
Alvar gửi thiết kế lọ hoa này cùng một mẫu làm thử đến cuộc thi vào làm ở xưởng thủy tinh. Bởi vậy, dù rất nhiều lọ Savoy được bán ra nhưng Alvar không kiếm được một đồng nào bởi bản quyền thiết kế thuộc về xưởng thủy tinh.
4. Tủ ngăn kéo không tay Snow
Mẫu tủ nhiều ngăn kéo mang tên Tuyết (Snow) của Thomas Sandell và Jonas Bohlin, hai nhà thiết kế người Thuỵ Điển. Thiết kế này được hãng Asplund, hãng nội thất cao cấp của Thụy Điển, sản xuất. Chiếc tủ có thiết kế tối giản với tay kéo là khoảng khoét ra mềm mại, vừa với tay người dùng.
5. Trái táo của Orrefors
Tác phẩm của Ingeborg Lundin đã giúp cho hãng Orrefors trở thành biểu tượng tiêu biểu của phong cách Bắc Âu. Chiếc lọ được làm bằng chất liệu pha lê siêu mỏng, trong vắt. Lớp thủy tinh màu xanh nhạt nằm bên trong lớp pha lê trong suốt. Chính vì thế, lớp màu trông vừa gần lại vừa xa.
"Trái táo" được sản xuất liên tục từ năm 1955 cho đến năm 1980 nhưng chúng luôn khác nhau do được làm thủ công. Chính vì thế, nhiều người không tiếc tiền khi bỏ ra hàng nghìn Euro để sở hữu chúng.
6. Chụp đèn Atiso
Một ví dụ thể hiện sự gần gũi với thiên nhiên của các thiết kế Bắc Âu chính là chụp đèn hình Atiso. Nhà thiết kế người Đan Mạch, Poul Henningsen, sáng tạo ra sản phẩm này năm 1958. Các lá thép được sắp xếp khéo léo xung quanh bóng đèn ở giữa. Chụp đèn vừa có tính thẩm mỹ, vừa khuếch tán được ánh sáng.
7. Chân nến đèn lồng
Đây là tác phẩm của nhà thiết kế người Phần Lan, Harri Koskinen, lấy cảm hứng từ chiếc đèn lồng. Ánh sáng phản chiếu vào thủy tinh tạo những tia sáng lấp lánh. Thiết kế này sau được cải tiến thêm bóng đèn để biến thành đèn bàn.
Travelling Kat