Ngày cưới được xem là một trong những ngày trọng đại nhất của đời người. Vào ngày này, gia đình cô dâu chú rể thường chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ cỗ bàn, rạp cưới và đặc biệt là chiếc cổng cưới, vì mọi người cho rằng đây là bộ mặt của gia chủ.
Trong những năm gần đây, những chiếc cổng cưới miền Tây được trang hoàng rực rỡ từ vật liệu “cây nhà lá vườn” như trái cau, quả ớt, lá dừa,… đang rất thịnh hành. Và anh Võ Văn Tâm (sống ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) là một trong những người sáng tạo ra chiếc cổng cưới độc lạ như vậy.
Anh Võ Văn Tâm một trong những người sáng tạo ra chiếc cổng cưới miền Tây.
Chia sẻ với VietNamNet, anh Tâm cho biết anh vốn học nghề may. Năm 2015, anh được bạn nhờ hỗ trợ làm cổng cưới. Chiếc cổng cưới do anh Tâm và nhóm bạn làm ra được nhiều người khen ngợi, nên từ đó anh mới bắt đầu bén duyên với nghề làm cổng cưới cho đến nay.
Sau một quãng thời gian tìm tòi, tích lũy kinh nghiệm và sáng tạo, đến nay anh chàng 8X đã có hàng trăm mẫu cổng cưới. Song, hai mẫu cổng được cô dâu chú rể chọn nhiều nhất là cổng rồng phụng và cổng lá dừa.
Một mẫu cổng cưới rồng phụng.
Một mẫu cổng cưới lá dứa.
Theo anh Tâm, làm cổng cưới rất kỳ công, phải trải qua nhiều công đoạn như đi chặt dừa nước để lấy thân làm khung, tạo hình khung sườn bằng xốp để kết hoa, quả,… Với cổng lá dừa, anh Tâm kết từ lá dừa nước và dừa xiêm.
Với cổng rồng phụng, anh dùng những vật liệu tự nhiên ở quê như trái câu, tỏi, ớt, đậu bắp,… Để làm hình đầu rồng, anh phải dùng khung bằng tre, tạo hình con rồng bằng xốp rồi dùng đinh nhỏ để đính các loại trái cây và hoa vào. Trên thân rồng, anh dùng những trái cau xếp sát vào nhau để làm vảy, dùng ớt làm vây lưng, lá dứa làm bờm, đậu que làm viền đôi mắt và miệng, củ tỏi bóc vỏ làm răng.
Để tạo hình cho rồng và chim phụng, anh Tâm phải tốn rất nhiều công sức và nguyên liệu.
Trong khi đó, hình chim phụng được làm từ 2 nguyên liệu chính là ớt đỏ và hoa cúc vàng. Đôi cánh và đuôi chim xòe lớn dùng lá dứa để tạo hình. Ngoài ra, anh cũng sử dụng thêm mô tơ để đầu rồng phụng có thể cử động, nếu khách yêu cầu.
Trước đây, anh chủ yếu làm việc ở miền Tây nhưng giờ đây chiếc cổng cưới vừa đẹp vừa lạ này đã mở rộng khắp cả nước. “Tôi đi khắp nước từ Bắc tới Nam để làm cổng cưới. Trước đây là Bình Phước, Đà Lạt, Vũng Tàu… Nói chung là nhiều quá, mình đếm không xuể. Gần đây là Sóc Trăng, Bắc Giang, Hải Dương và chuẩn bị đi Phú Thọ. Các tỉnh trải dài từ Bắc tới Nam và đơn đặt hàng tăng nhanh”, anh Tâm chia sẻ với Thể Thao & Văn Hóa.
Anh Tâm cho biết, có những lúc "cao điểm" như dịp gần Tết, anh phải vận động gần 50 người để làm cổng cưới xuyên đêm.
Dẫu vậy, việc mang cổng cưới miền Tây tới các tỉnh trên khắp cả nước chưa bao giờ là điều dễ dàng. Vì vậy, có những loại hoa quả đặc trưng ở miền Tây, anh phải chuẩn bị ở nhà rồi đóng lạnh và gửi máy bay vận chuyển. Quãng đường đi các tỉnh dài nên quá trình này càng khó khăn hơn, giá vận chuyển vì đó mà tăng lên rất nhiều.
Anh Tâm cho biết, tùy vào từng mẫu cổng và tỉnh xa gần mà giá mỗi chiếc cổng dao động từ 1-20 triệu đồng. Khách hàng chỉ cần đặt và chọn mẫu, còn nguyên liệu anh Tâm sẽ tự tìm mua. Nhưng với các tỉnh ở xa, vì vận chuyển mất nhiều công sức và chi phí nên mức giá làm cổng thường tăng gấp 2-3 lần so với miền Tây. Tuy nhiên, vì yêu thích cổng cưới độc lạ mà đơn đặt hàng vẫn dày đặc.
Đám cưới của Mạc Văn Khoa cũng sử dụng chiếc cổng cưới miền Tây.
Mặc dù có lúc phải làm việc quần quật, hầu như không có thời gian nghỉ ngơi và lúc nào cũng trong trạng thái di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác nhưng anh Tâm vẫn cố gắng hết sức, bởi anh tâm niệm điều quan trọng là sự hài lòng của khách hàng. Hơn nữa, hiện anh Tâm đang tạo ra công việc cho nhiều bạn trẻ, nên nếu anh dừng lại thì anh sẽ không có việc làm khiến thu nhập bị ảnh hưởng.
Hiện tại, anh Tâm chỉ mong rằng cổng cưới miền Tây sẽ được lan tỏa, được mọi người yêu thích và đánh giá cao. Với anh, điều quan trọng nhất chính là cái tâm làm nghề còn tiền bạc sẽ xếp sau.