Khi nhà có ban công, có người thích trồng một vài chậu hoa, cây cảnh để tô điểm thêm cho căn nhà. Có người thích trồng vài chậu rau để phục vụ những bữa cơm gia đình, nhưng có người lại thích trồng cây cho quả. Chẳng hạn như chị Dung ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã chọn trồng dưa hấu.
Những quả dưa hấu mini chen chúc trong chậu trông rất thích mắt.
“Từ nhỏ tôi đã theo bố mẹ ra đồng trồng rau nên cũng học hỏi được chút ít kinh nghiệm. Sau này khi có nhà riêng, tôi cũng bắt đầu trồng rau trên ban công. Lần này tôi chọn trồng dưa hấu vì tôi thích ăn dưa hấu”, cô nàng 9X chia sẻ.
Chị Dung cho biết, trồng dưa hấu khá đơn giản. Chị mua hạt giống dưa hấu vào đầu mùa xuân. Chị không thích những quả dưa hấu quá lớn, vì chỉ sống một mình, cất tủ lạnh cũng không được ngon nên chị trồng giống dưa hấu cho quả nhỏ, mỗi ngày ăn một quả là vừa.
Chị gieo hạt dưa hấu trong khay nhựa, đất trồng là đất dinh dưỡng mua sẵn, loại đất này chủ yếu có nhiều mùn trộn với một ít đất vườn, cát.
Ngoài ra, khi trồng dưa hấu, 9X còn bón thêm phân bánh mè lên men vào đất, vì chị cho rằng phân bánh mè là phân hữu cơ, ngoài kết cấu nhẹ, không dễ gây cháy rễ cây còn có thể giúp đất tơi xốp, thoáng khí và thoát nước tốt hơn, thuận lợi cho sự phát triển của dưa hấu.
Sau khi gieo hạt dưa hấu vào đất, chị tưới nước cho cây rồi phủ màng nhựa lên trên. Bởi mùa xuân thời tiết vẫn còn lạnh, nhiệt độ quá thấp dễ khiến hạt dưa hấu bị thối, khó nảy mầm. Việc bọc màng nhựa không chỉ có giúp ổn định nhiệt độ mà còn có tác dụng giữ ẩm.
Khi hạt dưa hấu nảy mầm, có 2-3 lá, chị đục lỗ trên màng nhựa dần dần để thông gió, cho cây tập làm quen với môi trường. “Không thể bóc hết lớp màng nhựa/nilong ngay được, vì cây con quá yếu, dễ bị cháy nắng lắm”, chị Dung chia sẻ.
Khi cây dưa hấu mọc được 3 lá, chị Dung cấy cây con vào chậu hoa lớn hơn. Ngoài dùng đất giống như lúc gieo hạt, chị Dung có cho thêm cát vào chậu, đồng thời bón thêm phân bánh mè lên men vào đất để cây con phát triển nhanh hơn. Sau khi “chuyển nhà” cho cây con, tưới nước rồi đặt chậu ở nơi có nắng.
Khi cây dài khoảng 10 – 15cm cần làm giàn cho cây, bởi đây là loại cây thân leo, nấu để dây dưa hấu bò khắp nơi không những ảnh hưởng đến việc đi lại mà còn không đẹp mắt.
Việc làm giàn khá đơn giản, 9X buộc vài sợi dây vào lan can để dây dưa hấu có thể leo lên. Ngoài ra, chị còn chuẩn bị một số chậu hoa cỡ nhỏ để đựng dưa hấu khi cây ra quả.
Về cách chăm sóc, chị tưới nước thường xuyên cho cây, nhất là trong giai đoạn dưa hấu đang phát triển. Một khi đất quá khô, cành rất dễ bị khô héo.
Ngay cả khi cây lớn hơn, cây cũng cần được tưới nước thường xuyên. Nên tưới khi thấy đất khô, tưới vào buổi sáng hoặc chiều mát, tuyệt đối không tưới nước vào buổi trưa.
Về bón phân, chị Dung muốn dưa hấu ăn ngọt hơn thì nên bón phân hữu cơ. Trước khi dưa hấu nở hoa, chị cũng bón phân kali dihydrogen photphat cho cây, vì loại phân này có tác dụng kích thích ra hoa, giúp dưa hấu nở nhiều hoa hơn, từ đó kết nhiều quả hơn.
Khi dưa hấu sắp chín, chị lại bón phân kali dihydrogen photphat lần nữa, vì nó có thể làm dưa hấu chín sớm và tăng vị ngọt.
Nguồn: