Nhiều gia đình Việt trên bàn thờ tổ tiên thường cắm trụ sắt ở chính giữa bát hương (tượng trưng cho tinh tú) và để đốt hương vòng. Để cắm trụ sắt mà không "động" bát hương, ngày 23 tháng chạp là thời điểm tốt nhất được chọn bao sái bát hương (tỉa chân hương), rồi cắm trụ sắt thật thẳng, vững vào chính giữa bát hương. Sau khi hoàn tất việc dọn dẹp ban thờ, khấn vái xong gia chủ sẽ thắp hương vòng lên trụ sắt.
Nhưng nhiều nhà tâm linh cho rằng, bát hương cần tĩnh và nghiêm cẩn, không nên tùy tiện cắm bất cứ thứ gì vào bát hương, bởi như thế sẽ “động” bát hương, gây xui xẻo cho gia chủ..
Ông Nguyễn Mạnh Cường (nhà nghiên cứu Phật học, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Tiềm năng con người) chia sẻ, nhiều nhà tâm linh đã chứng thực chuyện bát hương có liên quan tới cái đầu của gia chủ. Khi bốc bát hương mà lèn chặt, hoặc bát hương bốc tơi nhưng sau một thời gian tro hương sẽ chắc lại. Chỉ thế thôi, nhưng gia chủ không biết mà khơi tro tơi lên, sẽ có thể dẫn tới đau đầu cho gia chủ.
Vì vậy việc cắm trụ sắt vào bát hương để đặt hương vòng lên đó đốt, về mặt tâm linh sẽ có thể khiến gia chủ thỉnh thoảng sẽ bị đau đầu bất chợt mà không xác định được nguyên nhân. Nhưng khi bỏ trụ sắt cắm hương vòng ra, đầu gia chủ sẽ nhẹ hẳn.
Để tránh động bát hương, nên thắp hương vòng trong đĩa, không tùy tiện cắm que sắt vào trong bát hương để đốt hương vòng. (ảnh minh họa).
Theo các nhà tâm linh, một ban thờ nếu có đủ ngũ hành là tốt (đại ý Kim là đồ kim loại. Mộc là hương. Thủy là nước. Hỏa là đèn nến. Thổ là bát hương, tro). Nhưng các đồ kim loại như đỉnh đồng, lư đồng, bát hương đồng, hạc đồng, đỉnh đồng, chân nến… hiện có ý kiến không nên đặt quá nhiều trên ban thờ, và đã có nhiều nhà không dùng nữa, bởi nếu đặt đồ kim loại nặng và lớn gia chủ sẽ rất dễ bị bệnh.