Ở vùng Phúc Kiến của Trung Quốc có một kiểu kiến trúc nhà cổ vô cùng độc đáo có tên là Tulou. Tulou có nghĩa là “tòa nhà bằng đất”, bất khả xâm phạm. Các Tulou được xây dựng từ giữa thế kỷ 12 đến thế kỷ 20, tọa lạc ở vùng núi hiểm trở phía nam tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
Một Tulou thường rộng, gồm nhiều tầng nhà và được xây hướng vào nhau theo hình tròn hoặc hình vuông. Tòa nhà có hình tròn giống hệt chiếc bánh rán vòng (bánh doughnut) vì có sân rộng ở vị trí trung tâm và có thể chứa tới 800 người hoặc 80 hộ gia đình khác nhau. Các bức tường bên ngoài là một khối vững chắc, chỉ có một lối vào duy nhất và cửa sổ chỉ xuất hiện ở các tầng trên.
Các Tulou được xây dựng để chống lại những tên cướp có vũ trang tàn phá miền Nam Trung Quốc từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 19. Người dân phía nam tỉnh Phúc Kiến là những người đầu tiên xây dựng một Tulou như một pháo đài vững chắc. Về sau, các Tulou được phát triển nhiều thêm tạo thành kiểu kiến trúc nhà cổ đặc trưng của vùng Phúc Kiến, Trung Quốc.
Cấu trúc của bức tường thành bên ngoài được hình thành bằng cách trộn lẫn đất với đá, granite, tre, gỗ và một số vật liệu sẵn có khác, để tạo ra bức tường thành dày hơn 1.8 mét. Những cành cây, mảnh gỗ và nen che thường bố trí trên tường để củng cố thêm sự vững chắc.
Lối vào được bảo vệ bởi cánh cửa gỗ dày hơn 1 mét, được gia cố thêm một lớp vỏ bọc bằng thép bên ngoài. Trên tầng cao nhất của các Tulou còn có thêm những lỗ súng.
Các Tulou đều vững chãi như một tòa lâu đài và có các tấm chắn chống cháy. Năm 1934, một nhóm người nổi dậy của huyệ Yongdinh muốn đánh chiếm một Tulou để chống lại các cuộc tấn công của quân đội, đã bắn 19 quả pháo vào Tulou đó nhưng chỉ tạo thành một vết lõm nhỏ trên bề mặt bức tường.
Tòa nhà có thể đủ cho cả một bộ tộc. Toàn bộ tòa kiến trúc có chức năng như một ngôi làng nhỏ và từng được biết đến như “vương quốc nhỏ của các gia đình” hay “thành phố nhỏ nhộn nhịp”. Các tòa nhà được phân chia theo chiều dọc tạo thành 2 – 3 phòng mỗi tầng. Trái ngược với ngoại thất đơn giản, bên trong các Tulou được xây dựng tiện nghi, thoải mái, ấm áp về mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Những căn phòng đều có đủ ánh sáng, thông thoáng và thường được bài trí rất tỉ mỉ, cầu kỳ. Các Tulou còn có thể chịu được động đất.
Hiện nay, còn tồn tại hơn 20.000 Tulou, nằm rải rác trong khu vực miền núi Đông Nam của tỉnh Phúc Kiến. Mặc dù, các Tulou được tìm thấy là một phần của đất nước Trung Quốc, chúng đều được biết đến với cái tên Tulou Phúc Kiến từ sau khi tổ chức UNESCO lựa chọn tên gọi đó cho kiểu nhà cổ này.
Tổ chức di sản thế giới của UNESCO đã công nhận Tulou Phúc Kiến là “ ví dụ đặc biệt của một nhà ở truyền thống và chức năng là minh họa rõ ràng cho lối sống cộng đồng, tổ chức phòng thủ trong mối quan hệ hài hòa với môi trường sống”.