Cá La Hán tên tiếng anh là Flowerhorn thuộc bộ: Perciformes (bộ cá vược), họ: Cichlidae (họ cá rô phi). Vào giữa những năm của thập kỷ 1990-2000, Cá La Hán lần đầu được biết đến ở thị trường cá cảnh Malaysia. Chúng được tạo ra do mong muốn khám phá bí quyết lai tạo cá hồng két (red parrot) của người Đài Loan nên người ta mới đem một số loài cá thuần chủng của châu Mỹ lai tạo với cá hồng két cùng một số chủng loại cá khác.
Hình ảnh của cá La Hán
1 năm sau đó, cá La Hán bắt đầu được nhân giống rộng rãi và trở thành một trào lưu. Ngoại hình bắt mắt, sặc sỡ với những đặc điểm khác biệt đã khiến giống cá này được ưa chuộng tại nhiều nước tại châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Đài Loan… và một số nước khác ở khu vực châu Âu và châu Mỹ. Từ những năm 2004, dòng cá La Hán mới thực sự phát triển và trở thành một trào lưu được nhiều người yêu thích.
II. Đặc điểm của cá La Hán- Chiều dài: Cá La Hán trưởng thành có chiều dài khoảng từ 25-30cm. Thân cá mang màu sắc bắt mặt vô cùng sặc sỡ.
- Màu sắc: Cá La Hán có rất nhiều màu như màu đỏ hồng, màu đỏ rồng, màu ánh xanh, màu ánh bạc, màu ánh vàng, màu đen xám, màu đen đậm, ngũ sắc….
- Nơi sinh sống: Cá La Hán thường sống ở nơi nước có nhiệt độ từ 25-30 độ C với độ pH dao động từ 6,5-7,8.
- Loại cá: Đây là loại cá ăn tạp và hình thức sinh sản là đẻ trứng. Bạn hoàn toàn có thể tìm chúng ở mọi tầng nước.
- Tuổi thọ: Được lai tạo từ những loại cá tốt trên thế giới, bởi vậy, cá La Hán là dòng có có sức khỏe tốt và ít khi bị bệnh. Chính vì thế, tuổi thọ trung bình của một chú cá La Hán có thể lên đến trên 10 năm, tùy vào điều kiện chăm sóc.
III. Các loại cá La Hán đẹpNếu bạn muốn chơi cá, bạn nên quan tâm đến hình dáng của từng chú cá. Cá La Hán đẹp là phải có đuôi xòe, vây kéo dài và mảnh, mắt không được quá to và lồi, hai mang ngắn. Cá càng có phần gù đầu to thì càng đẹp và có giá trị cao. Đây được coi là bộ phận khiến người chơi cá yêu thích ngay từ lần gặp đầu tiên bởi phần gù đầu khiến dân sành liên tưởng đến ông tiên.
Cá La Hán được lai tạo thành hơn 60 loài, nhưng trên thực tế người ta thường ưa chuộng những loài dưới đây:
1. Cá La Hán kim cương
Cá La Hán kim cương hay còn gọi là cá La Hán Phúc Lộc Thọ, là dòng cá được lai tạo giữa dòng cá Châu kim cương và dòng cá rồng xanh. Chúng có thân hình tương đối tròn, chắc khỏe. Đây là loài cá La Hán có chữ trải dài từ mang cá xuống tận chân đuôi màu xanh đậm, mình tròn được bao phủ bởi những hạt châu trắng.
Đầu cá La Hán kim cương tương đối tròn, phình to đưa về phía trước. Mắt cá La Hán kim cương có màu đỏ, phía 2 bên má của cá có màu vàng. Tuy nhiên, do lai cận huyết để lấy đầu mà bỏ qua dị tật nên ngày nay, dòng cá này hầu như thoái hóa: đa phần đuôi cụp, đặc biệt nhiều cá đẹt, lớn không quá 4 ngón tay.
2. Cá La Hán Thái đỏ
Dòng cá này chủ yếu được lai tạo ở Thái Lan. Những cá thể cá La Hán Thái đỏ được lai tạo ra đã khắc phục được rất nhiều nhược điểm từ dòng cá La Hán gốc. Điểm nổi bật của dòng cá La Hán này chính là phần vẩy có dạng sợi và kết dính vào nhau - được gọi là châu bệt. Những con có sợi châu bệt toàn thân được gọi là cá La Hán ngũ sắc vô cùng quý hiếm. Loài cá này thường có thân nhỏ gọn, có rất nhiều châu phát sáng đặc biệt là ở phần đuôi, vây ở đuôi lúc nào cũng xòe to làm chúng trở nên uyển chuyển và dịu dàng khi bơi.
Tuy nhiên, giống như một số dòng cá La Hán khác, cá La Hán Thái đỏ cũng có những nhược điểm nhất định. Điển hình là phần gù đầu tương đối nhỏ, rất hiếm con có gù đầu to và hầu hết các cá thể cá đực đều bị vô sinh.
3. Cá La Hán trân châu
Cá La Hán trân châu có lẽ là dòng cá phổ biến nhất cho đến tận ngày nay. Cá La Hán trân châu có tên tiếng Anh là “Pearl Flowerhorn”. Dòng cá này vẫn duy trì các đặc điểm của La hán đời đầu nhưng có nhiều vảy óng ánh màu xanh lục, xanh dương hay bạc phủ khắp cơ thể.
Cá La Hán trân châu cũng có nhiều tên gọi trên thị trường nhưng về cơ bản có thể phân chúng làm 2 loại dựa trên màu nền chủ đạo: nền xanh và nền đỏ. Bên cạnh đó, cá cũng cũng có thể phân ra các loại châu bao gồm châu hột và châu sợi. Những con mà châu lan lên tới đầu gọi là châu “quấn đầu”.
4. Cá La Hán Thái silk
Cá La Hán Thái silk xuất hiện trên thị trường của Việt Nam từ những năm 2008. Nguồn gốc của dòng cá này theo nhiều người đoán rằng bắt nguồn từ Thái Lan. Dòng cá La Hán Thái silk có vảy màu bạc hoặc ánh xanh phủ toàn thân. Trên mình của dòng cá này không có chữ và những sợi châu dài.
Ngoại trừ màu sắc, hình dáng của Thái silk mang những nét đặc trưng của dòng Trân Châu nên có lẽ Thái silk là một đột biến từ dòng Trân Châu hay được lai với JPG để lấy đặc điểm vảy bạc. Thái silk rất được ưa chuộng bởi màu sắc khác biệt; những cá thể đầu to vẫn còn hiếm.
5. Cá La Hán phượng hoàng lửa
Cá La Hán phượng hoàng lửa có tên tiếng Anh là “Fiery/Fire Phoenix” hay “Red Phoenix”. Có lẽ chỉ cần nói đến đây, nhiều người đã mường tượng được màu sắc của dòng cá này là đỏ rực. Thực ra, phượng hoàng lửa là kamfa đỏ toàn thân và màu đỏ sẽ rất ổn định chứ không bất ổn như Super red. Thông tin về loài cá này rất hạn chế, có thể là do kamfa đỏ toàn thân khó lai tạo.
6. Cá La Hán King Kamfa
Là giống cá có nguồn gốc xuất xứ từ Thái Lan đã được khắc phục rất nhiều nhược điểm nên nhìn chúng có vẻ đẹp hoàn hảo hơn. Phần châu trên của La Hán King Kamfa còn có dạng sợi lớn và chúng dính vào nhau gọi là châu bệt. Chúng quý hiếm và có giá bán vô cùng đắt đỏ.
Tuy nhiên, tỷ lệ lên đầu của giống cá này là cực thấp và cá đực lại đều bị vô sinh. Vậy nên, người ta thường lai tạo với cá La Hán King Kamfa mái ở khác bầy để hạn chế tỉ lệ dị tật.
7. Cá la hán khỉ đỏ
Cá la hán khỉ đỏ còn được gọi là Super Red Synspilus (SRS), lai tạo từ Thái Lan. Thân cá đỏ thường dài đòn, bản hẹp, kích thước lớn khoảng 25-30 cm và tuổi thọ có thể trên 8 năm. Hai yếu tố đánh giá chất lượng của loại cá này là màu sắc và gù đầu.
Cá khỉ đỏ có toàn thân màu hồng hơi ngả đỏ. Tuy nhiên, tỷ lệ lột hoàn toàn lớp vảy đen ở khỉ đỏ không cao và chỉ đỏ rực khi ở trạng thái bị kích thích. Cũng giống như màu sắc, tỉ lệ gù đầu to tự nhiên của cá khỉ đỏ rất thấp.
8. Cá la hán rồng xanh
Là thành quả của sự lai tạo chéo giữa Cichlasoma Robertson và hệ thứ nhất cá la hán. Loại cá này rất dễ phân biệt bởi gần đầu của nó có hoa văn đen đốm tựa như những đốm trân châu mực. Cá rồng xanh có nhiều châu hơn so với những loại khác, cũng như tỉ lệ lên châu cũng nhiều hơn.
Dòng cá la hán này có tỉ lệ nhỏ hơn so với đời cũ, tối đa bằng 1 bàn tay. Chúng được phân biệt thành 2 loại theo các loại châu: châu sợi và châu hột.
- Châu quấn đầu - châu hột: là những con có châu lên tới đầu.
- Châu sợi: là những con nữ hoàng kinh cương, kim được xếp vào dòng châu la hán.
9. Cá la hán đen quý hiếm
Trên thực tế, cá La Hán đen chỉ là cách gọi để phần biệt màu sắc chứ không phải một dòng của cá La Hán. Chúng là một thể biến sắc ở các loài cá La Hán thông thường. Vì xuất hiện khá hiếm nên giá thành của giống cá này khá cao.
Một chú cá La Hán đen trưởng thành có kích thước tương đối lớn, khoảng từ 25-30cm nếu như được nuôi và chăm sóc đúng cách. Chúng có đặc điểm là phần môi trề, mắt lồi, vây to và mềm, đuôi khá dài và có rất nhiều sắc ánh. Một chú cá La Hán đẹp là phải có phần gù đầu lớn, râu dài và mảnh, lớp vảy cá phải ánh châu.
IV. Cá La Hán giá bao nhiêu?1. Cá La Hán bột (cá La Hán con)
Giá thành rẻ hơn nhiều so với những con cá đã trưởng thành. Nếu là người mới tập chơi cá cảnh, thích loài cá La Hán thì bạn có thể mua để hiểu rõ hơn sự thích nghi và quá trình phát triển của chúng.
- Cá La Hán bột giá thành khá rẻ, chỉ từ 500 nghìn đồng/50 con giống với các giống cá đại trà khác.
- Cá La Hán Thái đỏ bột có giá dao động từ 400 nghìn đồng/50 con.
- Cá La Hán King lai giá khoảng 400 nghìn đồng/50 con.
- Cá La Hán King Kamfa bột có giá đắt nhất, từ 450 nghìn đồng/50 con.
- Cá La Hán Kim Cương có giá dao động từ 500 nghìn đồng/50 con.
2. Giá cá La Hán dựa vào mức độ trưởng thành
Những con cá trưởng thành có giá cao hơn so với những con cá bột. Cá trưởng thành sẽ có những u đầu nổi rõ ràng và kích thước của cá thường từ 3-4 ngón tay. Khả năng sống sót của cá trưởng thành cao hơn, dễ thích nghi hơn.
- Cá La Hán Thái đỏ cỡ 3 ngón tay có giá từ 500 nghìn đồng/con, cá cỡ 4 ngón tay có giá từ 800 nghìn đồng/con.
- Cá La Hán King lai, Kim Cương có giá dao động từ 500 nghìn đồng/con.
- Cá La Hán King Kamfa có giá đắt nhất, giá thường từ 600 nghìn đồng/con.
3. Giá cá La Hán dựa theo màu sắc và chủng loại
Giá thành của các dòng cá La Hán khác nhau rõ rệt và cá La Hán King Kamfa có giá đắt nhất. Mức độ của giá phụ thuộc vào các yếu tố như màu sắc, độ phủ chân trâu, vây cá và độ hiếm lạ. Đối với dân chơi cá cảnh thường yêu thích những con cá hiếm độc về màu sắc, vân hoa. Đầu cá càng to thì giá của cá càng đắt.
V. Cách nuôi cá La HánLà loại cá khỏe, ít bị bệnh nhưng không chỉ với cá La Hán nói riêng mà đối với tất cả các chủng loại, chúng ta cũng cần dành nhiều thời gian chăm sóc chúng và chăm sóc sao cho đúng kỹ thuật để cá vừa đẹp mà tuổi thọ vẫn cao. Cùng điểm qua một vài kỹ thuật nuôi cá hiệu quả được những người nuôi cá có kinh nghiệm chia sẻ nhé.
1. Cá la hán ăn gì để lên đầu, lên màu đẹp?
Đầu tiên, cá phải có gen u đầu thì mới có thể áp dụng cách kết hợp với các loại thức ăn giàu cholesterol để tích tụ lên u trên đầu được.
Một số loại thức ăn phổ biến của cá la hán có thể kể đến như:
- Các loại thức ăn tươi sống như cá chép con, cá ròng ròng, loăng quăng, tép, cá hoang dã, bo bo và các sinh vật nhỏ dưới nước.
- Các loại thức ăn đông lạnh bao gồm thịt bò, tim bò, ốc bươu vàng, tôm tép đông lạnh, thịt cá nhỏ hay các loại thức ăn từ thịt xay nhuyễn đông lạnh khác.
- Thức ăn viên cũng là một trong những loại thức ăn phổ biến của cá la hán. Ưu điểm của loại thức ăn này là tiện lợi và vệ sinh. Tuy vậy, cần chú ý khi mua thức ăn viên bởi các loại thức ăn tốt thường đắt tiền và trên thị trường có khá nhiều loại thức ăn viên giả. Bên cạnh đó, thức ăn viên là loại thức ăn khá khó tiêu hơn thức ăn tươi, cần hạn chế cho cá la hán ăn thức ăn viên, nhất là khi chúng đang và vừa mới bị bệnh về đường ruột.
Đối với dòng cá bột, nên cho ăn thức ăn artemia. Sau khoảng 1 tuần nuôi dưỡng bằng artemia, có thể cho chúng ăn thức ăn khô và các loại thức ăn tươi dành cho cá trưởng thành. Mỗi ngày, nên chia khẩu phần ăn của cá thành nhiều bữa nhỏ chứ không cho ăn quá no mỗi bữa. Khi cá đã lớn hơn thì chỉ cần cho ăn mỗi ngày 2 bữa sáng, chiều. Ngoài ra, cần tập cho cá ăn đúng giờ để phát triển tốt kích cỡ.
2. Kích thước bể nuôi cá La Hán
Cá La Hán có kích thước không hề nhỏ và là loài khá hiếu động, do đó bạn cần xây dựng bể nuôi với kích thước DRC ít nhất từ 0,6m x 0,3m x 0,4m. Còn nếu bạn có điều kiện thì hãy xây hẳn hồ nuôi to hơn để cá thuận lợi trong việc bơi lội và chơi đùa. Ngoài ra, khi trang trí cho bể cá thì bạn hạn chế trồng cây thủy sinh hay đặt hang động bằng đá bởi chúng có thể khiến cá bị thương.
3. Môi trường sống của cá La Hán
Cá La Hán yêu cầu khá khắt khe về môi trường nước. Nhiệt độ trung bình trong bể nuôi cá phong thủy phải đạt từ 25-30 độ C, nếu nhiệt độ quá lạnh có thể khiến cá gặp vấn đề về đường tiêu hóa. Độ pH của nước cần đạt trong khoảng từ 7-8. Trung bình một tuần các bạn nên thay nước cho cá từ 1-2 lần. Ngoài ra, cũng nên cho một chút muối vào bể nhằm tăng khả năng diệt vi khuẩn trong nước và các loài ký sinh trên cá.
4. Sinh sản cho cá La Hán
Cá La Hán trưởng thành khoảng 1 năm tuổi sẽ bước vào giai đoạn phát dục. Bạn hãy chọn ra 1 con đực và 1 con cái khỏe mạnh để có thể tiến hành giao phối cho chúng.
- Với cá La Hán đực: To, khỏe, màu sắc rực rỡ.
- Với cá La Hán mái: Khỏe mạnh, nhanh nhẹn, kích thước cần nhỏ hơn con đực.
Thả 2 con cá vào trong bể riêng để tạo điều kiện cho chúng gần gũi nhau, khi đó chúng sẽ tự làm ổ và đẻ trứng lên giá thể mà bạn đã tạo sẵn. Khi đến kỳ sinh nở, sau 2 tiếng đồng hồ thì cá sẽ đẻ xong, hãy tách cá bố mẹ ra để tránh tình trạng ăn thịt cá con. Sau khoảng 48 tiếng tiếp theo thì cá bột sẽ nở, bạn hãy nuôi chúng bằng thức ăn vi sinh hoặc vụn thức ăn. Một thời gian sau là cá con có thể ăn như bình thường.
5. Kinh nghiệm lên màu cho cá La Hán
Việc lên màu sẽ giúp vảy của cá La Hán trở nên rực rỡ dưới ánh đèn. Bạn có thể sử dụng đèn chiếu sáng màu tương ứng với màu cá để chiếu liên tục từ 8-12 tiếng/ngày để khiến cá có thể lên màu đẹp. Ngoài ra, cần chọn các loại thức ăn bổ trợ cho màu sắc như Xanthophyll (vàng), Astaxanthin (đỏ cam).
6. Cách kích thích mọc gù trên đầu cá La Hán
Để cá La Hán có thể mọc gù trên đầu cũng không phải chuyện khó nhờ những phương pháp dưới đây:
- Cho cá đực gần gũi với cá cái
Khi những chú cá đực và cá cái được tiếp xúc nhiều với nhau, lúc này chúng sẽ sản sinh ra một số loại hormon - trong đó có loại hormon giúp làm phình to kích cỡ đầu của cá.
- Kích thích bản tính hung dữ của cá La Hán
Để thực hiện được biện pháp này, các bạn nên gắn một chiếc gương bên ngoài phần kính của bể nuôi cá. Khi những chú cá La Hán thấy mình trong gương sẽ tưởng nhầm thành đối thủ của chúng. Điều này cũng sẽ giúp chúng phát ra những hormon kích thích tăng trưởng phần gù đầu. Tuy nhiên, phương thức này chỉ nên làm trong khoảng 1-2 tiếng, nếu thời gian lâu sẽ khiến những chú cá của các bạn bị mệt mỏi và bị thương.
VI. Các bệnh thường gặp ở cá La Hán1. Cá la hán bị nấm
Bệnh nấm phổ biến có thể ảnh hưởng đến cá la hán gồm bệnh nấm sợi bông, bệnh thối mang, bệnh nấm nội tạng. Trong đó bệnh nấm sợi bông là bệnh thường gặp, gây ra các nhiễm trùng nhỏ và nhẹ nhất.
Nhận diện cá bị nấm bằng cách quan sát sự biến đổi trên bề mặt của cá, đặc biệt là màu sắc trên thân cá, vảy cá, hoặc trên một số bộ phận khác như mắt, mang, miệng của cá sẽ xuất hiện những mảng trắng mịn. Hoặc mắt cá la hán sẽ mở rộng, có màu trắng đục, luôn hướng lên trên, có đôi khi không hoạt động. Ngoài ra, cá la hán bị nhiễm nấm có thể bơi một cách vụng về, bỏ ăn, không hoạt động và thở hổn hển.
2. Cá la hán bị sình bụng
Bệnh sình bụng hiếm khi bùng nổ thành dịch, nó chỉ ảnh hưởng trên từng cá thể. Bệnh rất dễ nhận ra với sự sưng phồng to ở vùng bụng. Cá bị sình bụng cần phải đưa ra hồ cách ly càng sớm càng tốt, vì nó cần được điều trị trong môi trường cách biệt với những con cá khác.
Thông thường, bệnh này thường kết hợp với triệu chứng hình thành phân trắng, nhầy và những vết phồng nhỏ chạy dọc theo giữa thân cá. Nếu cá không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào khác ngoài triệu chứng phồng to bụng thì rất có khả năng cá bị tắc ruột hay bị bướu và thường xảy ra khi cá đang ăn bình thường. Tuy nhiên, chắc chắn hay không chỉ xác định khi mổ ra mà thôi.
3. Cá la hán bỏ ăn
Cá bị căng thẳng do thay đổi môi trường sống, đổi hồ cá, vận chuyển,… dẫn tới suy giảm miễn dịch, một số loại vi khuẩn gây hại có sẵn trong ruột cá, phân cá lúc này trở nên mạnh lên, sinh sôi số lượng lớn, khiến cho đường ruột bị nhiễm khuẩn gây ra bệnh.
Đường ruột khó chịu sẽ khiến cá la hán bỏ ăn, chúng trở nên nhạy cảm và nhút nhát hơn hẳn thông thường. Màu sắc trên thân của chú cá trở nên nhợt nhạt hơn. Dấu hiệu dễ nhận thấy nữa là cá bị sình bụng hoặc hậu môn. Khi bệnh, phân cá có màu trắng bông, hoặc kéo dây thành sợi. Ở giai đoạn nặng hơn, thân cá bắt đầu có nổi mảng màu sẫm, ửng đỏ như bị nấm.
4. Cá La Hán mất thăng bằng
Nguyên nhân do tổn thương các cơ hoặc các vùng xung yếu của cơ thể, khuyết tật do di truyền hoặc suy dinh dưỡng.
Nhận diện: cá bỗng mất thăng bằng, nằm nghiêng một bên, thân hình cong lại, xuất hiện bệnh viêm da trên mình cá.
5. Cá La Hán bị nhát
Cá lần đầu làm quen với bể hoặc bạn đặt bể ở nơi quá ồn ào nên bị hoảng loạn. Chúng ép mình vào thành hồ như bị mất phương hướng, đôi lúc quẫy mạnh khiến vảy bị bong tróc, rách, gù co lại, màu sắc trở nên nhợt nhạt, thở gấp, lâu lâu giật mình, bơi vòng vòng.
Hình cá la hán đẹp nhấtNguồn: https://arttimes.vn/gia-dinh/ca-la-han-loai-ca-co-dau-ky-di-va-xam-minh-sac-so-bi-an-nh...Nguồn: https://arttimes.vn/gia-dinh/ca-la-han-loai-ca-co-dau-ky-di-va-xam-minh-sac-so-bi-an-nhat-c59a11541.html
Chó cảnh