Theo Ủy ban An toàn Sản phẩm tiêu dùng, hiện trong hàng triệu gia đình ở Mỹ vẫn tồn tại các sản phẩm gây nguy hiểm đến tính mạng con người, đặc biệt là trẻ em. Ông Thomas Moore, chủ tịch tạm thời của Ủy ban này đã lên tiếng kêu gọi người dân Mỹ kiểm tra lại đồ đạc trong nhà có thuộc diện thu hồi hay không. Danh sách các sản phẩm nguy hiểm cho trẻ như sau:
- Dải rút quanh cổ áo khoác và áo len của bé có thể thắt cổ các bé.
Năm 1995, Ủy ban An toàn Sản phẩm tiêu dùng đã phối hợp với các doanh nghiệp để loại bỏ dải rút trên cổ áo và mũ áo khoác, áo len cho trẻ em. Ủy ban cũng phát hiện 23 vụ tử vong và 56 vụ tai nạn từ năm 1985 đến tháng 11 năm 2000 liên quan đến dải rút áo. Khách hàng nên tháo hoặc cắt bỏ dải rút ở cổ áo khoác và áo len của các bé. Tuyệt đối không được bán lại cho các cửa hàng secondhand.
- Nôi cũi cho em bé có thể bị sập và khiến các bé bị kẹt ở trong.
Theo như Ủy ban này, nôi cũi đã từng gây ra cái chết cho 15 bé khi thành trên của cũi bị gãy, khiến nó sập xuống. Từ đó, một tiêu chuẩn mới ra đời, yêu cầu các thanh trên của nôi cũi phải được khóa chặt lại sau khi chiếc cũi được lắp xong hoàn toàn. Các loại nôi cũi mà Ủy ban muốn thu hồi bao gồm: "Happy Camper" của Evenflo, "Happy Cabana" và "Kiddie Camper"; "Fold-N-Go" mẫu 10-710 và 10-810 của Century; "Home and Roam" và "Baby Express" của Baby Trend và xe tập đi Playskool của Kolcraft.
- Nôi Cosco mẫu "Zip n Go" "Okie Dokie" và "Carters"
Được sản xuất bởi Cosco và bị thu hồi bởi Tập đoàn Dorel Juvenile, chiếc nôi này có những khớp nhựa để khóa các thanh của nôi lại với nhau. Những khớp nhựa này có thể bị vỡ hoặc lỏng dần theo thời gian, khiến các thanh nôi trật ra khỏi khớp dẫn đến sập và gây nguy hiểm cho các bé. Từ tháng 5 năm 1995 đến tháng 12 năm 1999 đã có 102.000 chiếc được bán ra, trong đó có 421 trường hợp các thanh nôi bị trật ra khỏi khớp và sập. Có 1 bé đã tử vong vì loại nôi này.
- Giường cũi loại cũ
Sản xuất trước khi Ủy ban An toàn Sản phẩm tiêu dùng đưa ra các tiêu chuẩn về an toàn công nghiệp, những chiếc cũi đời cũ có thể kẹp, thắt cổ, hoặc làm bé chết ngạt. Những chiếc giường cũi với: khoảng cách giữa các thanh đứng nhiều hơn 5-8cm; hoặc có vết nứt ở tấm ván đầu giường hay cuối giường, sẽ dễ gây ngạt thở và thắt cổ các bé. Mỗi năm có 32 bé tử vong trong cũi, trong số đó chủ yếu là các mẫu cũ, đã qua sử dụng.
- Máy sấy tóc không có thiết bị chống nước dễ gây giật điện.
Từ đầu những năm 1990, máy sấy đã được trang bị với loại thiết bị này, song vẫn có một số trường hợp ngoại lệ. Hãy thay thế các loại máy sấy cũ bằng những loại mới với dây cắm hình tam giác cùng dấu hiệu được kiểm duyệt rõ ràng.
- Rèm cửa sổ với dây kéo có thể xiết cổ lũ trẻ nhà bạn.
Dây kéo rèm cửa số sẽ thắt cổ các bé nếu các bé chẳng may vướng vào. Theo báo cáo, đã từng có 130 trường hợp như vậy xảy ra với trẻ em từ 1991. Từ năm 1995, Ủy ban này đã phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất để bỏ loại dây kéo rèm này ở những mẫu rèm mới. Tuy nhiên, những mẫu cũ với dây kéo cần được sửa lại để tránh gây nguy hiểm.
- Máy rửa bát GE có nguy cơ gây cháy.
Tập đoàn General Electric hiện đang tình nguyện cung cấp dịch vụ sửa chữa miễn phí đối với sản phẩm máy rửa bát GE. Theo đó họ sẽ tiến hành nối lại dây của thiết bị chuyển mạch, bởi loại dây này dễ bị chảy và bắt lửa, dẫn tới cháy nổ.
- Máy rửa bát Whirlpool (Kenmore) cũng dễ gây cháy nổ.
Tập đoàn Whirlpool đã bán ra 500.000 loại máy này từ tháng 6 năm 1991 đến tháng 10 năm 1992. Vấn đề của dòng máy này là hệ thống dây điện của nó cũng rất dễ nóng lên và bắt lửa. Đã từng có 40 báo cáo về cháy nổ liên quan tới loại máy rửa bát này. Khách hàng sử dụng sản phẩm của cả hai hãng Whirlpool và Kenmore đều có thể được sửa chữa miễn phí
- Đèn sàn Halogen Torchiere dễ gây cháy khi những vật dễ bắt lửa như màn, trướng ở quá gần nó.
Hơn 40 triệu chiếc loại này sản xuất trước năm 1997 đều đã bị thu hồi do không có dây hay kính bảo vệ để chống cháy nổ. Ủy ban cho biết từ năm 1992 đã có 270 vụ cháy và 19 người thiệt mạng do loại đèn này.