“Sáng sớm, tôi bị đánh thức bởi ánh nắng ấm áp và tiếng chim hót véo von. Tôi mở mắt ra, vươn vai, đứng dậy kéo rèm ra thì thấy hoa ngoài cửa sổ đã nở rộ. Đánh răng rửa mặt xong, tôi ra vườn hái mấy loại rau tươi về làm bữa sáng rồi dọn ra bàn ngoài vườn, từ từ tận hưởng bữa sáng trong ánh nắng ban mai.
Cả ngày không có chuyện gì xảy ra, chỉ dành chút thời gian cho rau quả trong vườn. Đến tối, khi các vì sao lên cao, tôi đi tắm rồi chìm vào giấc ngủ trong tiếng ếch kêu…”. Đó là những dòng tâm sự của chị Mạch Tử (37 tuổi, đến từ Trung Quốc). Và có lẽ, cuộc sống chậm rãi, yên bình của chị là điều mà ngày càng nhiều người mong muốn.
Vợ chồng chị Mạch Tử đã bỏ phố về quê từ năm 2015.
Sau khi tốt nghiệp, Mạch Tử từ tỉnh Quảng Đông đến Thâm Quyến làm việc rồi kết hôn, mua nhà, sinh con và khởi nghiệp. Chị nghĩ rằng mình sẽ bén rễ ở thành phố này, nhưng năm 2015 do sự việc ngộ độc dâu tây và không tìm được trường mẫu giáo phù hợp cho con nên vợ chồng Mạch Tử quyết định bán nhà ở Thâm Quyến và chuyển đến Đại Lý (tỉnh Vân Nam) sống.
Cuối năm 2019, con gái chị chào đời. Khi con được 6 tháng tuổi, vợ chồng chị thuê mảnh đất rộng 26.666m2 và bắt đầu tự trồng rau quả. “Khi còn sống ở Thâm Quyến, tôi luôn mơ về một khu vườn. Khi đó nhà tôi có một ban công nhỏ, tôi đã trồng đầy hoa và cây cảnh ở đó, mặc dù khi ấy tôi thậm chí còn không phân biệt được giữa cây xô thơm và hoa oải hương. Nhưng ước mơ sở hữu một khu vườn đã nảy mầm, bén rễ trong tim tôi. Kết quả là chỉ trong vòng vài năm, tôi đã thực sự biến ước mơ của mình thành hiện thực”, Mạch Tử hạnh phúc chia sẻ.
Căn nhà gia đình chị sống.
Mặc dù chỉ là đất đi thuê nhưng gia đình Mạch Tử đã bỏ ra 3 triệu tệ (hơn 10 tỷ đồng) để xây dựng một trang trại trồng đầy hoa. Trang trại được quy hoạch rất gọn gàng, có nhiều khu vực khác nhau, bao gồm khu vui chơi giải trí, khu cắm trại, sân vườn, lô trồng rau.
Khu vườn được thiết kế theo phong cách Anh, quy hoạch mất hơn nửa năm. Mạch Tử mua hàng nghìn hạt giống hoa từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả những loại quý hiếm, những loại mọc dại ven đường về trồng trong vườn nhà mình. Mỗi loài hoa có một thời kỳ nở hoa khác nhau nên khu vườn nhà chị được phủ đầy hoa quanh năm như tulip, hoa cúc, hoa hồng,...
Trang trại được quy hoạch rõ ràng theo từng khu vực riêng.
Trang trại trước và sau khi cải tạo.
Ngoài vườn, vợ chồng chị còn mở thêm cánh đồng hoa hướng dương. Khi hoa nở, khung cảnh rất sống động, ngọt ngào và lãng mạn.
“Ban đầu vì không hiểu rõ về đầu tư trang trại nên khoản đầu tư vượt xa khả năng của chúng tôi, chuỗi vốn bắt đầu thắt chặt. Nhưng mọi khó khăn, vất vả dường như tan biến hết khi nhìn thấy các con vui vẻ chạy chân trần trên trang trại và ngửi thấy mùi thơm của đất, hoa, trái”, bà mẹ 2 con chia sẻ.
Các con chị Mạch Tử vui vẻ chơi đùa trên cánh đồng hoa hướng dương.
Vườn nhà chị hoa nở rộ quanh năm.
Mạch Tử luôn theo đuổi thực phẩm sạch và an toàn cho gia đình nên chị đã đặc biệt thiết kế một vườn rau hình cánh hoa, với 9 loại rau theo mùa khác nhau được trồng trên 9 “cánh hoa”. Bất kể mùa xuân, mùa hè, mùa thu hay mùa đông, gia đình chị đều có thể ăn những gì chị tự trồng, an toàn và tươi ngon.
Trong trang trại có một con lạch, Mạch Tử đã dựng một khu cắm trại ở khoảng đất trống giữa con lạch. “Thỉnh thoảng, tôi rủ bạn bè ra đây chơi, người lớn nấu ăn trò chuyện cạnh lều, còn trẻ con nô đùa dưới con lạch, đó là những điều bạn không thể trải nghiệm ở thành phố”, mẹ 2 con kể.
Khu vực cắm trại. Bên cạnh có một con lạch cho các con chơi đùa.
Để các con có tuổi thơ hạnh phúc, vợ chồng chị còn xây dựng “thiên đường trong rừng” rộng 2.000m2. Ở đây có nhà trên cây, cầu trượt, tường leo núi, đu dây, xích đu,… hầu hết các trò chơi giải trí mà trẻ em thích đều có ở đây. Bên cạnh “thiên đường trong rừng” là một ngôi nhà kính, quay mặt ra trang trại.
Không còn những lo lắng, áp lực, bon chen của thành phố, gia đình Mạch Tử có một cuộc sống thoải mái, dễ chịu ở vùng quê. Nhưng một số người đặt câu hỏi rằng, lối sống như vậy không tốt cho trẻ em, Thâm Quyến có nguồn tài liệu học tập phong phú hơn và nền giáo dục tốt hơn Đại Lý rất nhiều, liệu việc “trốn” từ thành phố về nông thôn có khiến trẻ em thua ngay từ vạch xuất phát? Nhưng lý do Mạch Tử chọn chuyển đến Đại Lý chỉ là để con mình giành chiến thắng ở vạch xuất phát.
Khu vực "thiên đường trong rừng", đây là khu vui chơi giải trí của các con.
"Tuy ở quê nhưng các hoạt động giảng dạy phong phú, không tách rời nền giáo dục tri thức cơ bản của thành phố. Ở đây có ánh nắng và không khí tốt nhất, ăn trái cây và rau hữu cơ từ trang trại, chăm sóc cơ thể thật tốt và lớn lên hạnh phúc. Như thế là con tôi đã giành chiến thắng ở vạch xuất phát rồi. Ngoài ra, trong những ngày tháng cộng sinh với thiên nhiên, bọn trẻ cũng học được nhiều điều mà đơn giản là chúng không thể học được ở thành thị”, bà mẹ 2 con chia sẻ.
Ngoài ra, bà mẹ cũng cố gắng trau dồi kỹ năng xã hội cho các con. Ngoài giờ đến trường hay làm bài tập về nhà, cô đều nhờ con giúp việc đồng áng, tiếp khách đến thăm trang trại để đổi lấy tiền tiêu vặt. Nhờ đó, con cô vẫn hoạt bát, thông minh và vẫn giữ được sự hồn nhiên, trong sáng.
“Không ngại khó, tận tâm, kiên trì làm việc, biết quan tâm đến người khác... Đó đều là những thói quen, đức tính khó phát triển ở trường học thành phố, vô cùng quý giá. Con tôi được hòa mình với thiên nhiên chứ không cắm mặt vào máy tính, điện thoại, chúng rất tự lập và nhanh chóng hòa nhập với những đứa trẻ lạ. Với tôi, thế là đủ”, Mạch Tử bộc bạch.
Tuy nhiên, 8X không khuyến khích mọi người bỏ phố về quê. Bởi vì cuộc sống ở thành phố không hẳn là đầy căng thẳng, lo lắng và bị vắt kiệt sức, và cuộc sống ở nông thôn không hoàn toàn thoải mái, êm ái. “Bạn sống ở đâu không quan trọng, quan trọng là nơi đó phải có những thứ bạn yêu thích và những ước mơ mà bạn có thể kiên trì. Suy cho cùng, cuộc sống là của riêng bạn, và sự phù hợp là quan trọng nhất”, Mạch Tử chia sẻ.