Nguồn gốc, đặc điểm của cây đậu biếc
Cây hoa đậu biếc còn gọi là đậu hoa tím hay bông biếc, tên khoa học là Clitoria ternatean, thuộc chi đậu biếc, họ đậu (Fabaceae). Cây có nguồn gốc ở các nước Đông Nam Á, là cây thân thảo, leo, thân và cành mảnh có lông.
Ở Việt Nam, cây đậu biếc thường được trồng làm cảnh, leo giàn ở bờ rào và để lấy hoa, quả. Có nơi trồng rất nhiều dùng làm cây phân xanh, cây che phủ đất và cải tạo đất. Cây chịu nắng và hạn được trồng bằng hạt. Hoa đậu biếc có dạng trứng ngược màu tím rất đẹp. Hoa thường mọc ra ở nách lá thành chùm riêng lẻ nên khá sai.
Ý nghĩa của hoa đậu biếc
Hoa đậu biếc
Hoa đậu biếc biểu tượng cho niềm vui bất tận, sự khởi đầu, duyên dáng, thanh nhã. Một giàn hoa đậu biếc trước sân như nói lên một phần tính cách của gia chủ: luôn cởi mở vui vẻ, dễ làm quen và gần gũi với những người xung quanh.
Tác dụng của cây đậu biếc
Các bộ phận của cây đậu biếc
Gần như tất cả các bộ phận của của cây đậu biếc đều có lợi ích cho con người. Người ta dùng rễ của loại cây này làm thuốc chữa bệnh. Rễ cây có vị chát, đắng, chứa các chất có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng, gây xổ, làm dịu và săn da.
Ngoài ra, hoa đậu biếc còn có tác dụng ngừa ung thư, chống lão hóa, lợi tiểu, nhuận tràng, tốt cho mắt, da, tóc… Hoa sau khi nấu sẽ cho ra nước có màu xanh dương hoặc tím rất đẹp, các chị em nội trợ hay dùng nước này để tạo màu trong thực phẩm như nấu xôi, cơm, làm bánh, làm trà sữa trân châu hoa đậu biếc.
Cách trồng và chăm sóc cây đậu biếc
1. Chuẩn bị dụng cụ
Cây đậu biếc không khó trồng nên có thể tận dụng bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc đất vườn để trồng cây hoa đậu biếc. Tuy nhiên nên lưu ý, nếu trồng bằng bao hay chậu thì dưới đáy phải đục lỗ để thoát nước.
Cây đậu biếc con.
Cây đậu biếc thường dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chịu được rét và nóng tốt. Cây ưa phát triển ở nhiệt độ từ 20-32 độ C. Đất trồng cây đậu biếc có thể là loại đất thịt màu mỡ và tơi xốp, cần thoát nước tốt.
Có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 15-20 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.
2. Trồng cây
Việc trồng và nhân giống hoa đậu biếc được thực hiện thường bằng cách gieo hạt. Hạt giống bạn có thể tìm mua ở các cửa hàng bán hạt giống cây cảnh hoặc cửa hàng hạt giống rau, ngoài ra có thể lấy từ những quả đậu đã già.
Ngâm hạt giống đậu biếc trong nước ấm 30 phút (2 sôi 3 lạnh) và ủ vào khăn ấm khoảng 1 ngày hạt nứt thì đem gieo.
Sau đó đem hạt đi gieo, gieo xong thì phủ lên lớp đất mỏng từ 1-2cm. Tưới bằng vòi phun nhẹ. Che phủ kín lớp hạt mới gieo khoảng 2 ngày. Tưới ngày 2 lần. Cây đậu biếc rất dễ nảy mầm nên bạn cũng có thể bỏ qua bước ngâm ủ và gieo hạt trực tiếp.
3. Chăm sóc
Vào mùa khô, tưới nước ngày 2 lần vào sáng sớm và chiều mát cho cây. Mùa mưa chú ý công tác thoát nước tránh để cây bị ngập úng.
Chậu cây đậu biếc.
Do tốc độ phát triển cành lá của cây hoa đậu biếc khá nhanh nên bạn cần cắt tỉa cành định kì. Khi cắt, bỏ những cành tăm, cành khô, cành gầm để giúp cây có độ thông thoáng và phát triển tốt hơn.
Cứ định kỳ 1 tháng có thể bón phân hữu cơ, phân trùn quế, phân bò, phân dê… 1 lần cho cây. Tới thời kỳ cây ra hoa, quả thì có thể tăng cường bón thêm phân.
Khi cây bắt đầu ra tua cuốn là thời điểm cần phải làm giàn cho cây leo, có thể làm giàn chữ A hoặc làm giàn như giàn bầu, đậu cove… cũng có thể là bờ tường, giàn vuông hoặc bờ rào. Sau khi cây ra hoa, nên tưới nước vào rễ chứ không tưới trực tiếp vào hoa.