Từ năm 2008, ông nông dân Lê Đức Giáp (thôn Bãi, Cao Viên,Thanh Oai, Hà Nội) bắt đầu sáng tạo ghép nhiều loại quả trên cùng 1 gốc. Với ý định phục vụ cho dịp Tết, ông Giáp đã lựa chọn ghép những loại quả phổ biến ngày Tết tạo thành cây ngũ quả. Cây ngũ thất cửu quả với nhiều loại quả trên cùng một gốc, với tán là xum xuê mang ý nghĩa cầu mong một năm mới no đủ đầm ấm, con cháu sum vầy trong mỗi dịp tết đến xuân về.
Vườn cây ghép giữa cam và bưởi, giá mỗi cây từ 5-7 triệu đồng
Ông Giáp ghép phật thủ, cam... để phục vụ khách chơi cây cảnh ngày tết. Giá 1 cây từ 2-15 triệu đồng
Vào năm 2008, khi đó mới chỉ có 40 cây bán cho chủ yếu là khách quen. Hiện tại, số lượng cây cảnh ghép của gia đình ông lên đến hơn 300 gốc, trong đó gần 200 gốc ghép cho “ra lò” năm nay để chơi Tết. Đây có thể được coi là những siêu cây cảnh phục vụ Tết khi hiện nay, hơn nửa số cây trong vườn đã có người đặt mua. Riêng năm nay, từ cây ngũ quả với 5 loại - quất, quýt, cam, bưởi, phật thủ, ông Giáp còn phát triển thành cây thất quả, cửu quả khi ghép thêm nhiều giống như cam Vinh, cam đường, cam canh bưởi đỏ, bưởi thơm, bưởi Diễn, bưởi da xanh ....
Phật thủ ghép với cam Vinh
Hiện tại số lượng cây ngũ thất cửu quả trong vườn ông Giáp lên tới 300 cây
Không chỉ phong phú về loại quả, vườn cây của ông còn được chăm chút kĩ đến cả dáng cây, thế cây. Ông cho biết giá của cây cảnh phụ thuộc ít vào số lượng quả mà chủ yếu vào thế cây, dáng cây và kích thước. Nhiều ngày, ông chủ ăn ngủ tại vườn chăm cây để tạo ra những dáng cây đẹp: Dáng trực, dáng huyền, dáng con rồng; tán lá cũng tạo kiểu dáng tháp, dáng chiêu, dáng xòe ....
Phật thủ ghép với cam canh, bưởi
Ông Giáp cũng chia sẻ việc chăm sóc cây cảnh rất cầu kì: “Khi bắt tay vào làm, nhiều người còn cản tôi vì nghĩ không trồng nổi. Qua từng năm, tôi lại rút thêm kinh nghiệm, mở rộng diện tích dần. Từ tháng 6 hàng năm sẽ bắt đầu ghép quả tùy thuộc vào từng loại”.
Theo đó, tháng 6 là mùa ghép bưởi; tháng 7 ghép cam, chanh, quýt, phật thủ, cònquất thì ghép muộn hơn là tháng 10. Khi ghép, tất cả các loại quả phải còn xanh, và phải làm giỏ để tránh rụng. Để quả ghép được phát triển tốt nhất, bí quyết của ông Giáp là phun nước rửa sương lên tán cây trước khi có mặt trời.
Ghép bưởi với cam canh
Anh Nguyễn Bá Quân, đã có kinh nghiệm 7 năm chăm sóc vườn cây này chia sẻ: “Chăm sóc cây cam bình thường đã khó, chăm cây cảnh nhiểu quả còn kì công hơn. Mùa đông thì một ngày tưới 1 lần vào chiều tối, mùa hè ngày tuới 2 lần sáng và chiều. Ngoài ra còn phải cung cấp chất dinh dưỡng cho cây...”.
Chăm sóc cây ghép khó hơn và tỉ mỉ hơn so với chăm sóc cây thường
Ông Nguyễn Đăng Cường, Bí thư Đảng ủy xã Cao Viên đánh giá mô hình chuyển đổi trồng cây ăn quả của ông Giáp: “Trong không khí đón xuân, một cây có đủ không khí cổ truyền với ngũ quả hay bày trên mâm là rất phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi luôn khuyết khích mở rộng diện tích”.
Mỗi khi vào mùa, vườn cây thường thuê khoảng 6 nhân công chăm sóc vườn cây nhưng công đoạn ghép quả đòi hỏi nhiều kĩ thuật thì ông Giáp phải tự làm. Nhiều khách mua cây về sau 1 năm chơi Tết lại gửi cây để chăm sóc, ghép lại chơi năm tiếp theo. Thời gian trong năm. ông còn đi nhiều tỉnh thành hướng dẫn kĩ thuật trồng cây ăn quả cũng như cây cảnh cho nhiều nông dân khác. Năm 2012, ông được công nhận là Công dân tiêu biểu Thủ đô.
Vườn phật thủ, bưởi sai trĩu quả
Hiện tại giá cây cảnh trong vườn của ông dao động từ 2-15 triệu/cây.