Cây vạn niên thanh có tên khoa học là Dieffenbachia maculata. Chúng còn có một tên gọi dân dã hơn là cây trầu bà với chiều cao từ 5-60cm.
Vạn niên thanh là cây leo, thân mảnh, lá xanh bóng có kích thước rộng từ 3,5-6mm, hình bầu dục thuôn nhọn đầu, mở rộng ở gốc hình tim. Trên mặt lá nổi bật các đốm trắng vàng hay ánh bạc. Hoa của chúng mọc thành từng bông màu xanh.
Lợi ích của cây vạn niên thanh
Cây được nhiều người ưa thích trồng trong nhà hoặc trong các cơ quan bởi tính thẩm mỹ, tạo nên không gian xanh và đầy sức sống hơn. Vì thuộc giống cây leo nên nếu trồng thành giàn trên ban công hoặc tường nhà sẽ càng làm đẹp thêm cho không gian sống của bạn.
Khi cây còn nhỏ, bạn có thể để trong chậu và đặt trang trí trên bàn, như vậy sẽ đẹp và sinh động hơn.
Ngoài để trang trí, cây vạn niên thanh còn có khả năng lọc sạch không khí, khử bớt các khí độc do môi trường hoặc các bức xạ từ các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính,... Nếu cây sinh trưởng và phát triển tốt, cây sẽ càng thanh lọc không khí hiệu quả hơn đặc biệt là ở những nơi nhiều khói bụi. Chính vì vậy, vạn niên thanh được xếp loại là một trong những loại cây có khả năng hấp thụ độc tố tốt nhất.
Ý nghĩa phong thủy
Cây vạn niên thanh như một món quà tinh thần đối với bất cứ ai trồng chúng trong nhà bởi cây tạo cảm giác dễ chịu, thoải mái, tăng hiệu quả công việc và giảm căng thẳng.
Ngoài ra, cây còn mang đến cho gia chủ sự sung túc, may mắn và tài lộc, tượng trưng cho sự cát tường, thịnh vượng. Bởi vậy mà chúng thường được đem làm quà tặng mừng tân gia hay chúc mừng năm mới.
Nếu trồng cây vào dịp lễ tết sẽ mang ý nghĩa sung túc, tốt đẹp, còn nếu dùng để trang trí trong ngày cưới sẽ ngụ ý cầu chúc gia đình đầm ấm, hạnh phúc; trong lễ mừng thọ sẽ có ý chúc sống lâu.
Cách trồng và chăm sóc
- Vị trí: Cây vạn niên thanh ưa bóng mát và thích những nơi thoáng đáng, mát mẻ, bạn nên hạn chế để chúng ra nắng làm chết cây.
- Đất: Dùng đất trồng bình thường nhưng phải tơi xốp. Sau 2 năm thì thay chậu một lần, đồng thời loại bỏ những thân cây trụi lá để thúc đẩy ra chồi non. Phải luôn nhớ đảm bảo duy trì độ ẩm cho đất.
- Nước: Nên tưới nước có độ ấm bằng nhiệt độ phòng. Mùa xuân, mùa hè cần phải tưới nước nhiều hơn cho cây, đất quá khô hay quá ẩm đều sẽ làm xuất hiện đốm trên lá. Cần phun đều nước trên mặt lá để cây hấp thụ tốt nhất.
- Bón phân: Trong thời kỳ sinh trưởng của cây, nên nhớ bón phân đạm để cây nhanh lớn. Nhưng khi cây đã trưởng thành thì nên hạn chế bón phân để giữ cho hình dáng cây ổn định.
- Thường xuyên làm sạch lá, đặc biệt là mặt dưới để ngăn cản sự tấn công của sâu bọ. Để cây sinh trưởng, cần giữ ở nhiệt độ dưới 25 độ C.
Dù có khả năng làm sạch môi trường nhưng cây vạn niên thanh khá độc nếu chạm phải nhựa cây hay nuốt phải lá, gây dị ứng, bỏng rát lưỡi, họng. Vì thế, cần đặt cây ở những vị trí khó với tới nếu trồng cây trong nhà và có trẻ nhỏ.