Nhiều người yêu thích vẻ ngoài mượt mà của sàn bê-tông được đánh bóng trong phòng bếp, nhưng bê-tông cùng với những bề mặt sàn không đàn hồi khác như đá, gốm sứ, gạch men... có thể gây ra một số tai nạn và tổn thương cho các khớp xương của bạn.
Nhiều chủ nhà đã lên tiếng phàn nan, kêu than rằng họ hối hận khi lựa chọn vật liệu cứng để làm sàn phòng bếp, bởi vị họ cảm thấy đầu gối, hông và lưng đau nhức sau khi đứng, đi lại trên nó một thời gian dài.
May mắn thay, có rất nhiều loại sàn phòng bếp có tính đàn hồi cao, mềm mại, đảm bảo tính chức năng và trông rất đẹp mắt.
1. Gỗ Cork (Gỗ xốp)
Được chế tạo từ vỏ cây sồi, gỗ Cork là một lựa chọn tuyệt vời cho sàn phòng bếp vì nó có độ xốp cao. Sàn gỗ Cork có nhiều màu sắc, họa tiết và kết cấu khác nhau, với định dạng gạch hoặc tấm ván.
Nhược điểm của gỗ Cork là dễ bị trầy xước và sứt mẻ. Bạn có thể hạn chế tình trạng này bằng cách thường xuyên bổ sung một lớp bảo vệ bề mặt bằng sáp hoặc polyurethane, sử dụng miếng đệm bên dưới chân của đồ nội thất.
Gỗ Cork rất bền, có khả năng chống cháy, ngăn ngừa mối một và vi khuẩn.
2. Vải sơn lót sàn
Đừng nhầm lẫn với sàn nhà vinyl, vải sơn lót sàn được làm từ những chất liệu hoàn toàn tự nhiên và có thể tái tạo lại như dầu hạt lanh, vỏ gỗ sồi, nhựa cây, bột gỗ Cork, màu... Nó mềm mại với đôi chân nhưng khá bền, đi kèm với một loạt màu sắc và họa tiết.
Tương tự như gỗ Cork, áp dụng và duy trì một lớp bảo vệ bề mặt sẽ giúp nó bền đẹp trong nhiều năm.
Với 100% thành phần tự nhiên, vải sơn lót sàn không bao giờ thải ra chất độc hại, cực kỳ an toàn với con người.
3. Cao su
Đây là lựa chọn có phần lạ lẫm đối với phòng bếp, nhưng sàn nhà cao su đang ngày càng phổ biến hơn. Mềm mại, đàn hồi và có độ bền cao, sàn nhà cao su luôn là "ứng cử viên" lý tưởng nếu bạn muốn đứng hàng giờ trong bếp mà không phải chịu đựng những cơn đau nhức về sau.
Trên thị trường, sàn nhà cao su có 2 dạng là gạch và tấm lát, sử dụng keo dán và phải được dán lại mỗi năm hoặc 2 năm/lần tùy thuộc vào mật độ di chuyển nhiều hay ít.
Với các tính năng ưu việt, sàn nhà cao su giảm thiểu tối đa tổn thương cho người dùng.
4. Vinyl
Là lựa chọn "giá mềm", sàn nhà vinyl có cả 2 dạng gạch và tấm lát với vô số phong cách và màu sắc. Tuy nhiên, độ bền của nó thua kém nhiều vật liệu sàn nhà có tính đàn hồi khác và nhanh bị đổi màu, xỉn màu. Vì thế, tuổi thọ của sàn vinyl cũng ngắn hơn.
Thế mạnh của sàn vinyl là chịu được hơi ẩm, gỉ sét, chống tĩnh điện và chống lửa tốt.
5. Gỗ
Gỗ vẫn luôn là vật liệu sàn nhà rất được yêu thích sử dụng trong phòng bếp, thân thiện với hệ xương của con người hơn so với sàn đá, bê-tông, gốm sứ, gạch men... Nó cũng mang lại cảm giác ấm áp hơn hẳn các vật liệu không đàn hồi.
Một số hạn chế của gỗ là dễ bị trầy xước, dễ đổi màu, xỉn màu và chịu nước kém. Tuy nhiên, nếu được đánh bóng sau khi thi công, sàn gỗ sẽ có khả năng chống chịu nước và bụi bẩn.
Ngày nay, xu hướng dùng sàn ốp gỗ trong trang trí nhà cửa đang là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều gia đình.
6. Tre
Tre cũng có những ưu điểm và nhược điểm tương tự như gỗ. Nó hiển nhiên là lựa chọn tốt nếu bạn đang tìm kiếm một vật liệu bền vững cho sàn phòng bếp. Không phải tất cả sàn nhà tre đều giống nhau. Bạn nên sử dụng sàn nhà tre Moso - được đánh giá là chất lượng và bền nhất.
Sàn tre rất phù hợp với khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam, không có chất độc hại.
7. Ván gỗ Laminate
Giống với các sản phẩm sàn vinyl, ván gỗ Laminate có giá thành hợp lý, mềm mại với đôi chân khi so sánh với các vật liệu sàn cứng. Nó có khả năng chống chịu với nước tốt hơn sàn gỗ, nhưng do không phải là vật liệu rắn nên không thể làm mới lại nếu bị phá hủy.
Laminate hơn hẳn các vật liệu bề mặt khác nhờ các tính năng vượt trội như chịu xước, chịu va đập, chịu nhiệt, chịu ăn mòn, chống mối mọt và vi khuẩn, chống tĩnh điện... và đa dạng về màu sắc, hoa văn.
Xem thêm Phòng bếp, phòng ăn: