Theo kinh nghiệm thu được từ sở thích trồng và ăn dâu tây của Diễm Hằng thì đây là giống cây ôn đới, chịu rét tốt và hơi sợ nóng, dễ nhân giống.
Thời điểm và điều kiện trồng
Với thời tiết ở châu Âu, xuống đất cho cây tầm tháng 5, nhiệt độ rơi vào quãng 16 - 22 độ C là thích hợp để cây bén rễ. Do chịu rét tốt nên khi trồng vào mùa thu, cây kịp bén rễ trước đợt đóng băng và mùa xuân năm sau sẽ đậu quả. Nhà mình trồng vào quãng tháng 9 năm ngoái. Mùa đông ít nắng, lúc đầu cây hơi tiêu điều nhưng chăm bón đúng thời điểm và đủ chất nên đầu năm nay quả sai trĩu trịt và rất um tùm.
Ở Việt Nam, thời điểm thích hợp để trồng cây có lẽ là mùa thu, tầm tháng 9 - 10 vì mùa hè hơi nóng.
Nơi trồng
Dâu tây tương đối dễ tính nên trồng ở vườn hay trong chậu đều được.
Nhà mình sống trong căn hộ, có ban công nhỏ hướng Đông nhiều sáng nên mình tranh thủ ra chợ mua 2 cây dâu tây giống về trồng. Chậu nhà mình sâu 20 cm và rộng 60 cm, đủ để các em dâu tây sống rất tốt.
Cây dâu tây giống bán tại cửa hàng.
Cách trồng
Trong chậu cây 20x60 cm mình trồng mỗi cây một đầu vì khoảng cách thích hợp giữa 2 cây rơi vào quãng tầm 40 cm.
Chậu cây
Bạn cần chuẩn bị:
- Chậu cây sâu từ 20 - 30 cm
- Bay trồng cây
- Sỏi
- Đất tơi xốp
- Thức ăn cho cây: Phân bón bán sẵn hoặc tự ủ
Mình rải lớp sỏi ở đáy chậu để đảm bảo việc thoát nước trong chậu, trộn đều đất và phân rồi đổ đất đầy chậu. Đào mỗi đầu một lỗ tầm 10 cm, gần chạm tới đáy. Để cây dễ dàng bén rễ, mình cho một lớp bùn nhỏ xuống đáy. Hoặc các bạn có thể đổ nước vào hố đã đào cho đất ở dưới có dạng bùn lỏng rồi cho cây "nhập thổ".
Lưu ý, giữa phần thân và phần rễ cây có một đoạn vẩy hình tam giác màu ngả hồng. Khi trồng, lấp đất đến phần vẩy tam giác này chìa ra trên mặt đất là vừa đủ.
Độ nông sâu khi lấp đất
Lấp đất đến quãng như vạch xanh trong hình là được. Sau đó nén đất một chút và tưới đẫm nước. Thời gian đầu cây cần nhiều nước nhưng vẫn phải đảm bảo chậu thoát nước tốt, không bị úng rễ. Trong hai tuần đầu nên tưới nhiều nước cho cây và chia ra làm nhiều lần trong ngày.
Cách chăm bón
Cây dâu tây cần ánh nắng, ban công nhà mình hướng Đông nên lá cây lớn và ra nhiều hoa, đậu quả và chín đỏ rất nhanh.
Ở Việt Nam nên tránh tưới cây vào buổi trưa, nên tưới cây vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn là thích hợp nhất. Mùa hè nắng gắt nên chuyển cây vào chỗ râm mát để bảo vệ cây khỏi bị cháy nắng và dễ bị vàng úa. Vị trí tốt nhất là gần cửa sổ hoặc ban công nơi có ánh nắng không liên tục (buổi sáng có nắng và từ buổi trưa là râm mát hoặc chỗ có ánh nắng chiều chiếu vào).
Bón phân cho cây nên bón thúc lúc cây sắp đậu quả. Mình bón vào tầm tháng 1, cây lớn quang hợp tốt nên tháng 4 ra rất nhiều quả.
Ở Pháp, theo kinh nghiệm dân gian thì cây tầm gai chứa rất nhiều chất, đặc biệt là Magie kích thích sự trổ lá - lò sản xuất năng lượng của cây (quang hợp). Thêm nữa phân ủ từ lá tầm gai còn có tác dụng diệt sâu bọ, kẻ thù chuyên lăm le rình rập "hút máu" các cây dâu tây của mình. Lá tầm gai mọc rất nhiều ven đường nên loại phân tự ủ này rất "ngon - bổ - rẻ".
Cách ủ
Lá tầm gai.
Nhà căn hộ không có vườn nên việc ủ phân tưởng như là nhiệm vụ bất khả thi. Ấy vậy mà mình vẫn thành công tự chế ra thức ăn yêu thích của dâu tây nhà mình.
Tháng 1 mình đi hái 200g lá tầm gai về xay nhuyễn, cho vào chai nhựa 1.5 lít và rót đầy nước. Mình để chai mở ngoài ban công 2 tuần, phân ngấu và sủi bọt. Thỉnh thoảng phải đảo phân bằng cách đậy nắp và sóc đều.
Khoảng 2 - 3 tuần tùy thời tiết nóng lạnh (lạnh thì lâu hơn mà nóng thì phân ngấu nhanh), mình pha thêm 3 lít nước vào chỗ phân đã ủ và tưới.
Kết quả, cả khu vực trước cửa nhà bị rệp cây tấn công, bọ xít đe dọa mà cây nhà mình thì lớn nhanh như thổi, sâu bọ không dám bén mảng đến gần.
Nhân giống và thu hoạch
Một năm mình ăn được hai vụ quả. Các bạn để ý từ lúc quả bắt đầu chuyển màu đỏ khoảng 4 - 5 ngày là chín, hái xuống để quả bên cạnh lớn, mấy hôm sau lại hái ăn tiếp. Dâu tự trồng quả không quá to nhưng rất thơm và ngọt. Có lẽ là cảm giác do tay mình tự trồng cũng nên.
Cây dâu tây rất dễ nhân giống, không cần gieo hạt. Các bạn theo dõi cây dâu tây khi đã lớn, sẽ xuất hiên chồi cây, có búp xanh ở đầu và có xu hướng leo dài.
Nhà mình lúc đầu chỉ trồng dâu trong một chậu, chậu bên cạnh trông cà chua. Bỗng một ngày đẹp trời, mình ra xem thấy có thêm 2 cây mới. Chồi dâu vươn dài và xâm chiếm cả sang bên chậu thứ hai. Thế là nhà mình đầu tư 2 cây con và bây giờ đã nhân ra làm 4 khóm trên hai chậu cây ngoài ban công.
Nếu thấy chồi này vươn dài và các bạn muốn có thêm cây dâu thì chỉ cần để bên cạnh chậu ban đầu một chậu mới, sau đó dấm chồi xuống đất, nó sẽ tự mọc rễ và phát triển thành cây mới. Nếu không muốn thì nên cắt bỏ để đỡ tốn dinh dưỡng.
Chúc các bạn thành công và có thật nhiều dâu sạch ăn.