Có một mảnh vườn nho nhỏ để thỏa sức trồng rau, trồng hoa là ước mơ của nhiều người. Thế nhưng khi có được mảnh đất rồi, có phải ai cũng biết cách vun xới để có những luống rau xanh mướt mắt, có những gốc hoa nở rộ đâu. Phải chịu khó học hỏi, đúc kết kinh nghiệm mới có thể có rau xanh để ăn, hoa đẹp để ngắm được.
Khu vườn đủ loại hoa, rau, trái của nữ giáo viên
Chị Kim Dung (50 tuổi, sống ở Bắc Giang) cũng từng trải qua một giai đoạn khó khăn, chị phải tìm tòi học hỏi rất nhiều mới có được mảnh vườn ngập rau quả, hoa lá như ngày hôm nay. Nữ giáo viên cho biết, khi bắt tay cải tạo vườn nhà vào 8 năm trước, chị gặp phải không ít khó khăn như đất cằn cỗi, khô cứng, trồng rau thì cây yếu ớt, chậm phát triển, nhiều sâu bệnh.
Chị Kim Dung chia sẻ, chị đã làm vườn được 8 năm.
Sau này chị học hỏi kinh nghiệm của hàng xóm, lên mạng đọc kiến thức, tìm hiểu cách cải tạo đất từ các hội nhóm trồng rau, làm vườn mới vỡ ra được nhiều điều. Sau đó, chị mua đất màu về phủ một lớp lên toàn bộ bề mặt vườn để đảm bảo đất có dinh dưỡng, thích hợp trồng trọt.
Đến thời điểm hiện tại, khu vườn của chị Kim Dung có 90m2 dành để trồng cây ăn quả như chuối, ổi, mít, táo, chanh, quất,… Bên cạnh đó, chị còn có khoảng 50m2 đất dành để trồng rau theo mùa như rau muống, mồng tơi, rau dền, cải bắp, cải bó xôi, cải canh, cải ngọt, rau ngót, su hào,… và nhiều loại rau thơm như kinh giới, mùi tàu, diếp cá, tía tô, ngải cứu,… Trên giàn thì trồng bầu, bí, mướp theo mùa.
Đáng nói, chị còn dùng những viên gạch để phân chia thành từng luống rau, cũng như tạo đường đi, khiến khu vườn vừa đẹp mắt, gọn gàng lại thuận tiện cho việc di chuyển ra vườn hái rau.
Không những trồng rau, cây ăn quả, nữ giáo viên còn trồng hoa xung quanh vườn nhà như lan tỏi, mai hoàng yến, hoa hồng, đồng tiền, ngũ sắc, hoa cúc, thanh tú,… Nhờ đó mà khu vườn của chị vừa có sắc vừa có hương.
Hoa đua nhau khoe sắc trong vườn nhà.
Nữ giáo viên “hóa bà đồng nát”, chia sẻ bí quyết trồng rau
Càng làm vườn chị Kim Dung càng yêu, càng quý mảnh vườn nhỏ của mình hơn. Thậm chí có khi trời nắng chang chang, chị vẫn “không biết đường” chạy vào nhà mà vẫn cặm cụi ngoài vườn. Rồi đi đến đâu chị cũng thu gom, nhặt nhạnh nên được mọi người gọi với cái tên “siêu yêu” là “bà đồng nát”.
“Tôi muốn tự trồng rau củ quả phục vụ bữa ăn gia đình. Tôi thích tự gieo hạt, ươm cây, muốn tận dụng rác thải từ nhiều nguồn. Tôi cũng thích nhà cửa sạch sẽ, sân vườn gọn ghẽ nên tôi đã tận dụng hết những gì có thể. Đi đến đâu cũng thu gom, nhặt nhạnh.
Chính vì thế mà mọi người vẫn gọi tôi với cái tên siêu yêu bà đồng nát. Nhiều lúc cũng thấy xấu hổ ghê nhưng đã nghiện thì sao phải ngại. Trộm vía là nhiều lúc ngắm khu vườn cũng ưng cái bụng ghê. Nhìn rau quả, hoa lá trong vườn thấy mình cũng làm được nhiều việc có ý nghĩa lắm”, nữ giáo viên cười.
Cây ăn quả trong vườn nhà chị Kim Dung.
Chia sẻ về kinh phí làm vườn, chị Kim Dung cho biết chị đầu tư không nhiều tiền của cho mảnh vườn này, vì phần lớn là tận dụng và đi xin. Chẳng hạn như cây giống thì chị chủ yếu gieo hạt được tặng từ các cuộc thi trên các hội nhóm và đăng ký nhận hạt 0 đồng từ các cửa hàng hạt giống uy tín.
Về làm giàn cho cây dây leo, chị có mua que nhưng ít, chủ yếu là đi chặt cây về để làm. Hay chậu ươm cây chị cũng toàn đi nhặt nhạnh những chiếc cốc trà sữa, cốc dùng một lần, đem rửa sạch rồi tái sử dụng.
Chị nhặt nhạnh những chiếc cốc nhựa về để dùng ươm cây, cũng là để bảo vệ môi trường.
Chia sẻ về cách gieo hạt, chị Kim Dung nói: “Mỗi người có cách gieo hạt riêng nhưng mục đích đều muốn những hạt giống mình gieo sẽ nảy mầm và sống khỏe. Người chọn cách ngâm hạt, ủ hạt. Người chọn cách gieo thẳng luôn. Tôi luôn chọn cách 2 đối với tất cả các loại hạt là gieo thẳng, không ngâm hạt, không ủ hạt.
Cụ thể là sau khi xử lý đất và trộn với chút phân mục, vỏ trứng bóp vụn, trấu hun dở, nếu là luống tôi sẽ rắc hạt rất thưa trên bề mặt luống và rắc lại lần 2, cuối cùng rắc 1 lượt trấu hun dở phủ lên trên và tưới ẩm sớm tối.
Nếu là chậu hoặc cốc nhỏ, dùng đầu ngón tay tạo lỗ thật nông và cho hạt vào, rắc chút đất mùn mỏng phủ hạt và sau đó rắc lớp trấu hun trên bề mặt cốc, chậu để giúp cho việc tưới nước không bị dí chặt bề mặt đất”.
Về phân bón, chị Kim Dung kết hợp cả 2 loại là phân hóa học và phân hữu cơ. Phân hóa học thường bón tưới lúc cây còn nhỏ, kết hợp với phân hữu cơ tự làm như nước vo gạo, nước ủ rác từ gốc rau vỏ củ quả, đạm cá tự ủ, nước chuối ngâm, phân gà ngâm... để kích thích cây nhanh lớn.
Khi cây lớn rồi, chị chủ yếu tưới bón phân hữu cơ tự làm. “Dịch chuối ngâm tôi tận dụng từ chuối trong vườn nhà. Phân gà nagam cũng tận dụng phân từ mấy con gà tôi nuôi”, chị Kim Dung cho hay.
Chị Kim Dung ủ rác lấy nước tưới rau và bã trồng cây. Tất cả gốc rau củ quả, cây lá trong vườn không sử dụng chị đều cho vào ủ hết.
Về phòng trừ sâu bệnh, chị thường dùng thuốc sinh học BioB và neem oil.
“Làm vườn đôi lúc cũng hơi vất vả, phải đổ mồ hôi, rót công sức nhiều nhưng được cái làm vườn mang lại cảm giác thoải mái, giảm căng thẳng. Tôi có được nhiều niềm vui mỗi khi ra vườn, vì ở vườn tôi được ngắm rau xanh lớn lên từng ngày, được nhìn thấy nhiều loại quả sạch. Thực sự rất thú vị và vui khôn tả”, nữ giáo viên tâm sự.