Ở châu Á, gạo được xem là lương thực chính của con người, tượng trưng cho sự no đủ. Chính vì vậy nhiều người tin rằng thùng gạo cũng có tác dụng phong thủy. Nếu kê đặt thùng gạo “đúng phong thủy” thì có thể thu hút tiền bạc, của cải vào nhà, đồng thời hạn chế hao hụt tiền bạc, những điều không may xảy ra với gia đình.
Nên đặt thùng gạo ở đâu?
Thùng gạo thường được đặt ở khu vực nhà bếp để tiện sử dụng, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc bạn có thể kê đặt lung tung ở không gian này. Phong thủy xưa quan niệm rằng, lúa gạo được trồng lên từ đất nên thùng gạo sẽ thuộc hành Thổ.
Hướng Đông, Đông Nam là Mộc, Mộc khắc Thổ nên không thích hợp đặt thùng gạo ở đây, nếu không tài lộc sẽ đi xuống, gia đình gặp nhiều trắc trở. Còn hướng Tây, Đông Bắc là hướng của hành Thổ nên có thể đặt thùng gạo ở vị trí này.
Nguyên tắc “2 kín - 1 đầy” khi đặt thùng gạo
- “2 kín”: Đậy kín, để nơi kín
Thùng gạo tốt nhất nên để ở những nơi sạch sẽ, đậy kín để tránh bụi bẩn rơi vào hay chuột gián tấn công làm gạo nhanh hỏng hoặc gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, bạn cũng nên để thùng gạo ở những nơi khô ráo để tránh gạo dễ bị ẩm mốc, hỏng.
Còn trong phong thủy, thùng gạo là kho lương của gia đình nên phải cất đặt ở nơi kín đáo, tuyệt đối không nên vừa bước vào cửa đã nhìn thấy. Nếu không tài lộc rất dễ bị hao hụt, kinh tế đi xuống. Tốt hơn hết nên đặt thùng gạo ở vị trí khuất trong nhà bếp nhưng dễ lấy.
- “1 đầy”: Để thùng gạo luôn đầy, tuyệt đối không để thùng hết gạo
Theo quan niệm của người xưa, thùng gạo đại diện cho tài lộc cũng như sự no đủ, sung túc của gia đình. Do đó gia chủ nên giữ cho thùng gạo được đầy, như vậy được coi là tài lộc vượng lại.
Nếu gạo trong thùng hết nhẵn thì chắc khác nào tiền vừa vào cửa trước đã ra cửa sau. Vì vậy khi thấy thùng gạo sắp hết, gia chủ nên mua tiếp đợt gạo mới để đổ đầy thùng để tránh thất thoát tài lộc cũng như gặp phải những chuyện xui xẻo.
*Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo!