Nằm ở tổ dân cư số 2, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, con ngõ nhỏ Ao Dài nhanh chóng được nhiều người đi ngang qua đây chú ý, không chỉ bởi cái tên rất độc đáo mà còn bởi những bức họa tuyệt đẹp và vô cùng sinh động ngay ở hai bên tường đầu ngõ.
Cách chỉ đường vào ngõ Ao Dài khiến nhiều người đã từng đến đây cảm thấy thú vị. Không phải là biển chỉ dẫn, đó là những bức vẽ sắc màu trên tường, những hình ảnh chỉ đường cách điệu mà có lẽ ít nơi có.
Cách chỉ đường vào ngõ Ao Dài rất ấn tượng.
Có lẽ nhiều người sẽ nhớ đến những kỉ niệm tuổi thơ không thể nào quên của mình, nhớ đến những lần tất bật làm báo tường trên lớp học khi đi qua con ngõ nhỏ này. Những câu chữ khẩu hiệu, bức tranh tuyên truyền hay tranh vẽ về đời sống dân gian đều được truyền tải đến mọi người một cách vô cùng ấn tượng thông qua những sắc màu sinh động.
Được biết những bức vẽ này do một tay cụ Cao Chí Thịnh – một người cao niên trong khu phố thực hiện. Không phải là họa sĩ chuyên nghiệp nhưng cụ Thịnh lại có niềm đam mê với những nét vẽ. Mặc dù hiện nay do vấn đề sức khỏe, cụ Thịnh đang nằm viện nên không thể chia sẻ về lịch sử cũng như ý nghĩa và thời gian của từng bức tranh, nhưng theo lời kể của người dân sống ở đây, những bức vẽ này đã có từ lâu rồi.
Những bức tranh sinh động khiến mọi người thích thú mỗi lần đi qua ngõ.
Những chậu cây trang trí khắp trục đường chính do chi hội phụ nữ của phường thiết kế và lắp đặt.
Chị Ngô Thị Tân (hàng xóm của cụ Cao Chí Thịnh) cho biết: “Những bức tranh tường này được vẽ từ những năm 1999 -2000. Cụ Thịnh rất thích vẽ, đầu tiên cụ đóng bộ bàn ghế rồi vẽ lên bàn ghế. Sau đó cụ vẽ lên tường nhà mình. Mọi người nhìn thích nên đã nhờ cụ vẽ. Gần 20 năm nay, mỗi lần nét vẽ trên tường bị phai đi bởi mưa gió, thời gian, cụ lại lấy sơn tô lại những bức tranh đó.
Một mình cụ bỏ tiền và bỏ công sức mua sơn vẽ làm đẹp cho con phố này. Tôi rất thích những bức vẽ của cụ, không chỉ làm đẹp khu dân cư mà còn tuyên truyền được nhiều thông điệp có ý nghĩa”.
Cũng chia sẻ về cụ Thịnh – chủ nhân của những bức tranh đặc biệt ở tổ dân cư, ông Phạm Giao Hoàn (79 tuổi) cho biết thêm: “Cụ Thịnh thường vẽ theo cảm hứng của mình. Trước cụ làm bảo vệ ở Bộ nội thương, xong làm ở bao bì xuất khẩu. Cụ có năng khiếu vẽ tay nên cụ rất thích vẽ. Các cháu tôi cũng rất hay ra đây ngắm tranh và đọc những bài thơ, dòng chữ ở đây”.
Các bức vẽ đã làm đẹp hơn con ngõ ngỏ Ao Dài này.
Tuy đã 95 tuổi, sức yếu, tay chân run nhưng cụ vẫn một mình cần mẫn vẽ. Thậm chí, có khi nhìn thấy chỗ tranh nào trên tường bị hoen ố, mờ nét, cụ vẫn lụi cụi đi tô lại chúng. Không cần tiền bạc hay những lời khen của mọi người, cụ làm đơn giản chỉ vì đam mê, chỉ vì muốn cống hiến những điều có ích cho xã hội. Và đặc biệt, cụ muốn những bức vẽ của mình góp một phần giáo dục cho con cháu mai sau luôn sống có ích.
Những bức tranh tuyên truyền trồng cây và giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp được thể hiện bắt mắt.
Cả những bức tranh về trẻ em, gia đình cũng đều được cụ Thịnh chăm chút trên từng khoảng tường.
Ghế đá cũng được ghi thơ, trang trí cách điệu.
Những bức tranh của cụ đều có khẩu hiệu vô cùng dễ nhớ và quen thuộc.
Những bài thơ về Bác được ghi lên tường để giáo dục các cháu nhỏ mai sau.
Ngôi nhà nhỏ cấp 4 của cụ Thịnh cũng tràn ngập những bức tranh. Đặc biệt, trước nhà còn có chong chóng bằng sắt, mỗi lần có gió là hàng chong chóng lại kêu leng keng nghe rất vui tai.
(Video VTV)