Tuy không còn vẻ nguy nga tráng lệ nguyên vẹn như ở nhiều thế kỉ trước, nhưng những dấu tích ở Lam Kinh vẫn như một chứng nhân của lịch sử về một thời hưng thịnh và hào hùng của dân tộc.
Nhân vật tạo lập ra Lam Kinh là Lê Thái Tổ. Sau 10 năm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 1428) đánh đuổi giặc nhà Minh và lên ngôi hoàng đế, đóng đô ở Đông Kinh (Thăng Long – Hà Nội), vua Lê Thái Tổ lấy niên hiệu là Thuận Thiên thứ nhất, đồng thời nhà vua cho xây dựng ở quê hương đất tổ Lam Sơn một kinh thành gọi là Lam Kinh hay còn có tên khác là Tây Kinh. Đây là nơi để các vua và hoàng tử nghỉ ngơi mỗi khi trở về thăm quê, đồng thời cũng là nơi ở của quan lại trông coi kinh thành. Thành Lam Kinh rộng khoảng 30ha, gồm những lăng phần, đền miếu và một hành cung của các vua nhà Lê Sơ mỗi lần về bái yết tổ tiên.
Sân rồng và ngọ môn. Sân rồng là một trong những kiến trúc có diện tích lớn nhất trong khu trung tâm của điện Lam Kinh, nằm tại phía sau Ngọ môn, chính giữa có 3 lối đi lên chính điện theo bậc thềm rồng.
Thành điện Lam Kinh phía Bắc dựa vào núi Dầu, phía trước thành hướng về phía Nam và nhìn ra sông Chu – có núi Chúa làm bình phong, bên trái là rừng Phú Lâm, bên phải là núi Hương và núi Hàm Rồng chắn phía Tây. Khu hoàng thành, cung điện và thái miếu ở Lam Kinh được bố trí xây dựng theo trục Nam – Bắc trên một khoảng đồi gò có hình dáng chữ “vương”. Bốn mặt xây thành có chiều dài 314m, bề ngang 254m, tường thành phía Bắc hình cánh cung có bán kính 164m và dày 1m. Những cuộc khảo cổ và dấu tích còn lại cho thấy, nơi đây xưa kia từng tồn tại ngọ môn, sân rồng, chính điện, khu thái miếu… nguy nga tráng lệ.
Theo tư liệu lịch sử và khảo cổ học, chính điện Lam Kinh được dựng ngay sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà (năm 1433). Bố cục mặt bằng của kiến trúc này có dạng hình chữ “công”, với tổng diện tích là 1.645,04m2, gồm 3 tòa điện chính: Quang Đức, Sùng Hiếu và Diên Khánh. Hiện nay, trong khu vực này chỉ còn lại dấu tích nền móng, với 127 tảng kê chân cột, nền lát, bó vỉa cùng một số hiện vật khác.
Đến với quần thể di tích Lam Kinh, không thể không kể đến khu lăng tẩm của các Vua Chúa thời Lê. Đầu tiên phải kể đến là Vĩnh Lăng (lăng vua Lê Thái Tổ).
Thái miếu: là nơi thờ cúng tổ tiên, các vị vua và hoàng thái hậu nhà Lê. Theo kết quả khai quật khảo cổ, trong khu vực này gồm 9 tòa kiến trúc. Hiện nay, đã tôn tạo, phục hồi được 5 tòa là tòa số 3, 4, 5, 6, 7.
Giếng Ngọc và sông Ngọc với dòng nước trong xanh
Lăng được xây dựng trên một dải đất bằng phẳng cách điện Lam Kinh 50m. Vĩnh Lăng được chọn đặt ở một thế rất đẹp, phía trước có minh đường rộng rãi và bình phong là núi Chúa, phía sau có gối tựa núi Dầu, hai bên tả, hữu có hai dãy núi tạo thế “hổ phục rồng chầu”. Đối diện lại có sông làm “bạch hổ”.
Bố cục và phong cách mai táng của Vĩnh Lăng đơn giản nhưng tôn nghiêm, tự nhiên mà trang nhã. Lăng đắp đất hình lập phương, xung quanh xây chèn bằng đá đục ở bên ngoài, có kích thước 4,4 x 1m. Trước lăng có hai hàng tượng quan hầu và tượng các con giống tạc bằng đá dựng ở đây để trấn trạch (bốn đôi con giống đối nhau theo thứ tự hai nghê, hai ngựa, hai tê giác, hai hổ). Giữa hai hàng tượng chầu vào là một lối đi rộng 2,25m gọi là đường “thần đạo”. Nhìn toàn cảnh lăng Lê Thái Tổ (Vĩnh Lăng) thật giản dị, gần gũi song rất tôn nghiêm và trang trọng
Bên cạnh đó còn có các lăng mộ khác như: Hựu Lăng: Lăng vua Lê Thái Tông; Lăng Khôn Nguyên: Lăng Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao (mẹ Vua Lê Thánh Tông) - Lăng này có điểm đặc biệt là tượng quan hầu là nữ quan; Chiêu Lăng: Lăng vua Lê Thánh Tông; Dụ Lăng: Lăng vua Lê Hiến Tông; Kính Lăng: Lăng vua Lê Túc Tông.
Bia Vĩnh Lăng – Bảo vật quốc gia
Bia Vĩnh Lăng được xây dựng trên một dải đất bằng phẳng, ở phía Nam chân núi Dầu, có chiều rộng 1,94m, cao 2,79m, dày 0,27m. Rùa có chiều dài 3,46m, rộng 1,94m và dày 0,90m. Trọng lượng nặng khoảng 18 tấn được dựng vào đầu thế kỷ XV (Thuận Thiên năm thứ 6).
Bia và rùa được làm bằng đá trầm tích, màu xám xanh có lẫn đốm trắng, bóng, trên bề mặt rùa và bia còn nhìn thấy nhiều vỏ của các loài nhuyễn thể. Mặt trước bia khắc khoảng 750 chữ Hán, nội dung văn bia viết chữ Chân, do thần Nguyễn Trãi soạn. Toàn văn ghi về chi tộc, ngày mất, thân thế và sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ, những sự kiện quan trọng diễn biến trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cũng như khi đất nước độc lập khải hoàn dưới thời vua Lê Thái Tổ.
Vĩnh Lăng, lăng vua Lê Thái Tổ và những con nghê đang canh gác trên sân
Bia Vĩnh Lăng được xem là tấm bia “độc nhất vô nhị”, vừa mang tính giáo dục truyền thống cho hậu thế và là tài liệu quý khi nghiên cứu về nghệ thuật trang trí, điêu khắc dưới thời Lê Sơ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.
Câu chuyện kì lạ về những loài “mộc tinh” ở Lam Kinh
Bên cạnh câu chuyện thú vị về cây ổi biết cười, người dân Lam Kinh còn truyền tai nhau về chuyện tình cây đa ôm cây thị. Chuyện rằng, xưa kia chỗ cây đa đang đứng sừng sững ngày nay là một cây thị, chim chóc thường về đậu trên cành thị mang theo quả đa về ăn nên hạt rơi xuống đất mọc thành cây. Sau này, cây đa mọc lên xanh tốt, bộ rễ phụ của cây đa thị rất đặc biệt, không vươn ra xa như các cây đa nhiều “gốc” khác mà ôm trọn gốc thị rồi hóa thành chung một gốc. Cây đa càng cao lớn với thân hình xù xì, gốc cây to phải đến chục người ôm không xuể.
Cây đa thị nổi tiếng với câu chuyện thú vị.
Cây thị sống trong lòng cây đa vẫn xanh tươi tốt lá, mỗi năm đều ra quả, tuy nhỏ, nhưng hương thơm tỏa rộng khắp. Đến năm 2007, cây thị già chết khô, chỉ còn những nhánh rễ quấn vào cây đa đang hiên ngang một góc trời. Năm 2013, cây đa thị được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản bởi tầm vóc và giá trị lịch sử của nó.
Ngoài ra, câu chuyện về cây lim cũng gây sự tò mò cho nhiều người. Cây Lim thuộc hàng cây đại thụ ở khu rừng Lam Kinh, khoảng 600 năm tuổi đang xanh tươi thì bất ngờ trút hết lá khi dự án phục hồi phỏng dựng Chính điện Lam Kinh được phê duyệt năm 2010. Đến khoảng nửa năm sau, khi thiết kế thi công vừa hoàn thành thì cũng là lúc cây chết. Trong dịp giỗ Bình Định Vương Lê Lợi, tỉnh Thanh Hóa đã làm lễ “phạt mộc” và phát hiện ra nhiều điều trùng khớp, ngẫu nhiên và kỳ lạ hơn nữa. Đó là thường các cây lim cổ thụ sẽ bị rỗng ruột, nhưng riêng cây lim này thì không, rất thích hợp để làm trụ cột các tòa nhà lớn như công trình phỏng dựng Chính điện với quy mô 9 tòa nhà gỗ lim đồ sộ nhất Việt Nam.
Khu chính điện đang được phục dựng lại
Sau khi gọt bỏ phần vỏ cây, người ta pha được 4 khúc gỗ lớn. Phần gốc cây làm được một cột cái, ngọn cây vừa với gương tảng cột quân, hai nhánh cây đủ làm một cột con và một thượng lương.
Với nhiều điểm trùng khớp đáng ngạc nhiên như vậy, người ta thoáng nghĩ đến việc có lẽ cây lim sinh ra là để mang sứ mệnh phục dựng lại cung điện cho hậu thế.
Những câu chuyện huyền bí về cây ổi cười, chuyện tình đa thị hay cây lim hiến thân đã thu hút nhiều du khách tò mò đến Lam Kinh tìm hiểu. Nhiều người đã đưa ra những giải thích khác nhau mặc dù chưa có một lí giải chính thức nào của các ban, ngành chức năng về những hiện tượng này. Có người cho rằng, đó chỉ là những hiện tượng tự nhiên bình thường, cây lim đã sống đến nửa thiên niên kỷ, nó thoái hóa và chết là điều dễ hiểu, còn chuyện cây đa thị, đó là một hiện tượng “cây đa bóp cổ” có thật trong giới thực vật, khá phổ biến trong thế giới thiên nhiên hoang dã. Mỗi người có một cách lí giải riêng nhưng không ai có thể phủ nhận tầm vóc và giá trị văn hóa lịch sử của Khu di tích Lam Kinh, một chứng nhân của lịch sử về một thời phồn thịnh và hào hùng của dân tộc.