Đã có kinh nghiệm làm tranh gạo 8 năm nay, chị Kiều cho biết để làm tranh gạo bước đầu tiên là phải chọn hạt gạo đều, săn chắc đem rang lên. Mỗi loại gạo rang ở mỗi nhiệt độ, thời gian khác nhau sẽ cho ra các gam màu khác nhau. Hiện chị Kiều đã tạo ra 7 gam màu khác nhau như vàng óng, đen, vàng nâu…
Những hạt gạo sau khi rang có gam màu khác nhau nhưng vẫn mang nét đẹp mộc mạc, chân quê là nguyên liệu để phối màu
Sau khi rang gạo xong, công việc tiếp theo là đính từng hạt gạo lên khung gỗ đã phác thảo từ trước để tạo nên bức tranh gạo. Sau đó, người thực hiện sẽ phun hóa chất lên bề mặt hạt gạo để chống ẩm, rồi đóng khung. Khi đóng khung xong phải hút không khí trong bức tranh ra hết để trở về trạng thái chân không, sau đó dán keo bịt kín lại nhằm bảo đảm bức tranh có thể tồn tại 20-30 năm.
Bức tranh "Đôi bờ Hiền Lương" do chị Kiều làm từ hàng ngàn hạt gạo.
Nói qua quy trình có vẻ đơn giản nhưng để làm được một bức tranh phải mất 3-5 ngày ngồi đính từng hạt gạo lên khung gỗ. Việc đóng khung bức tranh cũng tốn không ít mồ hôi, công sức. Và quan trọng nhất có lẽ là công đoạn rang gạo để tạo màu. Mỗi bức tranh gạo, chị Kiều bán với giá 2-3 triệu đồng tùy theo độ khó dễ, công phu của bức tranh. Cũng có những bức tranh gạo nhỏ, trị giá vài trăm ngàn đồng làm quà đặc sản từ miền nắng gió miền Trung.
Mỗi năm, chị Kiều cho ra đời từ 400-500 bức tranh chân dung, phong cảnh đất nước con người Việt Nam, di tích lịch sử, các loại hoa, muông thú… Với doanh thu khoảng 500 triệu đồng, trừ chi phí lãi 200 triệu/năm. Mới đây, tranh gạo Kiều Trân của chị Kiều đã đạt giải ba sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Trị lần thứ 3, năm 2016.