Vì yêu thiên nhiên cây cỏ, vì không muốn gắn bó cả đời với chiếc máy tính nhàm chán mà vợ chồng chị Hiền Phương (sinh năm 1992) và anh Đinh Nhật (sinh năm 1990) đã quyết định bỏ phố về quê nhà ở huyện Cư M'gar, Đắk Lắk. Ở đây, anh Đinh Nhật đã kinh doanh online và thi công nội thất, còn chị Hiền Phương cũng có một thương hiệu nhỏ về các sản phẩm thiên nhiên như xà phòng, vải sáp ong,…
Ngoài ra, đôi vợ chồng còn trồng rau, nuôi cá, quay lại những video cuộc sống thú vị thường nhật, kể cho mọi người nghe những âm thanh bình yên của cuộc sống nơi thôn quê, truyền cho mọi người những cảm hứng tích cực về cuộc sống.
“Về quê là để được sống là chính mình, được gần gũi với những an lành, từ đó sẽ có thêm nhiều năng lượng để làm việc có ích khác nữa, để gửi gắm những điều tốt đẹp đi xa hơn. Biết đâu ở nơi nhộn nhịp nào đó vẫn có người tìm kiếm những chữa lành của thiên nhiên, bạn không tự mình đến được nơi này thì hãy ngắm hình Phương nhé”, mẹ một con chia sẻ.
Chị Hiền Phương cho biết, trước đây chị là một thợ chụp ảnh và sở hữu một studio riêng khá hút khách ở thành phố Buôn Ma Thuột nên có nguồn thu nhập ổn định. Còn anh Đinh Nhật trước đây hoạt động nghệ thuật ở TP.HCM, nhưng sau đó anh quyết định bỏ sự nghiệp đang theo đuổi về quê để ở bên gia đình và bố mẹ.
Hiểu chồng là một người coi trọng tình cảm gia đình, muốn gần gũi để chăm sóc bố mẹ nên ngay sau khi cưới, chị Hiền Phương đã theo chồng bỏ phố về quê. Ngoài ra, cũng là vì bản thân chị rất yêu thiên nhiên, cây cỏ, không muốn gắn bó cả đời với công việc ở studio chụp hình nên 9X rất hào hứng khi về quê cùng chồng.
“Mới đó mà chúng mình đã về quê sống được 4 năm rồi. Chúng mình không sống chung cùng bố mẹ mà thuê một mảnh vườn rộng 2.000m2 gần nhà nội để ở, bởi mình thích được gần gũi với thiên nhiên và chồng đã chiều theo ý muốn của mình. Cách đây một năm, chúng mình đã chuyển đến khu vườn thứ 2, rộng hơn và hoà mình với núi đồi hơn”, mẹ một con chia sẻ.
Khu vườn thứ 2 này rộng 10.00m2, hiện tại phần lớn vườn đang được để phát triển tự do. Vì với vợ chồng chị Hiền Phương, vườn chỉ là nơi gia đình chị giải tỏa căng thẳng chứ không phải làm kinh tế chính.
“Chúng mình chỉ thu gọn lại một góc vườn, còn lại để tự nhiên, lâu lâu đi dạo cũng thú vị. Trong vườn có ao, có suối, nhìn ngắm núi đồi được và chúng mình có cả một khoảng trời rộng trước nhà”, chị Hiền Phương cho hay.
Trong khu vườn nhà chị vừa có ao vừa có suối.
Chia sẻ về quá trình cải tạo vườn, mẹ một con cho biết khó khăn lớn nhất chính là cải tạo đất. Đất Tây Nguyên nhiều nơi là đất đỏ bazan rất tốt, nhưng có những nơi như vườn chị lại rất nhiều đá. Vì thế chị đã bỏ ra khoảng 100 triệu để cải tạo vườn.
Trong khu vườn này, vợ chồng chị chủ yếu trồng cây ăn trái và rau củ, mùa nào trồng thức nấy và hoàn toàn trồng theo phương pháp hữu cơ, không phun thuốc. Ngoài ra còn có một ao cá nhỏ, tất cả đều phục vụ cho gia đình và mang tặng bạn bè chứ không làm vì mục đích kinh tế.
Chị Hiền Phương nói: “Nếu về quê để làm kinh tế trên mảnh đất đấy, chắc chúng mình sẽ hối hận vì kinh nghiệm nông nghiệp không có, kiến thức cũng không. Nhưng rất may, chúng mình đều là những người đã từng ở thành thị, đều đã có hướng đi cho công việc là làm online và xác định không dựa vào sức lao động tay chân”.
Nông sản thu hoạch được trong khu vườn nhà chị Hiền Phương.
Giờ đây sau 4 năm về quê và được gần gũi với thiên nhiên, chị Hiền Phương nhận thấy hiệu quả công việc và tinh thần của chị đều tốt hơn trước rất nhiều. Dẫu vậy, với những người nuôi giấc mộng bỏ phố về quê, chị khuyên rằng nếu đang có gánh nặng về kinh tế thì khoan hãy về vườn. Hãy chuẩn bị thật tốt từ nguồn lực kinh tế, kinh nghiệm, kiến thức và sức khỏe vì việc bỏ phố về vườn là một hành trình không hề đơn giản.
“Đối với cá nhân mình, về vườn không phải để làm nông nghiệp nên từ ban đầu mình đã luôn tìm hướng đi khác. Mình yêu thích tự do, không muốn gò bó trong khung giờ làm việc cố định, nên mình tìm công việc có thể làm mọi lúc mọi nơi. Về vườn cũng không ‘chill’ như mọi người thấy trên mạng, về vườn là về cùng rắn, cùng sâu, ếch nhái, côn trùng, về vườn sẽ phải có nhiều mồ hôi hơn và da phải đen hơn, tay sẽ khô ráp hơn. Mình cũng chúc những bạn trẻ tìm được hướng đi để cùng nông thôn phát triển, nâng cao được giá trị cho nông sản Việt”, chị Hiền Phương nói.